Lai Châu: Nâng cao giá trị sản phẩm chè
Giá trị cao từ cây chè
Hiện nay, Lai Châu đang có khoảng gần 9.000 ha chè. Diện tích chè kinh doanh đạt gần 7.000 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.
Chè Lai Châu tập trung chủ yếu tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu với giống chè như: chè Shan, Kim Tuyên, PH8, chè cổ thụ. Trong đó, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên là những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh Lai Châu. Tận dụng ưu thế về điều kiện tự nhiên, cơ chế chính sách và nguồn lao động dồi dào, các huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè “sạch” chất lượng cao với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp và hàng nghìn hộ dân.
Lai Châu hình thành được vùng chè chất lượng cao |
Huyện Tam Đường là vùng trồng chè lớn nhất của Lai Châu. Từ chủ trương chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao, đến nay xã Bản Bo có diện tích chè lớn nhất của huyện Tam Đường. Tổng diện tích chè của xã là 832ha, trong đó chè kinh doanh hơn 534ha, sản lượng ước đạt 4.756,7 tấn. Nhờ chú trọng thâm canh, mở rộng diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng, cây chè đem lại nguồn thu ổn định cho người dân trên địa bàn xã.
Nhận thức về giá trị của cây chè, Lai Châu tập trung vào bảo tồn những cây chè cổ thụ. Xã Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) vốn có hơn 10ha chè cổ thụ. Rừng”= chè có đến hơn 1.000 gốc, nhiều cây chè cao từ 5-6m, muốn hái búp phải bắc thang. Sà Dề Phìn có khí hậu mát mẻ quanh năm, nên vị chè hết sức đặc biệt. Hiện 100% sản phẩm chè cổ Sà Dề Phìn được bao tiêu sản phẩm.
Rừng chè tạo cảnh quan nên cây chè không chỉ để thu hoạch làm sản phẩm mà còn được định hướng phát triển du lịch. Đây cũng là định hướng của một số huyện có diện tích trồng chè lớn trên địa bàn tỉnh Lai Châu như: Tân Uyên, Tam Đường… Những đồi chè ở huyện Tân Uyên đẹp có tiếng. Màu xanh ngút ngàn của đồi chè ẩn mình dưới những dãy núi được Tân Uyên biến thành hoạt động du lịch cộng đồng, gồm các dịch vụ quay phim, chụp ảnh, hái chè, thưởng chè. Từ Tân Uyên, khách du lịch có thể đi đèo Ô Quý Hồ nối giữa Lào Cai và Lai Châu, đi thăm bản Y Tý (Lào Cai) với giao thông thuận lợi. Điều này càng khiến những đồi chè Tân Uyên nổi tiếng.
Đẩy mạnh chế biến
Để nâng cao giá trị cây chè, Lai Châu hiện có 92 cơ sở chế biến chè; trong đó, có 23 công ty doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất với nông dân từ việc tham gia trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; có 69 cơ sở chế biến nhỏ lẻ tập trung nhiều ở thành phố Lai Châu và huyện Tân Uyên. Từ việc trồng chè, thu nhập của người dân Lai Châu được nâng lên, nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ 60-120 triệu đồng/năm.
Một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường, Công ty cổ phần trà Than Uyên, Công ty cổ phần chè Hồng Đức đã đầu tư công nghệ chế biến sâu, với các sản phẩm đóng gói tiêu thụ trực tiếp ra thị trường như: Trà Ô long, Matcha, Sencha, Đông Phương Mỹ Nhân, Hồng trà, trà xanh... Các sản phầm chè còn lại chủ yếu là trà xanh sao lăn được chế biến thô, xuất bán cho đơn vị khác ngoài tỉnh để đóng gói, chế biến, tiêu thụ.
Tuy nhiên, thời gian qua việc chăm sóc, thâm canh theo quy trình, kỹ thuật ở một số vùng chè trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa được quan tâm đúng mức. Một số vùng thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong khâu quản lý, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ chè; thu mua sản phẩm chè không thực hiện các hợp đồng liên kết. Qua đó, gây ảnh hưởng lớn tới quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè ở Lai Châu.
Trước thực trạng đó nhiều công ty, doanh nghiệp chè ở Lai Châu đã có những giải pháp nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè. Điển hình Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường hiện đang liên kết với người dân huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ và thành phố Lai Châu gần 3.000 ha chè. Đặc biệt; trong số đó, có 28 ha chè được chứng nhận hữu cơ organic, 80 ha được chứng nhận RA, diện tích còn lại sản xuất theo quy trình truy xuất nguồn gốc.
Hiện toàn bộ sản phẩm chè của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường được xuất bán sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 40%, Trung Đông 45%, châu Âu chiếm 10%, số còn lại được tiêu thụ trong nước.
Nhằm nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, Lai Châu tiếp tục tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý thâm canh theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương, các doanh nghiệp chè tuân thủ quy trình kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào sản xuất, chế biến chè VietGAP, hữu cơ; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.