Thị trường lao động: Tiềm ẩn nguy cơ có tính dài hạn cả về cung và cầu Thị trường lao động cuối năm: Phụ thuộc lớn vào "biến số” Covid-19 |
Kết nối thị trường lao động
Từ hiệu quả của công tác thông tin thị trường lao động, kết nối thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động để đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ttrong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh Tuyên Quang đã tạo việc cho 18.570 lao động, đạt 88,4% kế hoạch. Trong đó, tạo việc làm trong các ngành kinh tế tại tỉnh 13.104 người; lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước 5.214 người; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 252 người.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang cũng đã tổ chức tư vấn, giới thiệu về việc làm cho 11.041 lao động. Đáng chú ý, vừa qua, 11 trung tâm dịch vụ việc làm của các địa phương gồm Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và Hà Giang đã phối hợp tổ chức kết nối phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Phiên giao dịch đã thu hút 95 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lên đến 29.077 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông tập trung trong các ngành nghề: điện tử, may mặc… Qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến như trên cũng như các phiên giao dịch việc làm trực tuyến riêng biệt tại từng địa phương đã góp phần hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
![]() |
Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 30%. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, nhằm tập trung nguồn lực thực hiện “mục tiêu kép”, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động, mới đây, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về việc thực hiện "Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, sử dụng hiệu quả thời gian lao động để nâng cao năng suất lao động; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động góp phần xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo bền vững, giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo kế hoạch này, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 30% và đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 40%; 100% học viên tham gia đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các kỹ năng công nghệ thông tin.
Cùng với đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 45% và đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 60%; trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5,5% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025 và chiếm khoảng 7,5% vào năm 2030.
Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 và năm 2030, có 100% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp. Toàn tỉnh đến năm 2025, có 25% và năm 2030 có 30% lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm có việc làm.
Nâng cấp cơ sở kết nối cung - cầu
Để thực hiện được mục tiêu tập trung phát triển thị trường lao động, tỉnh Tuyên Quang đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh cố gắng việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù.
Về hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, tỉnh triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ, nông nghiệp thông minh.
Cùng với đó, để thích ứng với bối cảnh mới, tỉnh Tuyên Quang có kế hoạch phối hợp triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh, cấp vùng và trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích, khai thác và dự báo về cung - cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị trường lao động đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Đồng thời, để người lao động và doanh nghiệp được đảm bảo quyền lợi và được hỗ trợ tốt nhất, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp đáp ứng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.