Tạo cơ hội phát triển cho người nghèo
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 5,23% cuối năm 2018. Đặc biệt, nhờ các dự án giảm nghèo được triển khai đến từng hộ dân, từng thôn, bản, xã phường… đã góp phần giúp người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nghèo, có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và có việc làm ổn định để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
![]() |
Phát triển chăn nuôi dê đang giúp nhiều đồng bào Tày, Nùng ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) thoát nghèo |
Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, nhà văn hóa cũng góp phần vào sự thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn, miền núi nhất là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn. Đến nay, tại các vùng DTTS và miền núi, đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập của con em người DTTS; 99,3% xã có trạm y tế, trong đó khoảng 70% xã có bác sỹ chăm sóc sức khỏe nhân dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; 100% xã đã có điện thoại cố định và di động cung cấp các dịch vụ viễn thông và internet. Hộ nghèo ở các huyện 30a, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3% - 4%/năm, có nơi giảm trên 5%; các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống đã có trên 90% người dân được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.
Hiệu quả đạt được từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cũng góp phần hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Giảm nghèo bền vững đứng trước nhiều thách thức
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong thời gian qua, nhưng thực tế, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, tình trạng nghèo ngày càng tập trung vào các “lõi nghèo” ở vùng DTTS, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư có xu hướng gia tăng. Thêm vào đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn lập kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều còn chậm trễ. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, rủi ro dịch bệnh, giá cả thị trường ngày càng gia tăng; viện trợ phát triển của thế giới dành cho công tác giảm nghèo của Việt Nam ngày càng giảm.
Bàn về việc duy trì và đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội – ông Đào Ngọc Dung cho rằng: Công tác giảm nghèo vẫn đứng trước rất nhiều thách thức; không phải ngày một, ngày hai và phải xác định ngày càng khó hơn. Chính vì vậy, chắc chắn năm 2020, công tác giảm nghèo phải có một tư duy mới. Cụ thể như xây dựng một chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm, thành công của giai đoạn 2016 - 2020 (bao gồm thu nhập, các tiêu chí vệ sinh, nước sạch, thông tin, giáo dục…). Tách những nơi, những khu vực và những người có khả năng thoát nghèo để chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, không bao cấp hay cho không nhưng sẽ tạo cơ chế tốt nhất để vùng đó, người đó thoát nghèo. Với những người không có khả năng thoát nghèo do hoàn cảnh, sức khoẻ… sẽ chuyển mạnh sang hỗ trợ, bảo trợ xã hội theo cách để họ vừa được thụ hưởng chính sách bảo trợ hơn mức bình thường, vừa có biện pháp khuyến khích để không ỷ lại.
Song song với đó, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào DTTS thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 -2020; từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.