Hưn mạy - nhạc cụ truyền thống, món ăn tinh thần của dân tộc Kháng
“Hưn mạy” là nhạc cụ truyền thống được làm từ một ống nứa, nguyên liệu tự nhiên gần gũi và gắn bó thân thuộc với dân tộc Kháng. Theo tập quán, người Kháng thường ở nơi non cao, rừng sâu, ven sông, suối. Cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, tập quán sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên cuộc sống của bà con rất vất vả. Nhờ đó mà đồng bào Kháng cũng biết thích nghi, biết tận dụng thiên nhiên, chế tác ra những nhạc cụ rất đặc trưng, phù hợp với sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trong đó phải kể đến “hưn mạy”.
“Hưn mạy” nhạc cụ truyền thống, món ăn tinh thần của dân tộc Kháng |
Nhạc cụ truyền thống “hưn mạy” được người Kháng dành nhiều công sức và đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong việc chọn nguyên liệu, cách diễn tấu và bảo quản. Nhạc cụ này thường được làm bằng một đoạn cây nứa già, làm sao phải có một đầu để cầm, đầu kia được vót nhẵn thành 2 chạc để gõ vào lòng bàn tay. Để “hưn mạy” thêm đẹp mắt, nhiều bà con còn làm tua rua vải nhiều màu để trang trí.
Để làm “hưn mạy”, bà con sẽ vào rừng để chặt những cây nứa già, gióng thẳng (đồng bào Kháng gọi là “mạy pao”) mang về hong trên gác bếp cho vàng ươm mới đo cắt từng đoạn, mỗi đoạn nứa dài khoảng 40-60cm, một đầu để gõ được chẻ thành 2 chạc, thân ống nứa đục 2 lỗ cho tiếng kêu vang.
Khi diễn tấu “hưn mạy”, người sử dụng sẽ dùng tay phải cầm phần dưới của nhạc cụ |
Khi diễn tấu, người sử dụng sẽ dùng tay phải cầm phần dưới của nhạc cụ, đập phần đầu của nhạc cụ vào bàn tay để âm thanh vang lên. Điệu múa truyền thống mang đặc trưng riêng của đồng bào được tạo nên từ tiết tấu của nhạc cụ tạo nhịp cho các bước di chuyển, kết hợp với động tác của đôi bàn tay và toàn bộ cơ thể.
Thường phụ nữ Kháng mới dùng nhạc cụ truyền thống “hưn mạy” để vui chơi giải trí trong các lễ hội, lúc đi nương rẫy hay khi rảnh rỗi, “hưn mạy” có thể giúp đồng bào quên đi mệt nhọc. Các cô gái khi giao duyên cũng dùng “hưn mạy” để thể hiện tình cảm của mình. Nhạc cụ truyền thống “hưn mạy” còn để đuổi chim muông phá hoại mùa màng, đánh thức con trẻ buổi sớm mai. Quan trọng hơn, “hưn mạy” còn được sử dụng trong một số nghi lễ.
Khi biểu diễn nhạc cụ truyền thống “hưn mạy” thường có 8 đến 10 người |
Ngày nay, trong các ngày vui bản, vui mường của đồng bào Kháng hay các hội diễn văn nghệ quần chúng đều có tiết mục trình diễn “hưn mạy”, thu hút được nhiều người đến xem cổ vũ. Khi biểu diễn nhạc cụ truyền thống “hưn mạy” thường có 8 đến 10 người vừa múa, vừa gõ đi theo vòng tròn hoặc các động tác di chuyển ngang dọc, làm không khí lễ hội thêm sôi động, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng.
Theo thời gian, “hưn mạy” được bà con dân tộc Kháng luôn gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và là nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng.