Theo Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi vừa được trình Quốc hội, quy định mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường và đặc khu), không tổ chức cấp huyện.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức HĐND và UBND để bảo đảm bộ máy chính quyền được tổ chức thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cấp xã. Dự thảo Luật quy định về thời hạn thi hành từ ngày 1/7.
![]() |
Theo dự kiến, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7. Ảnh minh họa |
Dự thảo Luật có quy định 8 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp.
Đáng chú ý, để kịp thời thực hiện tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã theo mô hình mới, dự Luật có quy định giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.
Quy định này nhằm thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Kể từ ngày 1/7, dự thảo Luật cũng quy định UBND tỉnh chỉ định UBND cấp xã kế thừa các thỏa thuận quốc tế của UBND huyện và của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện được ký kết trước thời điểm trên.
Các công việc, hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền địa phương cấp huyện đang giải quyết cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nếu đến ngày 1/7 mà vẫn chưa hoàn thành thì Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền địa phương cấp xã nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở giao dịch của tổ chức, doanh nghiệp đang có công việc, hồ sơ thủ tục hành chính cần giải quyết để tiếp tục giải quyết bảo đảm không làm gián đoạn công việc.
Số lượng Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn số lượng so với quy định. Chậm nhất là 5 năm kể từ ngày dự thảo Luật có hiệu lực thi hành, số lượng và việc bố trí lãnh đạo, quản lý ở đơn vị hành chính thực hiện theo quy định. |