Thứ sáu 29/11/2024 00:14

Mưu sinh trong khu vực hành lang an toàn lưới điện: Hiểm họa khôn lường

Mưu sinh trong khu vực hành lang an toàn lưới điện, mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra hàng ngày khiến hiểm họa khôn lường.

Với thói quen bám vỉa hè để kinh doanh, nhiều người dân xem thường tính mạng, bày biện hàng hóa, phương tiện ngay bên trạm biến áp, trụ - bốt điện, cột điện. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hàng ngày tại các tuyến phố, đòi hỏi cơ quan chức năng phải kiên quyết hơn trong xử lý vi phạm.

Người dân bày bán hàng trước Trạm biến áp Cầu Diễn 4, đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm)

Bất chấp nguy hiểm

Hiện hầu hết các tuyến phố của thành phố Hà Nội đều có trụ, bốt điện được lắp đặt trên vỉa hè. Tại phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm), khoảng 100-200m lại xuất hiện 1 trụ, bốt điện. Trụ điện nào cũng có biển cảnh báo cấm lại gần nguy hiểm cháy nổ, song hầu như người dân đều xem thường. Trước cửa nhà số 26, 39, 62 phố Hàng Bồ, các tủ điện đã bị “biến hình”, che khuất bởi chồng bàn nhựa, biển hiệu, khăn, áo phơi xung quanh hoặc các vật dụng bán hàng ăn, trà đá... Có tủ điện được “trang điểm” bởi hàng chục xâu chỉ may quần áo, ren, phụ kiện của người kinh doanh đồ may mặc trên phố.

Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, người dân ở phường Hàng Bồ, các trạm biến áp, trụ điện đều bị chiếm dụng không chỉ ở phố này mà còn trên các tuyến phố Hàng Gà, Phủ Doãn, Phùng Hưng…

Tại quận Nam Từ Liêm, tình trạng cũng không khá hơn. Ngay tại Trạm biến áp Cầu Diễn 4, trước cửa số nhà 306 đường Hồ Tùng Mậu, người dân vô tư ngồi bán dừa tươi, đồ ăn uống… Trên tuyến phố Nguyễn Văn Giáp, ở cạnh cột điện, người dân vẫn bày bàn ghế bao quanh chân cột để khách uống trà, cà phê, ăn sáng... Hay tại ngõ 71 đường Mỹ Đình, 35 phố Trần Bình… nhiều người bày bán hoa quả, thực phẩm tươi sống trước trạm biến áp, cột điện, bất chấp nguy hiểm.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, các tủ, bốt điện, trạm biến áp, cột điện còn là nơi để các hộ dân đổ rác, bán vật liệu xây dựng, phế thải... Trước cửa số nhà 21 phố Cát Linh (quận Đống Đa), trạm biến áp, cột điện bị bao vây bởi gạch lát nền của các cửa hàng quanh đó. Tình trạng cũng không khả quan hơn tại các tuyến phố ở quận Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy…

Cần sự phối hợp, kiên quyết xử lý vi phạm

Việc người dân bất chấp nguy hiểm để chiếm dụng không gian xung quanh hoặc dưới các trạm biến áp, trụ, bốt điện đặt ra bài toán về sự kiên quyết xử lý cho các cơ quan chức năng.

Thực tế, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, chính quyền địa phương đã tăng cường ra quân xử lý việc lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, đặc biệt tại khu vực hành lang lưới điện. Theo Phó Trưởng Công an phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Huy Hiệp, lực lượng công an phường thường xuyên tuần tra, nhắc nhở nhưng vì mưu sinh nên nhiều người vẫn cố tình kinh doanh, bất chấp nguy hiểm. Trong hai ngày 23 và 24-8, Công an phường đã ra quân xử lý vi phạm, thu giữ bàn ghế, phương tiện bán hàng dưới trạm biến áp, cột điện tại phố Mỹ Đình, Trần Bình và các chủ cửa hàng đã ký cam kết không tái diễn vi phạm. Thời gian tới, lực lượng Công an phường tiếp tục tuần tra, kiểm tra tại các điểm từng kinh doanh ở khu vực hành lang lưới điện, bảo đảm chống tái lấn chiếm, vừa giữ gìn an ninh trật tự đô thị, vừa bảo đảm an toàn cho người kinh doanh, khách hàng.

Về vấn đề này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, dù biết rằng cần phải giữ khoảng cách theo quy định an toàn lưới điện nhưng vì mưu sinh người dân bỏ qua sự an nguy, bày hàng hóa, trong đó có các dụng cụ kim loại sắt thép, inox… gần nguồn điện. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng truyền, dẫn, phóng điện. Người dân nên nhận thức rõ hơn về hậu quả của việc kinh doanh dưới hành lang an toàn lưới điện. Về góc độ quản lý, Công an quận sẽ tiếp tục yêu cầu công an các phường tập trung kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm.

Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ, đối với các trạm điện không có tường, rào bao quanh, hành lang bảo vệ được giới hạn bởi không gian bao quanh trạm điện có khoảng cách đến các bộ phận mang điện gần nhất của trạm điện như sau: Điện áp đến 22kV, khoảng cách là 2m; điện áp 35kV, khoảng cách là 3m… Còn đối với các trạm biến áp, trạm phân phối điện hợp bộ, có vỏ bằng kim loại thì hành lang bảo vệ được giới hạn đến mặt ngoài của phần vỏ kim loại... Như vậy, xét theo quy định trên thì hầu hết những trường hợp kinh doanh, buôn bán ngay sát các trạm, trụ, bốt điện đều vi phạm về hành lang an toàn lưới điện. Điều đáng nói, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã cảnh báo rất nhiều lần tại nơi đặt tủ, bốt điện, trạm biến áp, cột điện, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều hộ kinh doanh bất chấp nguy hiểm, kinh doanh dưới biển cấm.

Để giải quyết tình trạng trên không đơn giản khi sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người. Tuy nhiên, việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện là cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, ngành Điện lực và chính quyền địa phương, lực lượng công an các quận, huyện, xã, phường cần tiếp tục sự phối hợp chặt chẽ hơn nhằm tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh những hậu quả đáng tiếc.

hanoimoi.vn
Bài viết cùng chủ đề: Hành lang an toàn lưới điện

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Người dân sống bất an cạnh chung cư Bình An Plaza

Hộp thư bạn đọc ngày 21/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Trinh nữ Hoàng Cung Crilin, MBC PlayBe Việt Nam

Vụ Công ty GFDI vỡ nợ 3.700 tỷ đồng: Khách hàng cần làm gì để lấy lại tiền cho vay?

Chính quyền phản hồi về quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc sau phản ánh của Báo Công Thương

CEO Vương Long gỡ video sai sự thật về Laura Coffee

Hộp thư bạn đọc ngày 14/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Hoa Nhất; bãi xe phường Yên Sở

Hải Phòng: Chủ hàng ăn khám…răng, loạn nha khoa không phép

Công ty TNHH Hamachi Việt Nam 'vô tư' rao bán xe điện Durable thuộc diện cấm lưu thông?

Thấy gì từ trang web Công ty Nhật Hưng bán 1 tấn bò khô '4 không'?

Vụ lô đất gần 7 tỷ đồng thiếu 58m2 ở Hà Nội: Người trúng đấu giá đất có được trả lại tiền?

Người dùng liên tiếp phàn nàn về chất lượng, website bán xe điện Hokido bất ngờ 'bốc hơi'

Hải Phòng: Người dân khốn khổ sống trong chung cư xuống cấp

Hộp thư bạn đọc ngày 7/11: Tổng cục Hải quan phản hồi thông tin; phản ánh liên quan GFDI

Người dùng phản ánh xe điện Hokido kém chất lượng, nhiều nghi vấn về nguồn gốc, xuất xứ

Quản lý thị trường Hà Nội xử phạt cơ sở bán vàng Như An Diamond sau phản ánh của Báo Công Thương

Thanh Hóa: Người dân lo ngại ô nhiễm môi trường khi quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc

Hộp thư bạn đọc ngày 31/10: Phản ánh về Công ty TNHH Tốp Tên, trang Facebook Phan Thủy Tiên

Tuyên Quang: Kiên quyết xử lý Công ty Hồng Phát làm trang trại nuôi lợn đổ đất thải trái phép

Hà Nội: Trúng đấu giá lô đất gần 7 tỷ đồng, phát hiện bị thiếu 58m2

Mua căn hộ chung cư Phương Đông Green Park, người dân bất an vì dự án vướng loạt sai phạm