Nắm bắt thói quen, doanh thu tăng trưởng
Tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định do chủ động hợp tác với nông dân và có các nguồn hàng từ các tỉnh thành khác, Big C được đánh giá là một trong những kênh mua sắm đã làm tốt vai trò cung ứng hàng hóa và góp phần bình ổn thị trường ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến gay gắt.
Chi tiêu cho FMCG tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị |
Nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… được cung cấp, bày bán trong hệ thống với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá; đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng trong dịch bệnh như giao dịch trực tuyến, giao hàng tận nhà… Big C được Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar nhận xét là một trong các nhà bán lẻ lớn đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất về lượng người mua sắm và mức chi tiêu trong mỗi lần mua.
Nắm bắt tốt nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đã giúp doanh thu của Big C và nhiều kênh bán lẻ khác tăng nhanh ở phân khúc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Cụ thể, theo nghiên cứu của Kanta WorldPanel về bán lẻ của ngành hàng FMCG tại thị trường Việt Nam cho thấy, chi tiêu cho FMCG của Việt Nam tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị.
Mô hình mua sắm hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini tăng trưởng vượt bậc các kênh truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hoá nhờ số lượng giao dịch tăng. Những mô hình kinh doanh như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và kênh mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của FMCG.
Cụ thể, ở lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, Co.opmart tăng trưởng 16%, Big C tăng 60% và Vinmart tăng 30%. Trong phân khúc siêu thị mini, Bách hoá Xanh tăng 70%, Vinmart+ tăng 86%, Satrafoods tăng 10%. Ở kênh trực tuyến, lượng giao dịch của Facebook tăng đến 126% so với trước, Shopee tăng 102%, Tiki tăng 69%...
Từ khi cuộc sống “bình thường mới” thiết lập, kinh tế Việt Nam được mong đợi sẽ phục hồi một cách nhanh chóng. Các chuyên gia dự báo, sẽ có sự thay đổi trong mô hình tăng trưởng FMCG, tùy thuộc vào bản chất của thương hiệu và ngành hàng, cũng như khác biệt về địa lý và nhân khẩu học.
Cụ thể, các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc cá nhân và nhà cửa tiếp tục giữ vững tăng trưởng. Các sản phẩm như gia vị nấu ăn, đồ ăn vặt, thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh, các bữa ăn thay thế giảm mạnh. Các nhu yếu phẩm sử dụng lâu dài như giặt ủi, dầu gội, kem đánh răng, nước rửa chén trở lại như trước đây. Trong khi đó, các sản phẩm không dùng thường xuyên, không thiết yếu như mỹ phẩm, đồ uống có cồn, nước hoa sẽ hồi phục chậm hơn…
Đầu tư cho kênh trực tuyến
Mua sắm trực tuyến được đánh giá vẫn là xu hướng tiêu dùng chính trong thời gian tới nhờ sự tiện dụng. Đơn cử, chỉ sau 8 giờ triển khai bán vải thiều online thông qua ví điện tử Momo, hệ thống siêu thị Co.opmart đã tiêu thụ thành công hơn 8 tấn vải thiều.
Theo Bộ Công Thương, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 1.543,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,6% tổng mức và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng nhẹ do các siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Tiện lợi, nhanh chóng, song mua bán trực tuyến vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, Nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính, khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang được Cục TMĐT và Kinh tế số tập trung hoàn thiện, chuẩn bị cho sự phát triển bùng nổ của thị trường, bên cạnh có những giải pháp đẩy lùi vấn nạn tận dụng kênh trực tuyến để buôn bán hàng giả, hàng nhái.
Cụ thể, để hạn chế hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên sàn TMĐT, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm như nâng cấp sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng; hợp tác chặt chẽ với Hải quan, cũng như cơ quan quản lý thị trường (QLTT), công an để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan.
Bộ Công Thương cũng đang bắt đầu triển khai chiến dịch thanh, kiểm tra ứng dụng TMĐT bán hàng hoặc kinh doanh trên website, dự kiến kéo dài đến hết năm 2020 nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các trang mua sắm và mạng xã hội.
Còn theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hỗ trợ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, Bộ Công Thương cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa. Đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị thanh toán, khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử trong việc phân phối hàng hoá trên môi trường trực tuyến…