Thị trường lao động: Tiềm ẩn nguy cơ có tính dài hạn cả về cung và cầu
Xây dựng kịch bản 40 triệu lao động bị ảnh hưởng
Để chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, Cục Việc làm đã xây dựng 3 kịch bản tốt - thường - xấu cho thị trường lao động thời gian tới.
Tạo mọi điều kiện để người lao động yên tâm ở lại làm việc |
Kịch bản xấu nhất sẽ có khoảng 40 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, lao động trong các ngành, nghề đều bị tác động nặng nề. Ở kịch bản này, việc triển khai mua và tiêm vắc xin không đáp ứng nhu cầu, không được bàn giao theo đúng tiến độ nên kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng gặp khó khăn. Dịch bệnh kéo dài khiến nguồn lực cạn kiệt, người dân rơi vào tình trạng mất việc làm, không đảm bảo được điều kiện sống khiến dịch bùng phát trên toàn quốc với mức độ nguy hiểm, mất kiểm soát.
Với kịch bản thường, các tỉnh, thành phía Nam đã áp dụng mạnh mẽ biện pháp giãn cách xã hội, hỗ trợ lao động ngoại tỉnh tạm thời không ồ ạt về quê… nhưng số ca F0 liên tục tăng, không có chiều hướng giảm. Một số tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung bắt đầu gia tăng số ca F0. Số lao động bị tác động trên 30 triệu người, tập trung vào những ngành như chế biến chế tạo, vận tải, du lịch, lưu trú, bán buôn, bán lẻ…
Kịch bản tốt là dịch được kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát sang các địa phương trong tháng 8; các tỉnh dừng thực hiện Chỉ thị 16 trong nửa đầu tháng 8; Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên…
Trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp khắp cả nước và trên thế giới thì mọi khả năng đều có thể xảy ra. Đặc biệt khi ngành du lịch có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, 10% hoạt động cầm chừng, 90% nhân sự doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị nghỉ việc không lương hoặc chuyển làm việc khác. Vận tải hàng không cũng giảm tới 80% doanh thu so với cùng kỳ năm 2020… Bên cạnh đó, do dịch bệnh lan vào khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố lớn đã tác động mạnh đến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Những ngành nghề này dự báo tiếp tục khó khăn và chưa có khả năng phục hồi trong năm nay.
Để người lao động yên tâm làm việc
Trong báo cáo Covid-19 thị trường lao động ASEAN: Tác động và phản ứng chính sách, do Tổ chức Lao động thế giới vừa công bố cũng dự báo, thị trường lao động nửa cuối năm 2021 có thể trở nên tệ hơn nữa.
Vì vậy, Cục Việc làm đã chuẩn bị 2 giải pháp đối phó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra, đó là: Nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch và giải pháp để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Theo đó, cần đẩy nhanh tốc độ đàm phán, nhập và tổ chức tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ưu tiên tiêm vắc xin cho lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn, để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng…; có chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất; nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.
Với tình trạng dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong thời gian cuối tháng 7 vừa qua, các chuyên gia cũng lo ngại cho thị trường lao động thời gian tới. Do vậy, Cục Việc làm đề nghị các địa phương có người lao động làm việc tại những tỉnh, thành phố phía Nam chủ động phối hợp với địa phương cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ người lao động yên tâm ở lại làm việc, thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê, dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh này kiểm soát tốt dịch bệnh.