Quảng Ninh: Truy tìm kẻ lừa 3 tỷ tiền đặt cọc mua đất rồi bỏ trốn Vì sao HoREA đề nghị cho phép nhận tiền đặt cọc sau khi dự án được chấp thuận đầu tư? |
Chiều 23/6, tại Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Trong nội dung dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có quy định về việc, chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc của khách hàng. Về vấn đề này, rất nhiều đại biểu đã quan tâm và trình bày ý kiến đề xuất.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Về nội dung dự thảo luật có quy định “chỉ được nhận tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch đúng theo quy định của luật này”, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cơ quan soạn thảo đã giải trình, tiếp thu theo hướng là tiếp tục nghiên cứu, rà soát thêm để có quy định theo hướng mở hơn.
Tuy nhiên, ông đề xuất thêm một phương án là chủ đầu tư chỉ được nhận tiền đặt cọc giữ chỗ khi nhà ở, công trình xây dựng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và được phê duyệt quy hoạch 1/500, đồng thời phải có quyết định giao đất. Lúc này, tiền đặt cọc cũng không nên quá 5% và thời gian cũng không nên quá 12 tháng đối với bất động sản hình thành trong tương lai.
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc, lý do là khi chủ đầu tư đã đảm bảo các điều kiện nêu trên, thì cũng nên được phép nhận tiền đặt cọc khoảng 5% để người có nhu cầu mua có thêm cơ hội khẳng định quyền được mua của mình. Đồng thời, chờ đến khi chủ đầu tư có đủ điều kiện giao dịch hợp đồng, thì sẽ thực hiện thanh toán phần còn lại của giá trị bất động sản và thực hiện theo quy định tại luật này.
Đồng quan điểm với đại biểu Lưu Bá Mạc, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương kiến nghị, dự thảo luật cần cân nhắc cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc từ khách hàng và bổ sung quy định về giới hạn tối đa số tiền đặt cọc. Việc này tránh trường hợp các chủ đầu tư lạm dụng hình thức đặt cọc, nhằm huy động, chiếm dụng vốn của khách hàng trong thời gian dự án chưa hoàn tất các điều kiện mở bán. Bởi, tình trạng này đã diễn ra khá phổ biến hiện nay theo phản ánh từ nhiều cử tri.
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội |
Thẳng thắn nói về tình trạng chủ đầu tư “lách” các quy định để thực hiện việc nhận đặt cọc của các khách hàng, đại biểu Phạm Đức Ấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội chỉ ra rằng, thực tiễn đang có rất nhiều hình thức mà chủ đầu tư "lách" bằng cách ký các hợp đồng đầu tư, hợp tác đầu tư đối với khách hàng.
“Chúng ta có thể hạn chế ở trong luật, nhưng trên thực tế các chủ đầu tư cũng tìm rất nhiều cách để lách vấn đề này. Vì vậy, tất cả nội dung này chúng tôi đề nghị cần phải có thể hiện cụ thể để một là đã cấm thì cấm hẳn. Hai là, nếu chúng ta chấp nhận hình thức đấy, thì phải có quy định rõ ở trong luật này”, đại biểu Phạm Đức Ấn đề xuất.
Nội dung mà các Đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu trên hội trường đã đề cập đúng vấn đề "nóng" không chỉ các chủ đầu tư, các sàn môi giới bất động sản và nhà đầu tư đều quan tâm. Bởi, trên thực tế trong các giao dịch bất động sản đã xảy ra không ít trường hợp tranh chấp phát sinh từ vấn đề nhận đặt cọc. Trong đó, nhiều trường hợp nhà đầu tư bỏ số tiền lớn để đặt cọc, giữ chỗ nhưng sau đó không mua được bất động sản, vì lý do chủ đầu tư không hoặc chậm triển khai dự án.
Cũng có trường hợp, nhà đầu tư thông qua sàn môi giới bất động sản để đăng ký đặt cọc, giữ chỗ mua nhà đất, thế nhưng sau đó sàn môi giới lại nhận đặt cọc của khách hàng khác, thậm chí cầm tiền “cao chạy xa bay”. Lúc đó, chủ đầu tư không chịu trách nhiệm về khoản tiền đặt cọc và người chịu thiệt thòi nhất là các nhà đầu tư.