Mua ô tô mới, bảo hành càng dài càng tốt Người dân hứng khởi chọn mua ô tô sau khi lệ phí trước bạ giảm 50% Bộ Công Thương cảnh báo tình trạng phát sinh chi phí không chính thức khi mua ô tô |
Phí "giữ chỗ"... gửi vào tài khoản cá nhân
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã chính thức lên tiếng cảnh báo về tình trạng phát sinh chi phí không chính thức trong các giao dịch mua bán ô tô tại Việt Nam. Dù không phải là hiện tượng mới, nhưng theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thực trạng này đang lan rộng và diễn biến tinh vi hơn, đặc biệt với các dòng xe khan hàng, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cụ thể, nhiều khách hàng phản ánh rằng, họ bị yêu cầu chi thêm các khoản “phí giữ chỗ xe”, “phí đặt cọc” hay “phí ưu tiên”... để được nhận xe đúng hẹn, đúng yêu cầu, sớm nhất, dù về bản chất, những khoản tiền này không được quy định trong hợp đồng hoặc văn bản chính thức nào từ nhà sản xuất hay hệ thống phân phối.
Đáng lo ngại hơn khi tình trạng các đại lý, showroom ô tô yêu cầu người mua chi trả những khoản chi phí không chính thức này với cam kết... bằng miệng, không hóa đơn, không giấy tờ rõ ràng, nhưng lại trở thành “luật chơi” nếu người mua muốn nhanh chóng sở hữu chiếc xe mong muốn. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, đây là biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu trục lợi và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Để tìm hiểu về tình trạng phát sinh chi phí không chính thức trong các giao dịch mua bán ô tô, phóng viên Báo Công Thương đã đến ghi nhận tại một số điểm đăng ký xe và đại lý bán xe ô tô trên địa bàn TP. Hà Nội.
![]() |
Chị N.T.H. (trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) thông tin với phóng viên tại Đội Cảnh sát giao thông số 3, số 1234 đường Láng vào sáng 15/5/2025. Ảnh: H.S |
Khi được hỏi về việc mua xe ô tô, đại lý xe có yêu cầu mình phải “đặt cọc giữ chỗ” trước không, chị N.T.H. (trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đang làm thủ tục đăng ký xe tại Đội Cảnh sát giao thông số 3, số 1234 đường Láng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết, khi đến đại lý Ford Hà Thành - Chi nhánh Mỹ Đình vào dịp 30/4 vừa qua, chị được báo giá chiếc xe Ford Explorer Limited SUV lăn bánh có giá khoảng 1,8 tỷ đồng.
“Dù xe có sẵn trong showroom và cũng chưa có hợp đồng chính thức, nhưng gia đình tôi vẫn được yêu cầu đặt cọc 15 triệu đồng để “giữ chỗ”. Đây là thủ tục “ngầm hiểu” của khách hàng và nhân viên, không được thể hiện trong hợp đồng mua bán”, chị H. cho hay.
Còn anh Nguyễn Ngọc M. (trú tại phố Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, việc khách hàng phải nộp phí “giữ chỗ” diễn ra khá phổ biến tại các đại lý showroom xe ô tô. Trong khi đó, các giao dịch này đều mang tính cá nhân giữa nhân viên tư vấn và khách hàng, không có xác nhận của đại diện đại lý chịu trách nhiệm.
“Nếu xảy ra tranh chấp hay nhân viên bán hàng có ý định cố tình lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đương nhiên khách hàng là người chịu thiệt rồi. Vì tất cả các giao dịch này đều bằng miệng”, anh M. nói thêm.
Ngày 15/5, phóng viên Báo Công Thương trong vai khách hàng hỏi mua xe Vios màu đỏ tại Toyota Mỹ Đình (15 Phạm Hùng, Hà Nội) thì được một nhân viên tư vấn, giới thiệu xe không có sẵn, phải chờ 7–10 ngày và đặt cọc 20 triệu đồng để giữ xe. Dù đại lý chào khuyến mãi 40 triệu đồng tiền mặt cùng phụ kiện kèm theo, nhưng quy trình giao dịch hoàn toàn mập mờ về mặt pháp lý. Phí “giữ chỗ” được gửi vào tài khoản cá nhân của nhân viên và không có giấy tờ xác nhận về khoản tiền đó.
![]() |
Nhân viên Toyota Mỹ Đình tư vấn cho khách hàng mua xe. Ảnh: H.S |
Tiếp đó, phóng viên trong vai người đi mua xe cho người thân tại đại lý Mercedes An Du (11 Phạm Hùng), nhân viên tư vấn cho biết, nếu khách muốn mua chiếc C200 E-Class màu trắng hoặc đen đang được khuyến mãi 200 triệu đồng (tương đương gói phí trước bạ). Tuy nhiên, khách hàng muốn đặt xe phải nộp trước 100 triệu đồng để làm thủ tục xuất kho. Tương tự, khoản tiền này cũng chỉ được “cam kết miệng” rằng sẽ trừ vào giá xe khi ký hợp đồng và hoàn tất thủ tục thanh toán.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các đại lý của hãng Mazda, Huyndai... cũng có tình trạng nhân viên tư vấn yêu cầu khách hàng đóng phí “đặt cọc giữ chỗ” từ 10 - 50 triệu đồng trước khi ký kết hợp đồng mua bán xe.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Luật sư Ma Văn Giang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo điểm k, khoản 1, Điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng là hành vi bị nghiêm cấm.
Cùng đó, Điều 29 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định rõ: Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo đúng quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng.
Vì vậy, việc các showroom, đại lý ô tô thu “phí không chính thức” trước khi ký hợp đồng dưới bất kỳ hình thức nào đều có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
![]() |
Nhân viên đại lý Mercedes An Du, số 11 Phạm Hùng tư vấn khách hàng "đặt cọc giữ chỗ" 100 triệu đồng cho chiếc xe C200 E-Class. Ảnh: H.S |
“Giao dịch mua bán ô tô là hợp đồng dân sự có giá trị lớn. Mọi chi phí phát sinh đều phải minh bạch, thể hiện rõ trong hợp đồng và được hai bên thỏa thuận. Nếu showroom cố tình đưa ra điều kiện cọc tiền mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng, thì đó là hành vi trục lợi, có thể dẫn đến tranh chấp”, luật sư Ma Văn Giang nói.
Luật sư Ma Văn Giang cũng cảnh báo, những khoản chi này không chỉ khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại về tài chính nếu phát sinh rủi ro như đổi ý mua, xe không về đúng hẹn… mà còn làm xói mòn niềm tin vào thị trường, khiến người tiêu dùng ngày càng dè dặt và e ngại khi tiếp cận các giao dịch ô tô vốn là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao.
Không được ép khách trả phí ngoài hợp đồng Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro và bất công trong giao dịch, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đưa ra một loạt khuyến nghị cụ thể và thiết thực: Đối với người tiêu dùng, cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định mua xe như: Tra cứu giá niêm yết chính thức từ nhà sản xuất hoặc các kênh thông tin uy tín để tránh bị nâng giá; so sánh chính sách bán hàng, ưu đãi giữa các đại lý nhằm lựa chọn đơn vị minh bạch, rõ ràng nhất; thận trọng với mọi đề nghị giao dịch không có hóa đơn, giấy tờ hợp pháp; đặc biệt là các khoản “phí giữ chỗ” hay “đặt cọc ưu tiên” từ cá nhân nhân viên. Đồng thời, người tiêu dùng cần yêu cầu bên bán cung cấp bảng giá chi tiết bằng văn bản, bao gồm các khoản phí phát sinh và thời gian dự kiến bàn giao xe trước khi thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào. Cùng với đó là đọc kỹ hợp đồng mua bán, bao gồm cả những điều khoản in nhỏ hoặc dễ bị bỏ qua; hay lưu giữ đầy đủ các tài liệu như hợp đồng, hóa đơn, biên lai, giấy đặt cọc để làm căn cứ khi có tranh chấp. Đối với doanh nghiệp, đại lý phân phối ô tô, theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trách nhiệm không chỉ là bán được xe mà còn là thực hiện đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi khách hàng và xây dựng uy tín thương hiệu. Theo đó, cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, giá bán, chính sách hậu mãi, phí phát sinh (nếu có). Đặc biệt là cần công khai rõ mối quan hệ giữa đại lý phân phối và nhà sản xuất để người tiêu dùng hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên. Ngoài ra, doanh nghiệp, đại lý phân phối ô tô cần xây dựng chính sách bán hàng minh bạch, trong đó yêu cầu nhân viên không được phép yêu cầu, dụ dỗ hoặc ép buộc khách thanh toán khoản phí ngoài hợp đồng; đào tạo nhân viên về đạo đức nghề nghiệp và quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; có cơ chế giám sát nội bộ, xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên vi phạm hoặc lợi dụng danh nghĩa đơn vị để trục lợi cá nhân. |