Thứ sáu 25/04/2025 20:01

Nâng cao giá trị sản phẩm sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý của đồng bào Xơ Đăng, có tiềm năng lớn để thương mại hoá, phát triển du lịch, cải thiện đời sống của bà con.

Xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sâm

Vùng đất Tu Mơ Rông (Kon Tum) được biết đến như thủ phủ dược liệu, quê hương của sâm Ngọc Linh quý giá. Trước đây, bà con đồng bào dân tộc chủ yếu canh tác nương rẫy, thu hái lâm sản phụ và đối mặt với nhiều khó khăn. Nhờ chính sách phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu trên quy mô hàng nghìn hecta, đời sống người dân dần được cải thiện.

Hiện nay, toàn huyện Tu Mơ Rông đã phát triển 2.400 ha sâm Ngọc Linh và tiếp tục mở rộng tại các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây, Đăk Na… Cây sâm Ngọc Linh đã và đang giúp bà con đồng bào Xơ Đăng trên đỉnh Ngọc Linh đổi đời.

Sâm Ngọc Linh là cây sâm quý của đồng bào Xơ Đăng - Kon Tum (Ảnh: Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông)

Để có được kết quả đó không thể không kể đến vai trò của doanh nghiệp trong việc liên kết với người dân xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm sâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Đức An - Tổng Giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông (Kon Tum) chia sẻ: “Gia đình tôi đã gắn bó nhiều năm với cây sâm, tuy nhiên trước đây, khi cha mẹ tôi trồng sâm, tình trạng thường xuyên xảy ra là sâm tươi rất dễ hư thối và khó bảo quản, khiến hiệu suất tiêu thụ của người dân không cao. Trong khi đó, để trồng được cây sâm đòi hỏi nhiều công sức. Để cải thiện tình trạng này, tôi quyết tâm học tập để quay về hướng dẫn cho cha mẹ và bà con trồng sâm ở quê nhà”.

Từ mong ước đó, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông đã tập trung vào việc nuôi cấy để hình thành vùng nguyên liệu, đồng thời đầu tư công nghệ sản xuất các sản phẩm chiết suất từ sâm để tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe hiệu quả cao.

Nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, trải qua nhiều thất bại, cả rủi ro khi vùng nguyên liệu sâm bị đánh cắp, đến nay, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông đã thành công trong xây dựng danh mục sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, bao gồm trà hòa tan, rượu sâm, thạch collagen và nhiều sản phẩm khác.

Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất (Ảnh: Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông)

Từ việc hướng dẫn bà con trồng sâm, hay sản xuất sản phẩm chiết suất từ sâm, chúng tôi đều đặt sự chú trọng vào việc đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm, từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng, tuân thủ các quy trình sản xuất tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Nhờ đó, từ củ tươi, trà hòa tan, rượu sâm đến thạch collagen làm đẹp của công ty đều đảm bảo chất lượng” – ông Trần Đức An cho hay.

Hiện nay, sản phẩm thạch collagen sâm Ngọc Linh; trà sâm Ngọc Linh hòa tan Tu Mơ Rông và nước chiết xuất sâm Ngọc Linh của công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2023, công ty vinh dự trở thành 1 trong 2 đơn vị được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ. Nhờ đó, nâng cao uy tín cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống cho công nhân địa phương (trong đó có đồng bào dân tộc Xơ Đăng) đang làm việc cho công ty.

Phát triển du lịch từ những cánh rừng sâm

Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, người dân không chỉ có thu nhập từ việc bán sâm Ngọc Linh và trồng liên kết với doanh nghiệp mà còn hưởng lợi từ du khách đến tham quan. Những năm qua, cánh rừng nguyên sinh bên dãy Ngọc Linh đã thu hút hàng nghìn du khách nhờ không khí trong lành, mát lạnh và những cây cổ thụ trăm năm tuổi. Nhiều đoàn khách từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… đến tham quan vườn sâm và cảnh quan địa phương. Họ có thể tận tay chọn mua sâm Ngọc Linh chất lượng với giá hợp lý, không cần mua qua mạng. Du khách đến chơi, nông dân miền núi có thêm thu nhập.

Làng du lịch cộng đồng Tu Thó, xã Tê Xăng (Ảnh: Trần Hiền)

Để phát triển du lịch từ vùng sâm, tháng 1/2025, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã chính thức ra mắt làng du lịch cộng đồng Tu Thó, xã Tê Xăng. Đây là làng tái định cư của người Xơ Đăng và là làng du lịch cộng đồng đầu tiên ở vùng trồng sâm Ngọc Linh Kon Tum. Làng tái định cư Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có 164 hộ dân Xơ Đăng được xây dựng cách đây hơn 5 năm trên diện tích gần 5 ha. Nhờ trồng dược liệu, trồng rừng và liên kết làm du lịch, cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Năm 2024, làng Tu Thó đón 5.000 lượt du khách. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện như hội thi ẩm thực quốc tế, hội thảo sâm Ngọc Linh…

Theo Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Tu Mơ Rông, để phát triển du lịch cộng đồng tại làng Tu Thó của xã Tê Xăng, chúng tôi khôi phục lại văn hoá cồng chiêng, các lễ hội mang đậm bản sắc của người Xơ Đăng, từng bước phát triển du lịch cộng đồng. Tiến tới phấn đấu mỗi xã sẽ có một điểm du lịch cộng đồng, ngoài ra đưa du khách đi thăm các vườn sâm, các thác nước đẹp.

Cùng với việc hình thành các sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông cũng đã hình thành đề án xây dựng làng thanh niên lập nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm về rừng, dược liệu theo hướng xây dựng mô hình làng du lịch homestay, farmstay. Qua đó du khách sẽ được tìm hiểu về nghề truyền thống và bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa nơi đây; tham quan suối, thác; tìm hiểu về dược liệu và hệ sinh thái rừng... nghiên cứu tạo nên những sản phẩm du lịch thích hợp với từng nhóm khách và tạo nên sự khác biệt, đặc trưng để thu hút khách du lịch biết đến Tu Mơ Rông và đến với Kon Tum nhiều hơn.
Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Kon Tum

Tin cùng chuyên mục

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số

‘Bắc cầu’ thị trường cho nông sản vùng cao: Khơi thông từ chính sách tới hành động

Long nhãn Sơn La - 'vàng ngọt' của núi rừng Tây Bắc

Chè Shan tuyết - ‘vàng xanh’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Mật ong Cao Bằng: ‘Gieo’ thương hiệu, ‘gặt’ đầu ra bền vững

Tập livestream bán hàng, phụ nữ Cơ Tu đưa thẳng hàng lên kệ siêu thị

Nông sản Đắk Lắk: Từ đất đỏ bazan vươn tầm thế giới

Hương hồi Bình Liêu: Từ chợ quê lên kệ hàng thành phố

Yên Bái ‘mở lối’ cho hàng hóa vùng cao vươn xa

Chè Shanam: Tinh hoa từ những búp chè cổ thụ Tà Xùa

Viện trưởng AIT: Du lịch phiên bản 2025 ‘Một chuyến đi – nghìn đơn hàng’

Longform | Sơn La: Cà phê Bích Thao và hành trình xây dựng thương hiệu

Cao Bằng: Nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con dân tộc

Thái Nguyên: Phát triển sản phẩm thế mạnh vùng dân tộc gắn với du lịch

Nâng tầm thương hiệu cà phê Việt trên đất đỏ Tây Nguyên

Trồng nấm đông trùng hạ thảo: Mô hình thoát nghèo của bà con vùng núi Lai Châu

Người dân xã đạt chuẩn nông thôn mới ở huyện miền núi Quảng Nam: Còn nhiều tâm tư

‘Vàng xanh’ trên đỉnh non ngàn