Vì sao Tim Cook coi Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple?
Những ngày qua, Giám đốc điều hành /chu-de/apple.topic - Tim Cook có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, điều này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển chuỗi cung ứng. Cụ thể, tập đoàn này sẽ công bố việc tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam, cũng như sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình trong Quỹ phát triển nhân viên, với tổng trị giá 50 triệu USD.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook trong chuyến thăm Hà Nội vào ngày 15/4. Nguồn ảnh: AFP |
Chuyến thăm này của ông Tim Cook nằm trong chuỗi hoạt động nhằm tăng cường cam kết đầu tư bền vững vào Việt Nam của công ty công nghệ Mỹ. Đặc biệt, chuyến thăm còn diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang buộc các công ty Mỹ phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đang là trung tâm chuỗi cung ứng của Apple. Theo số liệu từ Bloomberg, tính tới năm 2023, có tới 80% đối tác của Apple có trụ sở tại nước này. Cách đây 3 tuần, ông Tim Cook cũng có một chuyến thăm tới Trung Quốc. Trong chuyến đi, ông cũng ca ngợi về tầm quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng và hứa rằng Apple sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc.
Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã bắt đầu đẩy giá nhân lực lên cao. Chính sách Zero-Covid trong những năm vừa qua của Trung Quốc cũng đã cản trở chuỗi cung ứng các mặt hàng điện tử tại nước này. Đặc biệt, chính quyền /chu-de/tong-thong-hoa-ky-joe-biden.topic đang có những nỗ lực ngăn cản Trung Quốc tiếp cận những mặt hàng điện tử cao cấp của Mỹ như /chu-de/chat-ban-dan.topic, do lo sợ khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo của nước này. Theo ước tính của Bloomberg, các công ty công nghệ sẽ chuyển tới 30% khâu sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á trong hai năm tới.
Mặt khác, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hứa hẹn cho các công ty công nghệ của Mỹ, đặc biệt là Apple. Thực tế, số công ty lắp ráp sản phẩm Apple tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần trong vòng 10 năm qua. Theo khảo sát năm 2023 của Bloomberg, 5 trên 10 nhà cung ứng hàng đầu của Apple đang có nhà máy tại Việt Nam. Các nhà cung ứng này bao gồm các tập đoàn lớn như Foxconn, Samsung, LG... đã chiếm 77% tổng chi tiêu của Apple vào năm 2023. Đặc biệt, cuối tháng 12 năm ngoái, Apple đã phối hợp với nhà cung ứng BYD chuyển nguồn lực thiết kế và phát triển iPad từ Trung Quốc đến Việt Nam.
Trên tờ Financial Times, các nhà phân tích cho rằng lý do cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này là do lao động tại Việt Nam đang có giá cả phải chăng hơn so với Trung Quốc. Mức lương tối thiểu hàng tháng của Việt Nam tại các vùng đều đang ở dưới mức 5 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu hàng tháng tại Trung Quốc là 2.590 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 9 triệu đồng). Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lao động tại Việt Nam là khá cao, với hơn 75% dân số đang trong độ tuổi lao động. Việt Nam cũng có chung đường biên giới với Trung Quốc, tạo nên một chuỗi cung ứng hiệu quả đối với Apple.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thu hút các nhà sản xuất công nghệ từ Mỹ bằng các chính sách giảm thuế và cho thuê đất giá phải chăng. Các quan chức cấp tỉnh và địa phương cũng đang dành nhiều sự quan tâm cho Apple, khi thường xuyên liên hệ với đại diện của hãng và cung cấp ký túc xá cho các công nhân nhà máy thuộc chuỗi cung ứng. Kết quả là nhiều nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của Apple đã chứng kiến lợi nhuận gia tăng. Cụ thể vào năm ngoái, giá cổ phiếu của hai nhà cung cấp Quanta Computer và Compal Electronics của Apple đã tăng 30%, sau khi hai hãng này đã đầu tư vào Việt Nam.
Nhà máy của nhà cung ứng cho Apple Foxconn và Luxshare tại Bắc Giang. Nguồn ảnh: Linh Pham, Bloomberg |
Việt Nam cũng đã gặt hái được nhiều thành công từ khoản đầu tư từ Apple, đặc biệt trong việc xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp điện tử. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện tại Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2022. Theo báo cáo từ JPMorgan, các nhà máy tại Việt Nam dự kiến sẽ sản xuất khoảng 20% tổng số iPad và Apple Watch vào năm 2025. Trong khi đó, sản lượng dự kiến của MacBook là 5% và AirPods đạt 65%.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023, Phó Chủ tịch Apple phụ trách chính sách toàn cầu, ông Nick Ammann đã từng nhận định “Việt Nam là thị trường và khu vực sản xuất rất quan trọng với Apple”, đồng thời khẳng định công ty này “mong muốn tham gia phát triển và đào tạo nhân sự tại đây, đặc biệt là kỹ thuật phần cứng”.
Chia sẻ với báo chí ngày hôm qua, Giám đốc điều hành Tim Cook cũng đánh giá Việt Nam là một đất nước “sôi động và xinh đẹp” và nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác với các nhà cung ứng của Apple tại đây.
Nhận xét về triển vọng đầu tư của Apple, các chuyên gia từ tờ Financial Times đã viết “Với các nhà cung ứng của Apple, Việt Nam là khoản đặt cược sẽ sinh lời”. Về phía Việt Nam, bà Sonal Varma, nhà kinh tế hàng đầu tại công ty Nomura Holdings Inc. (Nhật Bản), nhận xét: “Khoản đầu tư từ Apple là động lực tăng trưởng tiềm năng mà không quốc gia nào thực sự có thể bỏ lỡ. Đây là cơ hội chỉ có một lần trong đời”.