cô gái trẻ Gia Lai đưa nhạc cụ truyền thống vươn xa
Trước sự phát triển mạnh mẽ của nhạc: Pop, EDM, hip-hop, rap,... nhiều người lo ngại nhạc cụ truyền thống có thể dần bị lãng quên. Song, với niềm đam mê và sự sáng tạo, nữ nghệ sĩ trẻ Hồ Như Quỳnh (25 tuổi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã thổi một làn gió mới tới người nghe khi kết hợp đàn tranh với nhạc hiện đại, đưa âm nhạc truyền thống vươn xa. |
![]() Nữ nghệ sĩ trẻ Hồ Như Quỳnh (25 tuổi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có niềm đam mê bất tận với nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Đam mê với nhạc cụ dân tộc
Dù không xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng Hồ Như Quỳnh sớm bộc lộ niềm đam mê âm nhạc. Khi còn đi học, cô chơi thuần thục nhiều loại đàn như guitar, organ, song với mong muốn thách thức giới hạn bản thân, Như Quỳnh đã quyết định thử sức với dòng âm nhạc dân tộc. Say mê với đàn tranh, trong 2 tháng cuối năm lớp 12, khi còn là học sinh Trường THPT Pleiku (TP. Pleiku), Như Quỳnh quyết tâm, nỗ lực dốc toàn tâm toàn ý để ôn thi đại học tại Gia Lai và cùng lúc phải ôn thi chuyên ngành tại TP. Hồ Chí Minh. “Cứ cuối tuần mình lên xe vào TP. Hồ Chí Minh để đi học và luyện đàn, mình mượn xe của chị gái tự tìm đường để đến lớp học, đi lạc phải đếm quá đầu ngón tay. Ở nhờ các chị trong 1 căn phòng trọ nhỏ nằm trên gác lỡ, ăn uống tiết kiệm để dành tiền mua vé xe và đóng tiền học. May mắn của mình chắc có lẽ nhờ có sự động viên và giúp đỡ của gia đình. Lúc đó, ba mẹ mình tuy điều kiện kinh tế khó khăn nhưng đã dành hết vốn liếng cho mình theo đuổi đam mê. Những ngày tháng ôn thi đó mình nhớ mãi không quên” - Như Quỳnh kể lại. |
![]() | ![]() |
![]() Những màn kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và nhạc cụ truyền thống của Như Quỳnh ngày càng thu hút giới trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Niềm yêu thích dành cho những thanh âm dân tộc ngày một lớn trong cô và càng có điều kiện để phát triển sâu hơn sau khi Như Quỳnh tốt nghiệp chuyên ngành Đàn tranh vào cuối năm 2022. Đi biểu diễn không ít lần với chiếc đàn tranh tại nhiều môi trường khác nhau nhưng Như Quỳnh nhận thấy giới trẻ ngày nay càng ít quan tâm đến những nhạc cụ mang tính truyền thống này. Nhằm mang đến những màu sắc mới mẻ cho người nghe, đặc biệt là để thu hút giới trẻ, Như Quỳnh đã quyết định kết hợp biểu diễn đàn tranh trên các thể loại nhạc hiện đại và những bài nhạc đang gây sốt trên mạng xã hội. Trong đó có video “cover” bài hát “Độ tộc 2” vào tháng 8 năm 2021 thu hút gần 35 ngàn lượt xem trên Youtube. Đây cũng chính là động lực để nữ nghệ sĩ trẻ tiếp tục say mê với chiếc đàn thập lục. Tuy nhiên, để kiên trì theo đuổi hành trình này cũng không ít thách thức. Việc dung hòa giữa truyền thống và hiện đại luôn là một "bài toán" khó, đòi hỏi nghệ sĩ phải tinh tế để vừa giữ được bản sắc dân tộc vừa đáp ứng thị hiếu khán giả đương đại. Để đàn tranh hòa với giai điệu sôi động của nhạc hiện đại, người chơi đàn phải nắm vững nhiều kỹ thuật và khả năng xử lý linh hoạt. Không giống như khi biểu diễn trong không gian yên tĩnh của các quán cà phê sân vườn hay quay trong phòng thu; trên sân khấu lớn, âm lượng nhạc nền đôi khi rất lớn, dễ át tiếng đàn, khiến việc giữ nhịp và đánh chuẩn trở nên khó khăn hơn. Người đánh đàn cần phải cảm nhạc tốt, điều chỉnh lực gảy phù hợp để tiếng đàn không bị lấn át. Như Quỳnh chia sẻ: “Lúc mới bắt đầu cover một số bài nhạc hot trend, mình thấy rất tự tin nhưng khi đi trình diễn tại một số sân khấu đặc biệt như: hội trường lớn, bar, club,... mình phải chuẩn bị nhiều thứ từ thời điểm chạy thử chương trình, tính toán bài nào sẽ khuấy động được khán giả mà vẫn giữ đúng tinh thần của chương trình đó. Đôi khi, đến phút cuối trước khi lên biểu diễn còn phải đổi bài. Điều đó làm cho mình khá lo lắng vì mình sợ nhất không nghe được tiếng đàn của mình khi trình diễn”. Những màn trình diễn của cô đã giúp đưa âm nhạc truyền thống tiến gần hơn với nhiều đối tượng khán giả, từ giới trẻ yêu thích sự sôi động đến những người lần đầu tiếp xúc với đàn tranh. Nhờ đó, nhạc cụ dân gian không còn bị bó hẹp trong không gian biểu diễn truyền thống mà đã trở thành một phần của đời sống giải trí hiện đại, mang đến một làn gió mới đầy sáng tạo và khác biệt. |
![]() Những màn trình diễn của cô đã giúp đưa âm nhạc truyền thống tiến gần hơn với nhiều đối tượng khán giả. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Được lắng nghe tiếng đàn tranh vang lên trên nền nhạc sôi động của “bài hit” Waiting For You tại chương trình Hội xuân Tết Ấm 2025 tại Làng trẻ SOS Pleiku (phường Yên Thế, TP. Pleiku), em Rmah H’Hun (mái ấm Hoa Cẩm Chướng, Làng trẻ SOS Pleiku) phấn khởi nói: “Lần đầu tiên em được nghe đàn tranh chơi trên nền nhạc sôi động như vậy, cảm giác rất hay! Bài hát này em đã nghe nhiều lần rồi, nhưng khi có tiếng đàn tranh vang lên, bài hát trở nên mới lạ. Em rất thích và mong có dịp được nghe thêm nhiều bài khác với tiếng đàn này”. Không biến tấu quá nhiều hay làm mất đi bản sắc, nhưng việc dám nghĩ dám thể hiện của nữ nghệ sĩ đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhiều người bày tỏ sự thích thú khi thấy nhạc cụ truyền thống có thể xuất hiện trong những bản nhạc mà họ yêu thích, thay đổi quan niệm rằng đàn tranh hay các nhạc cụ dân gian chỉ phù hợp với dòng nhạc cổ điển. Một khán giả trẻ trên kênh Youtube Hồ Như Quỳnh Official, Nguyễn Hoàng Minh (20 tuổi, tổ 5, phường Phù Đổng), bày tỏ cảm nhận: "Trước đây, mình không quan tâm nhiều đến đàn tranh, nhưng sau khi nghe bản cover một ca khúc nổi tiếng bằng đàn tranh trên Youtube, mình thực sự thấy nhạc cụ này rất thú vị. Nó không hề lỗi thời mà ngược lại, còn mang đến một cảm giác rất mới và độc đáo khiến mình đi nghe lại nhiều lần bản cover nhiều hơn bản gốc”. |
Truyền cảm hứng cho các bạn trẻ
Để âm nhạc truyền thống không bị lãng quên và tới gần hơn với các bạn trẻ, Như Quỳnh đã mở lớp dạy nhạc cụ truyền thống cho các em học sinh. Và lớp học đặc biệt này ra đời như một điểm đến, để từ đó nhạc cụ dân tộc có thể lan tỏa rộng hơn trong cuộc sống. Hình ảnh những học viên nhỏ tuổi say sưa gảy đàn tranh cùng âm thanh thánh thót, trong trẻo vang lên đã khiến lớp học này trở nên đặc biệt khi hầu như chưa từng có giáo viên nào đứng ra mở lớp trước đó. Hiện, lớp học do Như Quỳnh đứng lớp có hơn 30 học viên theo học, trong đó lớp đàn tranh thu hút gần 20 em nhỏ. “Tôi không kỳ vọng đào tạo các em trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ mong cung cấp những kiến thức nền tảng, để các em có thể đánh được những bài từ đơn giản đến phức tạp. Qua đó, phát hiện những em thực sự có năng khiếu, tố chất để hướng các em tham gia các trường nghệ thuật theo niềm đam mê của bản thân" - Như Quỳnh chia sẻ. Ở lớp học này, các em không chỉ được học về lịch sử, cấu tạo, kỹ thuật chơi đàn tranh, mà còn được học cả cách thẩm âm, cách luyến láy, uyển chuyển các bộ phận trên cơ thể theo nhịp điệu… để thu hút khán giả. Để giúp các em nhỏ dễ làm quen với đàn tranh, Như Quỳnh hướng dẫn các em chơi những bài nhạc thiếu nhi, vừa vui tươi lại vừa phù hợp với lứa tuổi. Khi thành thục, các em được tiếp cận với các kỹ thuật khó, đặc biệt là khi chơi nhạc dân ca, đờn ca tài tử… Cơ sở dạy đàn của Như Quỳnh cũng bày bán nhiều loại đàn tranh khác nhau, giá trung bình 4-6 triệu đồng/chiếc tùy chất liệu (gỗ cẩm lai, ngô đồng…) và kỹ thuật chạm khắc, trang trí. |
![]() |
![]() | ![]() |
Hiện, lớp học do Như Quỳnh đứng lớp có hơn 30 học viên theo học, trong đó lớp đàn tranh thu hút gần 20 em nhỏ.
Là một học viên nam hiếm hoi của lớp, em Cao Thái Sơn (Trường THCS Trần Phú, TP. Pleiku) chia sẻ: “Em chọn chơi đàn tranh vì thấy hay hay. Khi học đàn tranh, em có thể học thêm về lịch sử dân tộc. Em rất tự hào khi biết dân tộc mình có rất nhiều nhạc khí dân tộc khác, em mong muốn sau này sẽ theo đuổi lâu dài và sau đó con sẽ học thêm vài loại đàn dân tộc nữa”. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Như Quỳnh tâm sự: “Ngoài việc tiếp tục truyền động lực cho các bạn học trò nhỏ tại lớp học có thể học và đi biểu diễn đàn tranh, mình cũng mong muốn sẽ được kết hợp với nghệ sĩ, ca sĩ, rapper,.. người Gia Lai để tạo một tác phẩm mang bản sắc riêng của phố núi Pleiku. Bên cạnh đó, mình vẫn sẽ cố gắng đầu tư vào những sản phẩm đi trình diễn sắp tới để đàn tranh mang đến một làn gió mới cho khán giả nơi phố núi”. |
Thực hiện: Hiền Mai |