![]() |
Đại biểu Trương Xuân Cừ: Trong thời gian qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã thể hiện sự sáng suốt, quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng, sức bật cho đất nước trong kỷ nguyên mới, đồng thời đảm bảo tính ổn định lâu dài của hệ thống chính trị. Cuộc cách mạng này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử đất nước ta và cả thế giới. Bởi trên thực tế, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào cũng luôn cần một bộ máy chất lượng để đảm nhiệm hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là cơ sở để giải phóng sức sáng tạo, khơi thông các điểm nghẽn, đưa đất nước vận hành trơn tru, phát triển không ngừng. Ngược lại, một bộ máy cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, trì trệ, kém hiệu quả sẽ tạo ra những nút thắt, cản trở quá trình vận hành, phát triển đất nước. |
Lần này, tại nước ta, việc tinh gọn diễn ra không chỉ bộ máy của Chính phủ, các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn chuyển động mạnh mẽ từ Trung ương xuống địa phương, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, giảm số lượng cấp xã. Như vậy, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy sẽ được tổ chức trong toàn hệ thống chính trị, tổng thể, đồng bộ và toàn diện. Với diện tích 331.212km2, dân số hơn 100 triệu người, nhưng Việt Nam hiện có đến 63 tỉnh/thành phố, 705 quận/huyện và 10.595 xã/phường. So với các nước xung quanh như Trung Quốc (34 tỉnh), Nhật Bản (47 tỉnh), Hàn Quốc (16 tỉnh), số lượng tỉnh/thành của chúng ta lớn. Việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã để thành lập các đơn vị hành chính lớn hơn, rộng hơn là yêu cầu cấp bách. Chúng ta phải hiểu rằng, mục tiêu của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy là vì sự phát triển và giàu mạnh. Việc sáp nhập một số tỉnh, xã lần này được tiếp cận theo một hướng tư duy mới, đó là tư duy phát triển, mở rộng không gian, vươn xa tầm nhìn và nâng đỡ nhau cùng phát triển. Những địa phương liền kề nhau, có văn hóa, phong tục tập quán tương đồng, thay vì cạnh tranh thì sẽ liên kết để phát huy lợi thế. Đồng thời, trao quyền tự quyết mạnh mẽ cho các địa phương giúp chính quyền địa phương “tự quyết định, tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm” trong triển khai các nhiệm vụ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của mình khi bộ máy đã được tinh gọn, đảm bảo sự điều hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương. |


Đại biểu Trương Xuân Cừ: Tôi cũng đồng tình với quan điểm: Việc tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, sáp nhập cấp tỉnh, xã không đơn thuần là điều chỉnh địa giới hành chính mà đó là điều chỉnh về phân bổ và kết hợp các nguồn lực cho phát triển; sáp nhập để tạo động lực, dư địa cho phát triển. Từ mở rộng không gian phát triển kinh tế sẽ tạo hành lang kinh tế mới, chuỗi giá trị sản xuất lớn hơn. Một ví dụ dễ nhận thấy, theo thống kê, đến nay, cả nước đã thành lập 443 khu công nghiệp với 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Địa phương nào cũng có khu công nghiệp nhưng chỉ có một số là đạt quy mô lớn, hiện đại. Tương tự, hầu hết tỉnh, thành phố nào cũng có sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ… |
![]() |
Trong khi đó, muốn thu hút nhà đầu tư có tiềm lực để sản xuất tập trung, quy mô lớn thì dự án phải đáp ứng được các yêu cầu về vốn, nhân lực, tích tụ đất đai để hình thành các khu công nghiệp rộng lớn. Với sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao cũng đòi hỏi việc tích tụ, tập trung đất. Chưa kể, thời gian qua, vì để phát huy lợi thế đặc thù của từng vùng miền, các địa phương cũng đều cạnh tranh nên dẫn đến trùng lặp, đầu tư manh mún. Nhiều tỉnh, thành có cơ cấu kinh tế “na ná” nhau, không có vóc dáng, dấu ấn của vùng, thiếu sự chuyên biệt theo chuỗi giá trị, ví dụ như khu công nghiệp dệt may, công nghệ thông tin… Do đó, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ tạo ra vùng phát triển lớn hơn, phát huy lợi thế so sánh của địa phương. Các tỉnh, vùng kinh tế mới sẽ có diện tích rộng hơn, dân số lớn hơn... giúp tối ưu hóa sử dụng nguồn lực cơ bản từ lao động, đất đai đến cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, giao thông sẽ được đầu tư bài bản, hoàn thiện nhanh hơn, tạo ra hành lang kinh tế mới cũng như chuỗi giá trị sản xuất, trong đó các địa phương được bổ sung cho nhau, lớn mạnh hơn. Khi hạ tầng tổng thể được hoàn thiện chung sẽ đưa lại nhiều cơ hội phát huy mọi mặt từ sản xuất, thương mại đến quy mô tiêu thụ. |

Đại biểu Trương Xuân Cừ: Khi sáp nhập tỉnh thành không chỉ giúp mở rộng tổng diện tích đất mà còn đặt toàn bộ quỹ đất dưới sự quản lý thống nhất, tạo điều kiện cho quy hoạch sử dụng đất trở nên toàn diện và chiến lược hơn. Các khu đất rộng có thể được xác định và phân bổ hợp lý, phù hợp cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp quy mô lớn. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn vị trí đặt nhà máy, đồng thời giảm áp lực khan hiếm quỹ đất công nghiệp tại các địa phương có nhu cầu cao. Đây cũng chính là cơ hội để các địa phương phát triển các loại hình khu công nghiệp như: Khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao hoặc tổ hợp khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chi phí vận hành mà còn tiếp cận nguồn lao động thuận lợi hơn. Đặc biệt, khi các địa phương sáp nhập với mục tiêu bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên một thực thể kinh tế lớn hơn, thế mạnh của từng khu vực sẽ được tận dụng tối đa, năng lực cạnh tranh của địa phương được nâng cao. Việc kết nối hạ tầng được cải thiện, tạo thị trường lớn hơn và thu hút đầu tư tốt hơn; hoạt động logistics cũng tối ưu hóa giúp giảm chi phí giao dịch và tăng hiệu quả chuỗi cung ứng. |
Lấy ví dụ, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh vốn là hai tỉnh có thế mạnh phát triển công nghiệp khi được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp miền Bắc”, là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Với 16 khu công nghiệp, 55 cụm công nghiệp, Bắc Giang đang dần hình thành chuỗi sản xuất logistics khép kín, đặc biệt tại các huyện, thị xã giáp với Bắc Ninh như: Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang. Đối với Bắc Ninh, dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng lại đứng thứ 9 về quy mô kinh tế với GRDP năm 2024 đạt hơn 232.800 tỷ đồng. Hiện Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp đã được duyệt quy hoạch với tổng diện tích gần 6.400 ha. Trong đó, 12 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 62%... tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Như vậy, với việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh dự kiến sẽ hình thành “siêu thủ phủ công nghiệp” của miền Bắc với những khu công nghiệp có quy mô lớn, tạo không gian phát triển mới hấp dẫn nhà đầu tư. Hay như, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi sáp nhập sẽ thành siêu đô thị mới vùng Đông Nam Bộ, với diện tích 6.772,65 km², dân số toàn đô thị đạt 13.706.632 người. Theo đánh giá, việc sáp nhập sẽ tạo ra một trung tâm kinh tế - đô thị có sức cạnh tranh mạnh mẽ, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, địa lý và cơ sở hạ tầng của ba địa phương. Hạ tầng giao thông được đồng bộ hóa, đặc biệt là hệ thống đường bộ, đường thủy và cảng biển, sẽ tăng cường khả năng liên kết vùng và nâng cao năng lực logistics. |
Sự kết hợp giữa Kon Tum và Quảng Ngãi tạo nên một tỉnh vừa có thế mạnh về rừng núi, khoáng sản (bô xít, vàng, thủy điện nhỏ) của Tây Nguyên, vừa có dải ven biển dài, giàu thủy hải sản và tiềm năng du lịch biển. Kon Tum trước đây là một trong hai tỉnh duy nhất của Tây Nguyên không có sân bay, cũng không giáp biển, nay được kết nối với cảng biển Dung Quất - một trung tâm công nghiệp lớn, giúp tăng cường kết nối giao thương hàng hóa từ Tây Nguyên ra biển Đông. Điều này giúp mở rộng không gian kinh tế cho nông sản, khoáng sản và hàng hóa từ vùng cao xuống cảng biển xuất khẩu. Ngược lại, với nền tảng công nghiệp nặng (lọc hóa dầu, cơ khí, thép) của Quảng Ngãi kết hợp nông - lâm nghiệp và thủy điện của Kon Tum, tỉnh mới có cơ cấu kinh tế đa dạng, dễ thúc đẩy liên kết vùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Trong thời gian qua, công nghiệp, thương mại đã thể hiện vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển, tăng trưởng kinh tế của đất nước. Trong bối cảnh cả nước đang quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, việc sáp nhập tỉnh thành, xã sẽ mở ra cơ hội “vàng” mở rộng không gian phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại hứa hẹn có nhiều triển vọng tăng trưởng đột phá hơn. Xin cảm ơn ông! |
Theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã sẽ mở ra triển vọng mới về một không gian kinh tế năng động, đồng bộ và bền vững. Các tỉnh liền kề về địa lý, có sự tương đồng về văn hóa, kinh tế và hạ tầng sau khi sáp nhập được kỳ vọng sẽ tạo nên những vùng phát triển có sức bật mạnh hơn, cả về quy mô và chất lượng. |
Quỳnh Nga Đồ họa: Hồng Thịnh |