Thứ hai 23/12/2024 16:39

Vụ Công ty GFDI vỡ nợ 3.700 tỷ đồng: Khách hàng cần làm gì để lấy lại tiền cho vay?

Liên quan vụ vỡ nợ xảy ra tại Công ty GFDI, luật sư cho rằng người bị hại có quyền đề nghị mức xử lý đối với đối tượng phạm tội, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Liên quan vụ việc huy động hơn 3.700 tỷ đồng của 7.500 khách hàng và mất khả năng thanh toán xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, ngày 18/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, Tổng Giám đốc), và Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1992, Trưởng Phòng Ngân quỹ công ty) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phóng viên Báo Công Thương đã có buổi phỏng vấn Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp về sự việc này.

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Phóng viên: Xin luật sư cho biết mô hình kinh doanh của Công ty GFDI bất thường ở điểm nào?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Mô hình kinh doanh của Công ty GFDI bất thường ở chỗ doanh nghiệp này không phải là một tổ chức tín dụng, không có đăng ký hoạt động tín dụng nhưng vẫn nhận tiền vay và trả lãi suất như một hoạt động ngân hàng.

Trong khi đó hoạt động ngân hàng rất phức tạp, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, có kiểm soát rủi ro. Còn hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp thì chỉ để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo phương án đã được hoạch định từ trước. Những nạn nhân chỉ quan tâm đến lãi suất mà không quan tâm đến chức năng huy động vốn dẫn đến việc họ bị thao túng tâm lý và bị chiếm đoạt tài sản.

Công ty GFDI thành lập năm 2018, vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Từ khi thành lập cho đến nay, công ty này huy động vốn bằng hình thức ký hợp đồng vay tiền của khách hàng tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Để khách hàng tin tưởng và cho Công ty GFDI vay tiền, Hoàng chỉ đạo cho các chi nhánh, phòng kinh doanh, nhân viên quảng cáo, đưa ra thông tin dòng tiền của khách hàng sẽ được công ty đầu tư các dự án có khả năng sinh lời cao.

Sự bất thường của doanh nghiệp này là không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì đáng kể mà doanh nghiệp này sinh ra chỉ để vay tiền của người này, trả lại cho người kia. Phương thức thủ đoạn là trả lãi suất cao để đánh vào lòng tham của nạn nhân, các nạn nhân thì nhẹ dạ cả tin và do ham lãi suất cao nên đã nộp tiền vào rồi bị chiếm đoạt. Doanh nghiệp này hoạt động như hoạt động tín dụng, huy động vốn giống như huy động vốn của các ngân hàng nhưng lại không có sự quản lý của Nhà nước về hoạt động tín dụng ở đây. Chính vì không đăng ký hoạt động kinh doanh theo hoạt động của các tổ chức tín dụng, không chịu sự kiểm tra giám sát của Nhà nước về hoạt động tín dụng nên việc sử dụng vốn trái phép một thời gian dài mà không ai phát hiện, hoạt động kinh doanh này biến tướng trở thành phương thức thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Phóng viên: Thưa luật sư, những khách hàng đã đầu tư vốn vào Công ty GFDI có cơ hội nào để thu hồi không? Thời điểm này họ cần làm gì?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Từ tháng 5/2018 đến nay, Công ty tài chính GFDI tiến hành huy động vốn bằng hình thức ký hợp đồng vay tiền của khách hàng tại Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Để khách hàng tin tưởng và cho công ty vay tiền, ông Nguyễn Quang Hoàng chỉ đạo cho các chi nhánh, phòng kinh doanh, nhân viên kinh doanh quảng cáo, đưa ra thông tin gian dối rằng toàn bộ dòng tiền của khách hàng sẽ được Công ty tài chính GFDI sử dụng đầu tư các dự án có khả năng sinh lời cao như F&B (nhà hàng Làng Nghệ Đà Nẵng; nhà hàng Làng Nghệ Quảng Trị); sản xuất hàng tiêu dùng và thương mại: Seneco, Enzy Food, K-Products, sản xuất phim điện ảnh…

Tổng Giám đốc Công ty GFDI Nguyễn Quang Hoàng bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đồng thời công ty này cam kết với khách hàng sẽ hoàn trả tiền gốc, lãi đúng theo hợp đồng đã ký. Sau đó, công ty này đã thông báo là không có khả năng trả tiền gây thiệt hại cho tài sản của nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy những thông tin gian dối để vay tiền, hoạt động như một tổ chức tín dụng huy động vốn rồi không trả lại theo cam kết thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người (hơn 7,5 ngàn người), với số tiền chiếm đoạt hơn 3.700 tỷ đồng như vậy là số tiền đặc biệt lớn nên các bị can trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tố tụng để điều tra làm rõ vụ việc, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, các chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội, làm rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt là cơ quan điều tra sẽ làm rõ dòng tiền, sẽ làm rõ tài sản do phạm tội mà có của các bị can và các tài sản của các bị can để đảm bảo thi hành án. Những nạn nhân đầu tư vào doanh nghiệp này cần sớm liên hệ với cơ quan điều tra, cung cấp các thông tin tài liệu và trình bày về quá trình giao dịch, chuyển tiền, nhận lãi và các vấn đề có liên quan để được tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại.

Theo quy định của pháp luật thì người bị hại có quyền đề nghị mức xử lý đối với đối tượng phạm tội, đồng thời có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả để đảm bảo quyền lợi của người bị hại trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu bị can hoặc những người thân thích của bị can tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả. Trong trường hợp bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc những người thân thích không bồi thường khắc phục thay thì tòa án sẽ tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả khi giải quyết vụ án. Các tài sản do phạm tội mà có, tài sản có liên quan đến tội phạm và các tài sản khác thuộc quyền sở hữu hợp pháp của các bị cáo cũng sẽ bị niêm phong, kê biên để đảm bảo thi hành án.

Với những vụ án mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người như vậy, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn như vậy thì việc đảm bảo quyền lợi cho những người bị hại là không thể đầy đủ được. Nếu các bị can còn tiền, còn tài sản để bồi thường thì quyền lợi của những người bị hại mới được đảm bảo phần nào. Nếu số tiền tài sản còn lại không đủ thì chưa biết đến khi nào người bị hại mới được bồi thường khắc phục.

Phóng viên: Từ vụ việc Công ty GFDI, luật sư có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào các hoạt động góp vốn như vậy không?

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Vụ việc trên sẽ là bài học cho nhiều người khi thiếu kiến thức đầu tư, thiếu kinh nghiệm và bị các đối tượng lừa đảo do ham lợi nhuận, lãi suất cao.

Các hình thức góp vốn trong doanh nghiệp được pháp luật quy định rất rõ ràng, có thể là mua cổ phiếu, trái phiếu, mua phần vốn góp hoặc các hình thức huy động vốn khác mà pháp luật về doanh nghiệp có quy định. Đối với việc hợp tác đầu tư thì phải biết rõ về hoạt động kinh doanh, có đủ kiến thức và niềm tin thì mới ký các hợp đồng hợp tác đầu tư. Còn đối với hình thức đầu tư là cho vay tiền để hưởng lãi suất thì chỉ có thể thực hiện với các tổ chức tín dụng. Đôi khi tổ chức cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng vẫn có thể gặp rủi ro nếu như tổ chức tín dụng, ngân hàng đó phá sản. Đối với các doanh nghiệp hoạt động không theo luật các tổ chức tín dụng, không phải là các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được thành lập hợp pháp thì rủi ro trong hoạt động cho vay là rất lớn.

Vụ án này sẽ là bài học cho nhiều nhà đầu tư khi không có kiến thức đầu tư, nhẹ dạ cả tin và ham lãi suất cao nên bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây không phải là một vụ án đầu tiên cơ quan điều tra khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn trái phép. Trước đó những vụ việc xảy ra đối với doanh nghiệp bất động sản và nhiều doanh nghiệp khác đã cho thấy khi doanh nghiệp đưa ra chiêu trò để huy động vốn mà không có hoạt động sản xuất kinh doanh gì hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ là hình thức "phông bạ" để lừa đảo thì các nhà đầu tư cần thận trọng.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với các hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp, khi phát hiện ra doanh nghiệp huy động vốn trái phép thì cần phải có giải pháp ngăn chặn, cảnh báo và xử lý kịp thời để tránh những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, khi đối tượng huy động vốn của hàng ngàn người, với hàng ngàn tỷ đồng thì mới xử lý thì khi đó hậu quả sẽ rất nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài đến xã hội.

Văn Hoàng
Bài viết cùng chủ đề: lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tin cùng chuyên mục

Hộp thư bạn đọc ngày 12/12: Phản ánh về chợ Đông Phú, siêu thị ăn vặt Mlem Mlem

Vĩnh Phúc: Nhanh chóng tiếp nhận thông tin, quyết liệt đấu tranh chống gian lận thương mại

TikToker Mr Pips “lùa gà” bằng công cụ gì?

Hộp thư bạn đọc ngày 5/12: Phản ánh liên quan đến thời trang Ben Kids, Trường Quốc tế Thăng Long

Thanh Hóa: Xác minh tố cáo dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khai thác đá của Công ty Cao Nguyên

Bắc Giang: Giấy phép cấp một đằng, Công ty TNHH Minh Hà đổ đất một nẻo

Hà Nội: Xử phạt 6 cơ sở bán hàng nhập lậu trong Big C Thăng Long

Thanh Hóa: Chấn chỉnh Công ty TNHH đầu tư xây dựng Phương Anh vì thi công ẩu

Bắc Giang: Để người nước ngoài sinh sống lâu dài trong nhà ở xã hội, trách nhiệm thuộc về ai?

Hộp thư bạn đọc ngày 28/11: Phản ánh liên quan đến việc thu tiền trông xe trái quy định

Dự án Usilk City chậm tiến độ hơn một thập kỷ gây lãng phí

Quy định chủng loại thịt nhập khẩu: Điểm nghẽn cần tháo gỡ trong 'dòng chảy' thương mại

Cần Thơ: Vì sao nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa được quyết toán?

Thanh Hóa: Người dân sống bất an cạnh chung cư Bình An Plaza

Hộp thư bạn đọc ngày 21/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Trinh nữ Hoàng Cung Crilin, MBC PlayBe Việt Nam

Chính quyền phản hồi về quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc sau phản ánh của Báo Công Thương

CEO Vương Long gỡ video sai sự thật về Laura Coffee

Hộp thư bạn đọc ngày 14/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Hoa Nhất; bãi xe phường Yên Sở

Hải Phòng: Chủ hàng ăn khám…răng, loạn nha khoa không phép

Công ty TNHH Hamachi Việt Nam 'vô tư' rao bán xe điện Durable thuộc diện cấm lưu thông?