Lý Thị Ninh - người đưa thổ cẩm Chế Cu Nha đi xa
Tôi tìm về Chế Cu Nha trong những ngày chính thu, nắng vàng ruộm xen chút se lạnh, cảnh sắc đẹp mê lòng người. Chị Lý Thị Ninh (bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đón chúng tôi bằng nụ cười với hai núm đồng tiền duyên dáng. Dù còn rất trẻ, chị Ninh đã được giao làm tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc H’Mong của xã. “Khi Craft Link lên khảo sát, thành lập tổ sản xuất, cả xã mỗi Ninh và 2 chị nữa biết tiếng phổ thông. Ninh biết nhiều hơn nên được chọn làm tổ trưởng sản xuất, rồi làm tổ trưởng tổ hợp tác” – chị Ninh cười giòn giã, giải thích.
Ngắm chị Ninh loay hoay với hàng hoá, màu trầm của bộ váy áo truyền thống đối lập hẳn với sắc màu rực rỡ của chiếc khăn đội đầu, tôi chợt nghĩ tới lời của bà Trần Tuyết Lan - Tổng Giám đốc Công ty CP Doanh nghiệp xã hội (Craft Link) - người đã nhiều năm gắn bó, bảo tồn và phát triển sản phẩm thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc thiểu số: Hầu hết người H’Mong Hoa nơi đây vẫn mặc trang phục theo kiểu truyền thống, điều rất hiếm có ở nhiều vùng dân tộc thiểu số khác. Trang phục được may bằng vải lanh với những hoa văn trang trí vẽ bằng sáp ong, nhuộm chàm kết hợp với thêu và ghép vải.
Nhìn đôi bàn tay xanh màu chàm của chị thoăn thoắt đưa từng đường kim trên mặt trái của vải với những hoạ tiết rối rắm không thành hình mà khi lật sang mặt phải lại là hoạ tiết chân gà, hình xoắn ốc đều tăm tắp mà không khỏi thán phục. Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa bởi toàn bộ hoạ tiết đều được chị Ninh thêu theo trí nhớ, không hề có nét dấu hay mẫu để soi chiếu.
Trước con mắt ngạc nhiên của tôi, chị Ninh nói, phụ nữ H’Mong Hoa từ khi 6-7 tuổi đã được mẹ truyền dạy cách thêu, cách làm trang phục truyền thống. Chị, em trước khi về nhà chồng đều tự may cho mình những bộ váy đẹp nhất để mang theo. Những bộ váy truyền thống đó phải làm bền bỉ hàng năm trời, thậm chí nhiều năm mới xong.
Chị Lý Thị Ninh- Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc H’Mong Hoa xã Chế Cu Nha |
Thổ cẩm giờ đây không chỉ còn là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày của phụ nữ H’Mong Hoa ở Chế Cu Nha nữa, năm 2009 với sự hỗ trợ của Craft Link thông qua các hoạt động tập huấn mẫu mã, giới thiệu quảng bá sản phẩm đã trở thành hàng hoá, trở thành nguồn thu nhập cho chị, em. Văn hoa thổ cẩm H’Mong Hoa được đưa vào những chiếc túi đeo, thắt lưng, khăn trải bàn và cả những chiếc áo mang thiết kế hiện đại, độc đáo.
Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc H’Mong của Chế Cu Nha khởi đầu với 25 thành viên, giờ đã tăng lên 45 thành viên. Sản phẩm của tổ hợp tác được tiêu thụ tại địa phương và một phần xuất khẩu. “Ngoài tiêu thụ qua Craft Link, chị em còn tự mày mò thông qua mạng xã hội Zalo và Facebook để giới thiệu hàng hoá, bán sản phẩm sang Thái Lan và Lào” – chị Ninh nói. Và với thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng, những người mẹ nơi vùng đất khó khăn này có thêm chi phí trang trải cuộc sống, có thêm tiền mua sách vở, sắm quần áo mới cho con.
Và điều bà Trần Tuyết Lan tâm đắc khi thực hiện các dự án hỗ trợ phụ nữ vùng dân tộc thiểu số không chỉ là có thêm thu nhập, cải thiện sinh kế mà còn đem lại sự tự tin, mạnh dạn hoà nhập xã hội hiện đại của họ. Bà Trần Tuyết Lan chia sẻ, người phụ nữ H’Mong Hoa thường sống biệt lập trên các vùng núi cao, quanh năm làm bạn với nương rẫy, cỏ cây việc đưa họ tiếp cận với hàng hoá, thị trường là rất khó. Đến với họ, hỗ trợ họ không chỉ có lòng kiên nhẫn mà rất cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành.
Quả thực, sau 7 năm tham gia tổ hợp tác, cuộc sống của Lý Thị Lì (bản Trống Tông) đã thay đổi đáng kể, từ chỗ không biết giờ chị có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng phổ thông; từ chỗ quanh năm bận bịu với nương rẫy giờ chị đã được đi nhiều tỉnh, thành phố; từ chỗ không có thu nhập, không đủ lương thực để ăn giờ chị có thể mua áo mới cho 2 đứa con mỗi mùa khai giảng, mỗi dịp lễ tết.
Hay với bà mẹ 4 con, Sùng Thị Mú (bản Dề Thàng): “Trước đây cuộc sống có khó khăn nhưng từ khi tham gia vào tổ hợp tác mình thấy cuộc sống khá hơn, thu nhập đủ cho con đi học” - Mú vui vẻ nói với chúng tôi.
Hơn 10 năm dự án Craft Link được triển khai, 3 năm Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được thực hiện, thổ cẩm truyền thống của người dân tộc H’Mong Hoa tại Chế Cu Nha đã và đang được bảo tồn và phát triển. Người phụ nữ nơi đây bước ra khỏi sự ngại ngần dần chủ động được cuộc sống.