Lai Châu: Xây dựng thương hiệu gạo séng cù
Gạo séng cù có giá trị kinh tế cao |
Giá trị kinh tế cao
Séng cù là giống lúa tẻ thơm có chất lượng, giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều giống lúa khác. Ở Lai Châu, gạo séng cù được trồng nhiều ở các xã: Hua Nà, Mường Cang, Mường Than, Phúc Than (huyện Than Uyên). Hạt gạo có đặc trưng riêng là gạo trắng trong, căng tròn, hương vị đậm đà, hàm lượng dinh dưỡng cao. Từ khi được gieo trồng, séng cù đã nhanh chóng trở thành đặc sản của địa phương và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Khi đời sống ngày càng phát triển, xu hướng sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao sẽ ngày càng lớn, việc sản xuất gạo đặc sản chất lượng cao là điều tất yếu. Chất lượng cao, lợi ích lớn sẽ là tiền đề để huyện Than Uyên có chiến lược mở rộng diện tích trồng lúa séng cù, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời gìn giữ và phát triển một giống gạo quý.
Theo lời của những người trồng lúa lâu năm, gạo séng cù ở Than Uyên ngon bởi đồng đất nơi đây màu mỡ và khí hậu trong lành. Khoảng 10 năm về trước bà con dân tộc ở huyện Than Uyên đã gieo trồng giống lúa séng cù nhưng chủ yếu trồng để ăn hay làm bánh vào những dịp tết nên cả huyện chỉ có 15 héc-ta, năng suất trung bình đạt 38 – 40 tạ/héc-ta. Sau vài vụ gieo cấy, nhận thấy giống lúa này phù hợp với đồng đất của Lai Châu, chất lượng gạo ngon hơn hẳn các loại khác, người dân đã mở rộng diện tích gieo cấy lúa séng cù để bán ra thị trường. Giá trị hạt gạo séng cù mang lại cho người nông dân là rất lớn bởi giá bán vượt trội hơn hẳn. Cụ thể, hiện nay giá lúa séng cù có giá 14.000 – 15.000 đồng/kg, gạo từ 22.000 – 25.000 đồng/kg (trong khi đó giá lúa thuần chỉ có 9.000 đồng/kg, gạo 13.000 – 14.000 đồng/kg).
Với giá trị vượt trội như vậy, huyện Than Uyên đã có chủ trương xây dựng gạo séng cù trở thành sản phẩm hàng hóa, hướng tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, do hiện nay, quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất lúa séng cù hiện chủ yếu vẫn theo thói quen, tự phát và thiếu định hướng, quy mô còn nhỏ lẻ, chất lượng gạo chưa đồng đều nên việc xây dựng gạo séng cù trở thành sản phẩm hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Để xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm, mới đây, huyện Than Uyên đã triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển và tạo dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo séng cù Than Uyên”. Vụ mùa năm 2016, huyện Than Uyên đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng tổ chức quy hoạch vùng sản xuất mô hình lúa hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu chế biến gạo séng cù Than Uyên với quy mô 21 héc-ta ở xã Hua Nà với 176 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ 100% giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Để mô hình đạt năng suất và chất lượng cao, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Than Uyên phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật; phối hợp với UBND xã Hua Nà chỉ đạo nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Sau thời gian triển khai dự án, đánh giá của các hộ gia đình cho thấy, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng giống lúa séng cù giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, kiểm soát được sâu bệnh gây hại và năng suất cao hơn. Cách làm này cũng chứng minh là mang lại hiệu quả lớn khi sản lượng thu hoạch cao hơn hẳn cách làm truyền thống.
Tiếp tục nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo séng cù Than Uyên, thời gian tới, UBND huyện Than Uyên sẽ sớm xây dựng logo, quy chế quản lý thương hiệu. Đồng thời tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đánh giá, phân tích, bổ sung kỹ thuật trồng chăm sóc lúa séng cù và chuyển giao đến nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền và vận động nhân dân mở rộng diện tích, góp phần phát triển thương hiệu gạo séng cù huyện Than Uyên.