Ngang nhiên những bến thủy không phép giữa lòng TP. Hòa Bình: Bao giờ mới xử lý?
Hiện tượng các bến thủy nội địa không nằm trong quy hoạch hoặc đã hết phép nhưng vẫn hoạt động một cách ngang nhiên tại trung tâm TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mà còn tạo ra nguy cơ tiềm ẩn về an toàn giao thông thủy, khiến người dân bức xúc.
Nỗi lo bến thủy nội địa không phép
Theo Quyết định số 2957/QĐ-UBND ngày 1/12/2020 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ không thực hiện cấp lại hoặc gia hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đối với các tổ chức, cá nhân (chủ bến) có vị trí bến thủy nội địa không phù hợp quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, sau gần 4 năm văn bản có hiệu lực, nhiều bến thủy nội địa phục vụ hoạt động tập kết, kinh doanh vật liệu đá, cát, sỏi nằm ngay trung tâm TP. Hòa Bình vẫn nhộn nhịp tiếng động cơ của máy xúc, sà lan, xe tải… ra vào những bến cảng không phép.
Hoạt động bến thủy nội địa không phép tại phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vẫn hoạt động gần 4 năm nay. Ảnh: Hải Sơn |
Theo ghi nhận của Báo Công Thương, tại cụm bến thủy nội địa nằm sát chân cầu Hòa Bình 2, thuộc tổ 1, phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, hàng vạn m3 cát, sỏi chất cao hàng chục mét như những ngọn núi án ngữ hai bên bờ sông Đà. Theo dữ liệu xác minh có được, đây là khu vực đất được UBND tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê đất và vùng nước để hoạt động kinh doanh vật liệu đá, cát, sỏi từ nhiều năm nay.
Một nguồn tin từ UBND TP. Hòa Bình xác nhận, các công ty thuê đất và mặt nước làm bến thủy nội địa là nơi hoạt động tập kết, kinh doanh đá, cát, sỏi tại phường Thịnh Lang có thời gian từ 30 đến 50 năm và thực hiện nghĩa vụ tài chính trả tiền hàng năm cho nhà nước. Trong đó, Công ty TNHH Quỳnh Hà thuê 6.926,5m2 đất từ năm 2007 đến năm 2057; Công ty TNHH Tuân Lộc thuê 953m2 đất, 2.614,1m2 mặt nước từ năm 2010 đến năm 2040; Công ty TNHH Hường Trang thuê 1.121m2 đất, 2.446,7m2 mặt nước từ năm 2010 đến năm 2040…
This browser does not support the video element.
Xem thêm video: Hàng vạn khối cát cao quá nóc nhà tại bến thủy nội địa không phép giữa trung tâm TP. Hòa Bình
Theo người dân địa phương phản ánh, kể từ khi các bến cát, sỏi khổng lồ này đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây diễn ra thường xuyên. Đặc biệt vào những ngày trời chuyển gió, tình trạng cát bụi bay vào nhà dân, gây bức xúc trong nhân dân.
“Những hôm gió lớn, cát bụi từ các bến cảng tập kết cát, sỏi bay tới phủ trắng sân nhà, hành lang, bụi cát bám khắp tường và các cửa ra vào. Nhiều gia đình không dám mở cửa, mọi sinh hoạt của người dân quanh khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, một số cơ quan nhà nước của tỉnh Hòa Bình dù cách xa hàng cây số cũng khổ sở vì bụi cát mỗi khi trời có gió lớn”, ông Nguyễn Văn T., trú tại tổ 1, phường Thịnh Lang, TP. Hà Bình bức xúc nói.
Các bến thủy nội địa tập kết, kinh doanh đá, cát, sỏi tại phường Thịnh Lang đang gây bức xúc lớn trong nhân dân. Ảnh: Hải Sơn |
Cũng theo một số người dân phường Thịnh Lang, không những gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, các phương tiện chở vật liệu cát, sỏi có trọng tải lớn ra vào các bến cảng này còn tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông. Thậm chí, tại khu vực chân cầu Hòa Bình 2 cách đây vài tháng đã xảy ra tai nạn giao thông chết người giữa một người phụ nữ đi xe đạp và xe tải chở cát, khiến người dân bất an, lo lắng. Người dân địa phương đã có kiến nghị đến chính quyền sở tại về vấn đề này nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến (!?).
Vì sao vẫn hoạt động?
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình về bến thủy nội địa không phù hợp quy hoạch tại phường Thịnh Lang, TP. Hòa Bình, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình đã có quyết định đình chỉ hoạt động, giải tỏa các bến thủy nội địa trên vì không phù hợp quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hòa Bình còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động các cảng, bến thủy nội địa theo quy định. Vậy nhưng không hiểu vì sao các bến thủy nội địa dùng để tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng đá, cát, sỏi không phép ở phường Thịnh Lang vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay?
Thậm chí, đối chiếu theo Quyết định 1648/QĐ-TTg ngày 20/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch của tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cả 3 bến thủy nội địa hết phép nêu trên tại phường Thịnh Lang cũng không thuộc diện được tồn tại.
Những núi cát cao hàng chục mét vượt nóc nhà dân không phù hợp với quy hoạch của tỉnh Hòa Bình, gây ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại giữa trung tâm TP. Hòa Bình. Ảnh Hải Sơn |
Trao đổi với Báo Công Thương, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình (từ năm 2020), đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình không thực hiện cấp lại hoặc gia hạn giấy phép hoạt động cho bất cứ bến thủy nội địa nào trên địa bàn phường Thịnh Lang.
“Việc xử lý hoạt động các bến thủy nội địa trên địa bàn phường Thịnh Lang thuộc trách nhiệm của UBND TP. Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình không gia hạn hay cấp phép hoạt động bến thủy cho đơn vị nào không phù hợp với quy hoạch”, vị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho hay.