Chuyển đổi số “mở đường” cho ngành thực phẩm và đồ uống vượt qua đại dịch
Kinh doanh F&B đang phục hồi rõ nét
Các doanh nghiệp ngành F&B sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch thì đến quý I/2022 đã có sự hồi phục trở lại. Cụ thể, theo số liệu thống kê ngành F&B qua nền tảng thanh toán Payoo, tính đến hết quý 1/2022, doanh thu ngành này đã tăng gấp rưỡi so với quý IV/2021. Tổng số lượng giao dịch tăng 24% so với quý trước đó.
Kinh doanh F&B đang phục hồi trở lại |
Cũng ghi nhận số lượng đơn hàng F&B tăng mạnh, trong một thống kê được đưa ra bởi Gojek tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, đã có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể trong xu hướng người dân sử dụng dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng khi lượng đơn hàng đặt qua GoFood (ứng dụng đặt món của Gojek) trong 3 tháng đầu năm 2022 tăng gấp đôi so với cùng kỳ, với tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội lên tới 220%. Đáng chú ý, tần suất đặt món trực tuyến trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong số hàng triệu người dùng Gojek, trung bình mỗi khách hàng cứ 5 ngày lại đặt 1 đơn đồ ăn GoFood trong quý I/2022. Và trà sữa tiếp tục dẫn đầu danh mục đồ uống được đặt hàng nhiều nhất trên GoFood tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022. Đặc biệt, đa số các món ăn được đặt nhiều nhất trên nền tảng này là các món thuần Việt như cơm gà, gỏi cuốn, bún, mì…
Người tiêu dùng chuộng đặt hàng qua các ứng dụng số |
Từ những số liệu trên cho thấy, ngành F&B đã phục hồi và quan trọng hơn, người dùng đang thay đổi thói quen khi sử dụng các nền tảng trực tuyến cũng như hình thức thanh toán không tiền mặt để mua hàng. Liên quan vấn đề này, bà Lê Nguyễn Ngọc Dung - Giám đốc GoFood của Gojek Việt Nam khẳng định, ngày càng nhiều người chuyển dịch sang sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến. Sự dịch chuyển này tiếp tục được duy trì ngay cả trong giai đoạn bình thường mới, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với an toàn sức khỏe và sự tiện lợi.
Tương tự, theo số liệu được thống kê trên mạng lưới đối tác F&B của Payoo, các nguồn thanh toán phổ biến là thẻ (thẻ nội địa và thẻ quốc tế) chiếm 85 %, QR code qua ví điện tử và ứng dụng ngân hàng chiếm 15%. Trong nguồn thanh toán thẻ, hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless) có xu hướng tăng cao. Quý I/2022, thanh toán không tiếp xúc chiếm khoảng 38% trên khối lượng và 33.5% theo giá trị giao dịch. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 4/2022, thanh toán không tiếp xúc đang chiếm đến gần 44% tổng khối lượng giao dịch và chiếm gần 40% giá trị giao dịch. Trong khi đó, con số này ở quý IV/2021 lần lượt là 27% và 28%.
Nắm bắt tầm quan trọng của chuyển đổi số, hiện nay ở các thành phố lớn, doanh nghiệp F&B, thậm chí cả những hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều thực hiện chuyển đổi số - tức là đưa hàng hóa lên thương mại điện tử, qua các nền tảng, ứng dụng đặt món như GoFood, GrabFood... Đặc biệt, do các yêu cầu về thanh toán điện tử tại quầy tăng cao, các doanh nghiệp F&B như Haidilao, Jollibee và Highlands Coffee, Gongcha đã liên kết chuyển đổi sang hình thức thanh toán số. Chẳng hạn hơn 400 cửa hàng của Highlands Coffee trên toàn quốc và các cửa hàng Jollibee, Gongcha, Haidilao,… đã liên kết với Payoo để khách hàng có thể thanh toán bằng thẻ nội địa, thẻ quốc tế, quét mã QR, thanh toán không tiếp xúc.
Sẽ còn tiếp tục tăng
Dự báo về xu hướng tăng trưởng của F&B, Payoo cho rằng trong quý II năm nay ngành này sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa nhờ 2 nguyên nhân: Một là, nhiều tỉnh thành khống chế thành công dịch bệnh và tâm lý người dân ổn định sau thời gian dài giãn cách nên họ đã mạnh dạn đi ăn ngoài hơn trước. Hai là, nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ, ngành du lịch đã bắt đầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Điều này xuất phát từ số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng khách nội địa ước đạt 26,1 triệu lượt người trong 3 tháng đầu năm. Kéo theo đó, F&B - một trong những ngành đầu tiên hưởng lợi nhờ du lịch cũng nhanh chóng nhộn nhịp trở lại. Và thực tế, số liệu doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 4/2022 cũng phần nào phản ánh xu hướng này, khi mức tăng trưởng đạt gần 40% so với cùng kỳ quý I/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý IV/2021.
Bên cạnh đó, một số tổ chức quốc tế và trong nước cũng dự báo, ngành F&B có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026. Trong khi đó, VNDirect cũng cho rằng, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, từ 10-12% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.