Sơn La: Tìm giải pháp cho tiêu thụ nông sản nhanh và bền vững
Được thiên nhiên ưu đãi với đất nông nghiệp màu mỡ, tầng canh tác dày cùng điều kiện khí hậu cận ôn đới, /chu-de/tinh-son-la.topic hiện nằm trong số những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng nông sản phong phú như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn, chè, cà phê...
Tỉnh Sơn La nhiều cây ăn quả cho sản lượng và chất lượng cao |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công cho biết: Tỉnh Sơn La hiện có 82.805 ha cây ăn quả các loại, sản lượng trên 450.000 tấn/năm; 29.360 ha diện tích cây công nghiệp lâu năm; có 5.041 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; tỉnh đã được cấp 241 mã số vùng trồng với diện tích 3.865,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Đến nay, đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.
Chất lượng nông sản tỉnh Sơn La ngày càng được nâng lên |
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đang phát triển nhanh, sản lượng nông sản tăng đều qua các năm, chất lượng nông sản ngày càng được nâng lên. Đến nay, Sơn La có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, đứng thứ hai cả nước. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản còn phụ thuộc vào một số thị trường, chưa thực sự bền vững.
Ông Nguyễn Thành Công khẳng định, để tiêu thụ hết sản phẩm nông sản cho người nông dân được mùa, được giá, nhanh và bền vững, tỉnh đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp cơ bản như sau: Tăng cường phát triển chuỗi liên kết “5 nhà” Nhà nước - nhà nông - nhà băng - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn đầu cơ chế liên kết để bảo đảm đời sống ổn định của người sản xuất bằng ưu thế xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong chuỗi giá trị.
Doanh nghiệp đóng vai trò dẫn đầu cơ chế liên kết “5 nhà” |
Xây dựng các vùng chuyên canh với diện tích lớn, quy trình sản xuất đạt chuẩn. Tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng của các doanh nghiệp, hợp tác xã; tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới; tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tăng cường hoạt động giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP |
Để tiêu thụ nông sản nhanh và bền vững, ông Nguyễn Thành Công cho rằng, tỉnh Sơn La cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La tới người tiêu dùng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử nhằm tiếp cận, kết nối với nhiều đối tác tiềm năng. Đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản, kéo dài thời gian tham gia xuất khẩu, giảm áp lực về tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị của sản phẩm tham gia xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Thành Công, cần tăng cường công tác thông tin thị trường về tình hình tiêu thụ, giá các mặt hàng nông sản tại các tỉnh thành trong nước và các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đồng thời, cung cấp thông tin về các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu và tình hình thông quan của các cửa khẩu để các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Với việc triển khai nhiều giải pháp, tạo ra bước chuyển mới trong việc góp phần nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian tới.