Chưa có dấu hiệu tích cực
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm bởi biến chủng mới tăng cao và việc thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động. Tính riêng trong tháng 7/2021, cả nước giảm 0,9% về số lao động so với tháng 6/2021.
![]() |
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì thị trường lao động sẽ chuyển biến tích cực |
Nhiều địa phương, số lao động được tuyển dụng rất thấp. Số liệu thống kê của tỉnh Thái Bình cho thấy, trong tháng 7/2021, địa phương này có 1.250 lao động được tạo việc làm mới (trong đó tạo việc làm tại địa phương cho 1.000 người, lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 200 người, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 50 người). Thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp cho 452 người. Cấp giấy phép lao động cho 84 lao động nước ngoài (trong đó cấp mới 68 trường hợp; cấp lại 2 trường hợp; gia hạn 14 trường hợp). Tiếp nhận thông báo của 1 doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động của tỉnh đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Tại Thanh Hóa, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 3.950 lao động, trong đó đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 309 người trong tháng 7/2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 31.450 người, đạt 53,3% kế hoạch năm; trong đó đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 3.309 người, đạt 55,2% kế hoạch năm. Số lao động bị mất việc làm trên địa bàn tỉnh cũng tăng. Trong tháng 7, tỉnh đã giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 3.423 lao động, lũy kế 7 tháng đầu năm 13.045 người.
Phản ánh của nhiều địa phương trong cả nước, thị trường lao động một số lĩnh vực rất khó phục hồi nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục xảy ra. Chính lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cũng phải thừa nhận, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp, khó lường, thị trường lao động những tháng cuối năm 2021 sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Một số ngành, lĩnh vực, như vận tải, hàng không, dịch vụ, du lịch, nếu dịch tiếp tục kéo dài có thể chuyển biến xấu; các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến cũng sẽ bị ngưng trệ. Theo xu hướng lây nhiễm hiện nay, số lao động bị ảnh hưởng như phải cách ly, bị ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh tiếp tục gia tăng.
Phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh
Nhận định về thị trường lao động thời gian tới, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, sẽ tùy theo diễn biến của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát ca nhiễm mới trong cộng đồng thì thị trường lao động cũng dần ấm lên, nhu cầu tuyển dụng lao động có những chuyển biến tích cực, đặc biệt ở ngành công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất do dịch bệnh như vận tải, du lịch… cũng dần được phục hồi. Nếu xuất hiện các ca F0 mới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nhanh chóng khoanh vùng và cách ly kịp thời thì tốc độ phục hồi của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng và thị trường lao động sẽ phục hồi chậm hơn. Trong trường hợp những tháng tiếp theo của năm 2021 không kiểm soát được dịch bệnh, số ca mắc ngày càng tăng (đặc biệt xuất hiện ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; biện pháp giãn cách và cách ly xã hội bắt buộc phải thực hiện) thì thị trường lao động chịu ảnh hưởng nặng nề. Thêm nhiều nhóm lao động rơi vào tình trạng mất việc, giảm giờ làm.
Để giảm thiểu nguy cơ và chuẩn bị thêm những giá đỡ cho doanh nghiệp, người lao động, chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương cần chủ động, tích cực triển khai hiệu quả 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Đồng thời, nâng cao vai trò của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động; có chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm tham gia học tập, đào tạo nâng cao trình độ để có thêm kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ông Lê Đình Quảng: Chúng ta đều kỳ vọng thị trường lao động có thể hồi phục vào cuối năm nay, nhưng lực lượng lao động cũng phải chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng chuyển đổi sang công việc khác. |