Theo dự luật, bố cục được xây dựng gồm 7 chương, với 52 điều. Mục tiêu của dự luật là tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, phục vụ việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Dự luật cũng hướng đến việc đổi mới quản trị quốc gia, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
![]() |
Sau sắp xếp bộ máy, dự kiến 150.000 cán bộ, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế. Ảnh minh họa |
Nội dung nổi bật của dự luật bao gồm quy định liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cơ sở. Theo đó, sẽ hoàn thiện các quy định về nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ; quy định chuyển tiếp để bố trí cán bộ, công chức cấp xã.
Cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức được hoàn thiện theo hướng đổi mới phương thức, lấy vị trí việc làm làm trung tâm. Theo đó, việc thay thế thăng hạng bằng bố trí cán bộ vào ngạch công chức tương ứng được đưa vào quy định. Đồng thời, dự luật đề xuất duy trì 6 ngạch công chức để tính lương.
Công tác tuyển dụng công chức cũng được đổi mới. Cụ thể, tuyển người đáp ứng ngay yêu cầu vị trí việc làm; người trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm. Phương thức tuyển dụng linh hoạt, bao gồm thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận người tài năng, ký hợp đồng với chuyên gia…
Dự luật cũng đổi mới quy định về đánh giá, sử dụng và sàng lọc công chức. Việc đánh giá căn cứ trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm cụ thể. Đồng thời, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc đánh giá và sàng lọc đội ngũ công chức.
Ngoài ra, dự luật thể chế hóa các chủ trương, định hướng khác như: chính sách thu hút, trọng dụng người tài năng; bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cải cách chế độ công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Theo số liệu thống kê, hiện nay có 336.328 cán bộ, công chức và 1,68 triệu viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đến cuối năm 2024, số biên chế sẽ giảm khoảng 16.149 người. Tổng biên chế toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022–2026 là 2,234 triệu người. Mục tiêu tinh giản đặt ra là giảm tối thiểu 20% biên chế, tương đương ít nhất 150.000 người sau sắp xếp bộ máy. |