Thứ năm 28/11/2024 04:59

Thái Nguyên: Bảo tồn và phát triển nghề dệt mành cọ ở huyện miền núi

Định Hoá là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, nơi đây có làng nghề dệt mành cọ truyền thống cần được bảo tồn và phát triển.

Định Hóa không chỉ có tiềm năng phát triển du lịch mà còn có nhiều làng nghề truyền thống. Trong đó, nghề thủ công dệt mành cọ ở Làng Bầng, xã Đồng Thịnh là nghề truyền thống cần được quan tâm khôi phục và phát triển.

Mành cọ Làng Bầng vốn nổi tiếng bền, màu sắc trang nhã và hoàn toàn được làm thủ công từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu thành phẩm. Nhờ bàn tay khéo léo và kỹ thuật điêu luyện, các nghệ nhânnơi đây đã tạo nên được sản phẩm mành cọ đặc biệt, mang nét đẹp riêng của Làng Bầng.

Nan cọ được phơi khắp đường làng, ngõ xóm

Để làm ra chiếc mành cọ, đầu tiên là khâu chặt cọ làm nan. Công đoạn này tốn khá nhiều công sức, bởi đa số cọ ở nơi đây được trồng trên đồi, núi cao, muốn lấy được cọ phải vượt qua những con đường mòn, vừa dốc lại trơn trượt.

Vào độ cuối năm, khi lá to cỡ cái nia sảy gạo người dân bắt đầu đi chặt cọ. Chặt cọ phải chọn những lá bánh tẻ cuống dài (lá này đáp ứng được yêu cầu về hình thức cũng như chất lượng) sau đó dùng dao sắc chặt dứt khoát từ trong ra ngoài, rồi róc gai, lột mỏng lấy phần cật, chọn ra những nan đẹp nhất đem về sơ chế. Trung bình mỗi cuống lá cọ thu được 9-12 nan và để dệt một chiếc mành chiếu cần khoảng 300 nan.

Sau khi chặt cọ, công đoạn tiếp theo là vót nan. Đây là khâu quan trọng nhất quyết định đến chất lượng sản phẩm và là công đoạn yêu cầu sự chau chuốt, tỉ mỉ. Khi vót nan, người thợ dùng một con dao nhỏ bằng 2 đầu ngón tay nhưng sắc và bén. Những người thợ lành nghề không cần đo đếm mà chỉ ước lượng nhưng độ dầy nan nào cũng đều tăm tắp khoảng 2cm. Những nan cọ như vậy sẽ đảm bảo trong khi dệt không làm đứt chỉ, sản phẩm làm ra trơn nhẵn, mềm mại. Nan vót xong được phơi khô khoảng 3 - 4 nắng, nếu nắng to chỉ 2 nắng là nan đã khô cong.

Độc đáo ở nghề thủ công này chính là khung dệt, tất cả đều tự chế bằng những sợi dây xích xe đạp, gỗ, nan tre và những sợi thép buộc. Tuy thô sơ nhưng người thợ sử dụng rất thành thạo,tay gài nan, tay đẩy xào xuyên qua những đường chỉ trắng tinh bắt chéo nhau, chân dậm bàn đạp. Cứ như vậy, hết nan này đến nan khác liên tục được luồn vào một cách uyển chuyển và nhẹ nhàng.

Mành cọ khi xuất bán đạt giá trị cao về mặt chất lượng cũng như hình thức. Các nan mành đều, phẳng, kín với lớp vỏ bóng bên ngoài như lớp dầu quang tạo cảm giác nhẵn mịn khi ngả lưng, càng nằm nhiều càng bóng. Do khâu chọn nguyên liệu kĩ lưỡng nên mành cọ Đồng Thịnh luôn vàng óng, sử dụng lâu bền và không bị mốc, mối mọt .

Mành cọ khi hoàn thiện các nan mành đều tăm tắp, phẳng, kín với lớp vỏ bóng bên ngoài

Mặc dù sản phẩm làm ra tỉ mỉ và đẹp như vậy nhưng giá thành mành cọ lại rẻ hơn so với chiếu trúc, chiếu cói và một vài loại chiếu thông thường khác trên thị trường. Do vậy, những năm gần đây, nghề dệt mành cọ không được chú trọng, số lượng sản phẩm tiêu thụ vì thế cũng giảm 50% so với chục năm về trước. Hầu hết bà con đều tự bán trên thị trường, chưa tìm được đơn vị, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm.

Cùng với đó, diện tích của cây cọ trên địa bàn huyện Định Hóa ngày càng giảm do người dân phá bỏ và trồng thay thế bằng các loại cây lấy gỗ khác. Điều này khiến nguyên liệu đầu vào của làng nghề trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, nan giải nhất vẫn là người dân, nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với nghề. Đây cũng là lý do khiến làng nghề dệt mành cọ không thể mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Với truyền thống lâu năm, nghề dệt mành cọ Đồng Thịnh có đủ điều kiện để phát triển hơn nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng có nhiều khu, cụm công nghiệp được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, thu hút nhiều lao động thì vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ các công ty, nhà máy được dự báo sẽ rất khó khăn. Do đó, các nghề thủ công như dệt mành cọ sẽ là cơ sở tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, giúp họ cải thiện cuộc sống. Mặt khác, với một huyện giàu tiềm năng du lịch như Định Hóa, làng nghề dệt mành cọ hứa hẹn sẽ là một điểm tham quan thực tế hấp dẫn cho du khách trong lộ trình nếu có sự đầu tư hợp lý.

Trước tình hình này, huyện Định Hóa đang đẩy mạnh tuyên truyền, tìm giải pháp nhằm khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống dệt mành cọ. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm biện pháp cải tiến cách làm và nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ máy móc sản xuất để bà con yên tâm gắn bó với nghề.

Xóm Làng Bầng, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Cao Lan, Sán Chí, Tày, Nùng, Kinh... Bà con mong muốn địa phương sớm có dự án hỗ trợ làng nghề dệt mành cọ để làng nghề truyền thống này được bảo tồn và phát triển.
Lê Hoàng
Bài viết cùng chủ đề: Làng nghề Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Gia Lai: Kỳ vọng về nơi ở mới của người dân từng sống trong ngôi làng biệt lập

Nông sản Sơn La nâng cao giá trị, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc

Huyện Bắc Yên – Sơn La: bộ mặt nông thôn thay đổi nhờ nguồn vốn chính sách giảm nghèo

Huyện Thuận Châu – Sơn La Chương trình 1719 giúp thay đổi đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển du lịch huyện miền núi A Lưới

Lâm Đồng: Những gương điển hình trong phát triển kinh tế giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La tăng cường chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản