Bộ Xây dựng: Nhiều môi giới bất động sản yếu kém về đạo đức kinh doanh Từ 1/8/2024: Nhiều chính sách mới về bất động sản sẽ có hiệu lực Dòng chảy thị trường bất động sản đối mặt rào cản pháp lý |
Ngành môi giới bất động sản luôn là “mảnh đất” hấp dẫn các bạn sinh viên tham gia với mong muốn có được mức thu nhập “khủng”. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.
Nhiều thách thức, rủi ro cho sinh viên
Khi bước chân vào cánh cửa đại học, bản thân mỗi sinh viên đều mong muốn tìm kiếm một công việc đem lại nguồn thu nhập tốt để có thể dư dả hơn, đồng thời giảm áp lực tài chính cho gia đình. Những ngành nghề phổ biến của hầu hết sinh viên hiện nay có thể kể đến như bán hàng tại các shop thời trang, phục vụ quán cà phê,… có kiến thức chắc hơn thì có thể làm gia sư.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn sinh viên khá năng động và mong muốn tìm kiếm những công việc đem lại nguồn thu nhập cao hơn dù biết ở giai đoạn đầu sẽ không dễ dàng, thậm chí còn có nhiều rủi ro, điển hình như ngành môi giới bất động sản.
Môi giới bất động sản luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro (Ảnh minh hoạ) |
Bạn Phạm Phương Thảo, hiện đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Thương Mại cho biết, ngành môi giới bất động sản khá linh động về mặt thời gian, cải thiện được nhiều kĩ năng như giao tiếp, đàm phán, giải quyết vấn đề và có mức thu nhập vô cùng hấp dẫn nhưng cũng tồn tại vô số những rủi ro.
Bạn Phạm Phương Thảo - Sinh viên Đại học Thương Mại (Ảnh: NVCC) |
“Đây là công việc cần bỏ nhiều vốn chạy quảng cáo để mang về nguồn khách hàng. Tiếp đến, nhiều khi để chốt được khách bạn phải trích một phần hoa hồng làm voucher cho khách, vì thế nhiều lúc giá trị tiền lời tôi nhận được trên thực tế không nhiều. Bên cạnh đó, ở những tập đoàn bất động sản lớn, nhiều sinh viên mới vào nghề sẽ không được leader dẫn dắt, hầu hết phải tự bươn chải một thời gian dài” - Phạm Phương Thảo chia sẻ.
Thị trường bất động sản là thị trường cạnh tranh gay gắt, một chủ nhà có thể liên hệ với rất nhiều bên môi giới khác nhau “Nhiều lần tôi bị một bên môi giới khác giành mất khách ngay trong lúc khách chuẩn bị chốt cọc, sự việc xảy ra vô cùng bất ngờ và hầu như tôi không hề được thông báo trước” - Thảo nhớ lại.
Đối với thu nhập, đây là ngành có thu nhập khá hấp dẫn, song không ổn định. Tháng đầu, thu nhập của Thảo khoảng 5 triệu, hai tháng sau doanh số là 0 đồng, tới tháng thứ 4, Thảo mới chốt được một hợp đồng và thu về hoa hồng là 30 triệu đồng. Sau đó, vì bận việc học và tập trung hoàn thành khóa luận tốt nghiệp Thảo đã quyết định dừng lại sau 6 tháng làm việc.
Khác với bạn Thảo, Đức Thịnh hiện là sinh viên năm hai ngành Kĩ thuật xây dựng - trường Đại học Giao thông vận tải lựa chọn tham gia môi giới nhà đất và phòng trọ từ năm thứ nhất. Thịnh chia sẻ: “Ở thời gian đầu mới vào nghề, tôi không có đủ kiến thức, chủ yếu học hỏi nhờ vào các mối quan hệ. Thêm việc vì còn là sinh viên ít kinh nghiệm làm việc nên cũng khó lấy được lòng tin từ chủ nhà cũng như khách hàng”.
Bên cạnh đó, việc quản lí và vận hành tòa nhà cũng tốn khá nhiều chi phí ví dụ: Khi xảy ra vấn đề hỏng hóc tại phòng trọ, Thịnh phải bỏ tiền thuê người để xử lí. Do còn là sinh viên nên Thịnh chưa có nhiều kinh phí, cũng như là để tiết kiệm chi phí Thịnh đã phải bỏ thời gian và công sức để tự mình xử lí những vấn đề trên.
May mắn hơn Thảo, ở thời điểm hiện tại Thịnh đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ việc thầu và quản lí 4 căn nhà với mức lương khoảng 30 triệu đồng/tháng. Trước kia, Thịnh nhận trợ cấp hàng tháng từ bố mẹ thì bây giờ bạn đã có thể độc lập tài chính và đỡ đần lại được gia đình. Hiện tại, Thịnh vẫn tiếp tục mở rộng mối quan hệ với bạn bè trong giới và tiếp tục tìm hướng đi cho công việc môi giới nhà đất.
Bạn Đức Thịnh - sinh viên năm hai ngành Kĩ thuật xây dựng (Ảnh: NVCC) |
Tập trung vào chuyên môn vẫn là lựa chọn an toàn cho người trẻ
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Lưu Trần Toàn - giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. “Đối với sinh viên thì công việc bất động sản có thể giúp có thêm nguồn thu nhập cao nhưng nếu không có đủ hiểu biết chuyên môn về ngành nghề thì việc tham gia vào công việc này sớm là quá sức, quá tầm. Thu nhập thì có thể hấp dẫn, nhưng nếu không có chuyên môn thì lại không phù hợp. Theo tôi, sinh viên không nên tập trung vào công việc này từ quá sớm, vì học ngành gì cũng cần đầu tư chất xám và thời gian để trau dồi kiến thức, để lâu dài ổn định thì nên chọn những nghề làm thêm phù hợp với chuyên môn hơn”.
Đồng quan điểm với thầy Lưu Trần Toàn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chia sẻ: Nghề môi giới bất động sản tuy có thể mang lại thu nhập cao trong thời gian ngắn, nhưng lại không đảm bảo tính bền vững và thu nhập thường xuyên. Thực tế cho thấy, không ít người sau khi thử sức với lĩnh vực này đã nhanh chóng rời bỏ nghề vì những áp lực và biến động thị trường.
Các chuyên gia cũng cho rằng, lựa chọn một công việc ổn định, dù mức lương không quá cao nhưng có tiềm năng phát triển lâu dài, là hướng đi phù hợp hơn với nhiều bạn trẻ. Đặc biệt, những công việc gần với chuyên ngành đào tạo sẽ giúp sinh viên dễ dàng áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Hiện nay, cá nhân muốn hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng hàng loạt những yêu cầu khắt khe. Theo Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15, Nghị định 96/2024/NĐ-CP và Thông tư 04/2024/TT-BXD (có hiệu lực từ 1.8.2024), cá nhân dự thi sát hạch chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện như hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức môi giới bất động sản và được cấp giấy chứng nhận hợp lệ. Doanh nghiệp sử dụng môi giới không đạt chuẩn cũng có thể bị xử phạt, mất uy tín từ khách hàng và đối tác, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. |