Đà Nẵng: Công ty GFDI nợ khách hàng hơn 3.700 tỷ đồng Đà Nẵng: Công an đang khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty GFDI |
Ngày 8/11, cơ quan công an TP. Đà Nẵng đang tiến hành điều tra liên quan đến việc huy động vốn trái phép và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư GFDI (Công ty GFDI).
Bước đầu, cơ quan chức năng cho biết, công ty GFDI vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết “Hợp đồng vay tài sản”. Đến đầu tháng 11/2024, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.
Hàng trăm người dân là khách hàng của công ty GFDI kéo đến trụ sở công ty này hôm 8/11 khi nghe tin công ty mất khả năng chi trả |
Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra các dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với lãnh đạo công ty này và pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh.
Theo như các nội dung thể hiện trên hợp đồng vay tài sản giữa khách hàng và công ty GFDI, lãi suất công ty GFDI trả cho khách hàng là khoảng 12%/năm (khoảng 1%/tháng), tuy nhiên, thực nhận của nhiều khách hàng lên tới 3,6%/tháng, cao điểm lên đến 50%/năm (thời điểm năm 2020). Cho đến thời gian gần đây, lãi suất thương lượng với công ty này dù giảm cũng vẫn còn 2,5%/tháng, tức là tới 30%/năm.
Đánh vào tâm lý ham lãi suất tiền gửi cao của nhiều người dân, công ty GFDI đã “hút” rất nhiều khách hàng. Và dù biết có rủi ro cao, nhưng vì hám lợi nhiều người dân vẫn bất chấp để đầu tư. Nhiều người gửi tiền biết là việc huy động vốn với lãi suất lên tới 30 – 50%/năm là tiềm ẩn rủi ro cao nhưng vẫn làm ngơ, và góp vốn. Điều này thể hiện rõ khi trên hợp đồng lãi suất cho vay là từ 11 – 12%/năm, thực nhận tới 30 – 50%/năm nhưng không có khách hàng nào lên tiếng về khoản chênh lệch này.
Như vậy, phải chăng, chính những khách hàng bây giờ đứng ở vai trò bị hại cũng đã tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật của công ty GFDI?
Hợp đồng giữa công ty GFDI với khách hàng thể hiện lãi suất 12%/năm, nhưng thương lượng thực nhận lại cao hơn nhiều (Ảnh hợp đồng của một khách hàng GFDI) |
Trước công ty GFDI, hồi cuối năm 2023, công an TP. Đà Nẵng cũng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam lãnh đạo Công ty CP Tài chính Vietnam Capital về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công ty này cũng đã huy động vốn với lãi suất cao (lãi suất 9,5 – 12,5%), cao hơn lãi suất ngân hàng. Hàng trăm bị hại với số tiền lừa đảo hơn 200 tỷ đồng.
Những vụ việc huy động vốn với lãi suất cao rồi mất khả năng thanh toán như GFDI, Vietnam Capital không phải là mới, nhưng lại vẫn xuất hiện và vụ sau lại lớn hơn vụ trước cả về số tiền huy động lẫn số người bị hại.
Để những vụ việc như công ty GFDI không tiếp diễn, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân cũng có vai trò quan trọng. Người dân trước khi đầu tư góp vốn kinh doanh cần tìm hiểu kỹ về công ty, bao gồm cả tư cách pháp nhân, tình trạng hoạt động của công ty, các lĩnh vực hoạt động và tham khảo ý kiến những chuyên gia hoặc những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính uy tín. Việc đầu tư góp vốn phải thể hiện cụ thể trên hợp đồng giao kết. Và chính người dân phải là những người đảm bảo tính minh mạch và thực hiện đúng các hợp đồng đã giao kết, không chạy theo lợi nhuận để "hợp đồng một đường, thực hiện một nẻo", để hạn chế thấp nhất các rủi ro, cũng như không tiếp tay cho những hành vi huy động vốn trái pháp luật.