Thứ hai 25/11/2024 23:03

Những lần 'sảy chân' hy hữu của Công ty Xây lắp 368

Giai đoạn cuối 2023, Công ty Xây lắp 368 của đại gia Nguyễn Quang Huy hai lần "sảy chân" tại gói thầu cỡ "khủng". Đằng sau sự thất bại đó là gì?

Nhà thầu nức tiếng xứ Nghệ

Công ty Cổ phần Xây lắp 368 (viết tắt là Công ty Xây lắp 368) là doanh nghiệp đang nổi như cồn trong lĩnh vực thi công xây dựng hạ tầng giao thông, gây nhiều chú ý với tốc độ phát triển cao, lớn mạnh nhanh chóng khiến giới nhà thầu cả nước không khỏi hoài nghi.

Được thành lập tháng 9/2013, từ số vốn ít ỏi ban đầu chỉ vài tỷ đồng, ít ai ngờ rằng "anh thợ" xuất thân từ mảnh đất cằn cỗi xứ Nghệ - Công ty Xây lắp 368 giờ đã có cho mình khối tài sản cả nghìn tỷ đồng, là nhà thầu thực hiện hàng loạt gói thầu có tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng, trong vai trò độc lập lẫn liên danh.

Công ty Cổ phần Xây lắp 368 là doanh nghiệp xây dựng lớn của thành phố Vinh (Ảnh: Báo Nghệ An)

Đằng sau sự thành công ấy mang đậm dấu ấn của ông Nguyễn Quang Huy (SN 1974), người con của vùng quê Nghệ An. Ngày khởi nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy cùng ông Dương Văn Cảnh (SN 1981) và ông Nguyễn Đức Cường (SN 1969) đã chung tay góp vốn, hiện thực hóa ý tưởng cho ra đời Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 368 - tiền thân của Công ty Xây lắp 368 ngày nay.

Bộ ba đến từ Nghệ An khi đó quyết định ông Dương Văn Cảnh là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền lực phía sau "cánh gà" vẫn thuộc về ông Nguyễn Quang Huy, người giữ số cổ phần quá bán 53,4% (tương đương 1,602 tỷ đồng), tiếp đến mới là ông Cảnh (33,3%) và ông Cường (13,3%).

Giai đoạn chập chững thương trường 2013 - 2017, Công ty Xây lắp 368 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đến khi ông Nguyễn Quang Huy lên tiếp quản doanh nghiệp thay người đồng hương Dương Văn Cảnh (xuống làm Phó Giám đốc), nhà thầu mới có sự khởi sắc nhất định.

Tháng 5/2018, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Huy hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp từ 3 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, trong đó ông Huy giữ 94,01% vốn điều lệ (9,401 tỷ đồng), ông Cảnh giữ 2% và ông Cường giữ 3,99%. Tháng 5/2019, họ tăng tiếp vốn lên 30 tỷ đồng, và tháng 7 cùng năm đã đạt 50 tỷ đồng. Tính ra hơn 1 năm, Công ty Xây lắp 368 huy động được số vốn điều lệ gấp 17 lần.

Quãng thời gian này, thành công lớn nhất đối với doanh nhân Nguyễn Quang Huy là đã kết giao cùng "ông lớn" ngành hạ tầng giao thông - Tập đoàn Đèo Cả. Công ty Xây lắp 368 theo đó làm nhà thầu phụ cho một số công trình mà Tập đoàn Đèo Cả thi công, vừa có thêm công việc, thu nhập, vừa tích lũy kinh nghiệm phục vụ giai đoạn phát triển về sau. Họ gắn bó tới mức nhiều người lầm tưởng Công ty Xây lắp 368 thuộc hệ thống công ty con, hoặc chí ít là công ty liên kết của Tập đoàn Đèo Cả.

Tập đoàn Đèo Cả có hệ sinh thái 20 đơn vị thành viên, quy mô lao động 8.000 người (Ảnh minh họa)

Đặc biệt có thời điểm, ông Nguyễn Quang Huy còn đổi tên doanh nghiệp của mình thành Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Đèo Cả 368 (từ tháng 7/2019 - tháng 11/2020), mặc dù không nhận được bất cứ khoản đầu tư góp vốn nào từ Tập đoàn Đèo Cả. Tuy vậy, khoác chiếc áo "Đèo Cả" phần nào giúp ông Nguyễn Quang Huy và Công ty Xây lắp 368 nhanh chóng có thành công tiếp nối.

Thoát bóng "ông lớn"

2019, năm đầu tiên Công ty Xây dựng và Đầu tư 368 sử dụng bộ nhận diện mới là Công ty Xây dựng và Đầu tư Đèo Cả 368, doanh nghiệp đã thực hiện liên tiếp 2 cú tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng rồi 50 tỷ đồng, như đã thống kê phía trên. Chưa dừng lại ở đó, sự khấm khá về kinh tế của doanh nghiệp nói chung và cá nhân ông chủ Nguyễn Quang Huy nói riêng còn phản ánh qua con số doanh thu thuần tăng mạnh từ 172,9 tỷ đồng lên 288,2 tỷ đồng, tương đương mức tăng 66% so với cùng kỳ năm trước, theo tài liệu của Báo Công Thương.

Sang năm 2020 - thời kỳ đại dịch hoành hành dữ dội nhất, gây thiệt hại kinh tế và gián đoạn xã hội không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới với tốc độ, quy mô và mức độ khủng khiếp. Nhưng, điều đó không làm chùn chân nhà thầu Công ty Xây dựng và Đầu tư Đèo Cả 368, họ vẫn phất lên như vũ bão với doanh thu đạt 758,7 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần năm 2019.

Đây cũng là năm doanh nghiệp được xướng tên trong 3 gói thầu xây lắp giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, đến từ chủ đầu tư là: Ban Quản lý dự án công trình giao thông Nghệ An (trị giá 167,3 tỷ đồng, liên danh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng miền Trung), Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên (24 tỷ đồng), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh (916,8 tỷ đồng, liên danh với Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng T&D, Công ty Cổ phần Đầu tư Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Xây dựng Cầu 75), thông qua hình thức đấu thầu trực tiếp.

Cuối năm này, khi đã trưởng thành lên, ông Nguyễn Quang Huy lấy tên mới cho doanh nghiệp là Công ty Xây lắp 368, chính thức thoát khỏi bóng lớn của Tập đoàn Đèo Cả, duy trì đến ngày nay. Thời gian cho thấy, quyết định của đại gia xứ Nghệ là đúng đắn. Tích lũy đủ kinh nghiệm, nắm chắc các quy trình đấu thầu và xây dựng mạng lưới quan hệ rộng khắp ngành giao thông đã đưa tên tuổi của Công ty Xây lắp 368 ngày càng vang xa, nổi danh nhờ việc trúng hàng loạt gói thầu xây lắp từ Bắc chí Nam với tỷ lệ giảm giá thấp, số lần trượt thầu lác đác vài lần.

Dù vậy, để phục vụ cho chiến lược phát triển "nóng", nhà thầu phải vận dụng đòn bẩy tài chính lớn, tạo áp lực lên khả năng thanh toán và dòng tiền. Lấy ví dụ, năm 2018, với vốn chủ sở hữu hơn 12 tỷ đồng, doanh nghiệp sẵn sàng "cõng" trên vai những món nợ lên tới 130 tỷ đồng, "gồng nợ" gấp hơn 10 lần vốn tự có.

Công ty Xây lắp 368 đang nặng gánh bởi những khoản nợ (Ảnh chụp màn hình)

Đến cuối năm 2023, Công ty Xây lắp 368 nâng cấp bộ đệm vốn lên 120 tỷ đồng, nhưng số nợ vẫn đáng lo ngại với 480 tỷ đồng, sự chênh lệch là 360 tỷ đồng, bỏ xa hệ số nợ bình quân của ngành xây dựng. Lãi vay là một trong số nguyên nhân "bóp nghẹt" lợi nhuận của Công ty Xây lắp 368, khiến lợi nhuận trung bình 5 năm qua (2019 - 2023) chỉ khoảng 3 tỷ đồng, trong khi doanh thu lên tới 720 tỷ đồng/năm.

Những cú "sảy chân" hy hữu

Quay về với hành trình phát triển của Công ty Xây lắp 368, khi hiện tượng trúng thầu sát giá với sự góp mặt của ông Nguyễn Quang Huy đã trở nên phổ biến, dư luận bắt đầu hướng sự quan tâm đến các thương vụ "sảy chân" hy hữu của doanh nghiệp. Xui xẻo nhất có lẽ là năm 2023, khi nhà thầu xứ Nghệ chứng kiến tới 2 lần thất bại cay đắng.

Lần thua thầu đầu tiên của họ là gói thầu XL1: Thi công xây dựng Nút giao Tân Vạn đoạn từ Km25+990 đến Km28+383 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Việt Quốc mời thầu. Gói thầu có giá dự toán gần 1.850 tỷ đồng, ghi nhận sự cạnh tranh nảy lửa giữa Liên danh Công ty Xây lắp 368 - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành và Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty Cổ phần Xây lắp thương mại Delta - Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty Cổ phần Xây dựng và đầu tư 492 - Công ty Cổ phần Hải Đăng.

Tiếc rằng, Liên danh Công ty Xây lắp 368 đã không thể đánh bật đối tác cũ là Tập đoàn Đèo Cả, bị loại vì hồ sơ dự thầu (E-HSDT) không đáp ứng về năng lực kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (E-HSMT).

Vẫn trong giai đoạn cuối năm ngoái, Công ty Xây lắp 368 tiếp tục bỏ lỡ Gói thầu số 32 (xây dựng): Đoạn từ nút giao 25B đến cuối tuyến (bao gồm cả đảm bảo an toàn giao thông và chi phí mặt bằng trạm trộn, TBA phục vụ thi công) gần 880 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Tư vấn kỹ thuật xây dựng đô thị Liên Thành mời thầu.

Song, Liên danh Công ty Xây lắp 368 tiếp tục bị loại với lý do nhà thầu không đạt tại bước đánh giá năng lực kinh nghiệm (nhân sự chủ chốt) là điều dễ hiểu, lặp lại so với trường hợp ở gói thầu XL1 khu vực Bình Dương.

Và, giống như Liên danh Công ty Xây lắp 368 - Thành Phát, Liên danh Trung Thủy cũng bị mời ra về do trượt ở bước đánh giá năng lực kinh nghiệm. Dẫn tới gói thầu số 32 bị hủy, chủ đầu tư phải dời lịch mời thầu lần 2 sang tháng 4/2024.

Hoa Đông
Bài viết cùng chủ đề: hạ tầng giao thông

Tin cùng chuyên mục

CEO Vương Long gỡ video sai sự thật về Laura Coffee

Hộp thư bạn đọc ngày 14/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Hoa Nhất; bãi xe phường Yên Sở

Hải Phòng: Chủ hàng ăn khám…răng, loạn nha khoa không phép

Công ty TNHH Hamachi Việt Nam 'vô tư' rao bán xe điện Durable thuộc diện cấm lưu thông?

Thấy gì từ trang web Công ty Nhật Hưng bán 1 tấn bò khô '4 không'?

Vụ lô đất gần 7 tỷ đồng thiếu 58m2 ở Hà Nội: Người trúng đấu giá đất có được trả lại tiền?

Người dùng liên tiếp phàn nàn về chất lượng, website bán xe điện Hokido bất ngờ 'bốc hơi'

Hải Phòng: Người dân khốn khổ sống trong chung cư xuống cấp

Hộp thư bạn đọc ngày 7/11: Tổng cục Hải quan phản hồi thông tin; phản ánh liên quan GFDI

Người dùng phản ánh xe điện Hokido kém chất lượng, nhiều nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ

Quản lý thị trường Hà Nội xử phạt cơ sở bán vàng Như An Diamond sau phản ánh của Báo Công Thương

Thanh Hóa: Người dân lo ngại ô nhiễm môi trường khi quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc

Hộp thư bạn đọc ngày 31/10: Phản ánh về Công ty TNHH Tốp Tên, trang Facebook Phan Thủy Tiên

Tuyên Quang: Kiên quyết xử lý Công ty Hồng Phát làm trang trại nuôi lợn đổ đất thải trái phép

Hà Nội: Trúng đấu giá lô đất gần 7 tỷ đồng, phát hiện bị thiếu 58m2

Mua căn hộ chung cư Phương Đông Green Park, người dân bất an vì dự án vướng loạt sai phạm

TikToker Phan Thủy Tiên lại vướng lùm xùm quảng cáo mỹ phẩm trái quy định

Hà Nội: Mua căn hộ Hado Parkside giá tiền tỷ, cư dân mòn mỏi đợi sổ hồng

Vụ 10.000 chai nước hoa nghi nhập lậu: Phan Thủy Tiên lên tiếng

Hộp thư ngày 24/10: Phản ánh về cửa hàng Owen, mỹ phẩm Kahanna, quán Bar 1900