Chuyện về những người gác rừng, giữ biển ở Côn Đảo

Côn Đảo không chỉ được biết đến là "địa ngục trần gian" mà còn là thiên đường du lịch. Nơi đó, có những người đang ngày đêm canh giữ đem lại sự bình yên cho đảo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Côn Đảo Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm xây dựng đề án phát triển đặc khu Côn Đảo Thủ tướng: Côn Đảo có tiềm năng rất lớn về kinh tế, sinh thái biển đảo tầm cỡ quốc tế

Những người gác rừng, giữ biển ở Côn Đảo

Cách xa đất liền, trước đây, để tới được Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), người dân hoặc du khách phải đi bằng tàu Côn Đảo 9 và Côn Đảo 10 từ cảng Cát Lở (TP. Vũng Tàu) với quãng thời gian khoảng 12 tiếng đồng hồ. Lịch tàu chạy được cập nhật theo tháng và không thông báo hủy chuyến trước, tất cả phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Cuộc sống người dân đảo phụ thuộc nhiều vào những chuyến tàu, nhất là trong những ngày gió bão, tàu không chạy được, hàng hóa không ra được đảo, Côn Đảo có thể rơi vào tình trạng thiếu lương thực, mọi sinh hoạt đều bị ảnh hưởng.

Chuyện những người giữ đảo ở Côn Đảo
Một góc ở Côn Đảo. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Điều này, có lẽ Trung tá Nguyễn Văn Năng (sinh năm 1979), Chính trị viên Đồn Biên phòng Côn Đảo rõ hơn cả. Ra đảo làm nhiệm vụ đến nay là năm thứ 8, anh là một trong những người chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của Côn Đảo, nhất là khi có các chuyến tàu cao tốc từ Trần Đề (Sóc Trăng), Vũng Tàu, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh hay tuyến đường hàng không bay thẳng từ Hà Nội tới đảo đi vào hoạt động.

“Trước kia, đi tàu cả nửa ngày mới đến nơi. Hôm nào biển động, hoặc mưa bão, tàu không chạy là không đi ra đảo được. Giờ có tàu cao tốc, đi khoảng 4 tiếng là tới, thuận tiện hơn nhiều, hàng hóa, đồ dùng cũng đầy đủ. Khách đến Côn Đảo giờ đông hơn, nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng Côn Đảo vẫn bình yên, vẫn là điểm đến lý tưởng cho cả khách nội địa lẫn quốc tế”, anh Năng chia sẻ.

Chuyện những người giữ đảo ở Côn Đảo
Giờ đây, người dân và khách du lịch đến Côn Đảo thuận tiện hơn bằng tàu cao tốc, đi mất khoảng 4 giờ đồng hồ. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Với diện tích hơn 5.883ha, việc giữ rừng ở Côn Đảo cũng được xếp vào công tác đặc biệt quan trọng. Giữa biển khơi mênh mông, rừng như lá phổi xanh cho đảo, có rừng mới giữ được nước ngọt, một trong các điều kiện sống còn trong sinh tồn.

Anh Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1972, quê Hà Tĩnh), Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, là người có thâm niên lâu nhất với hơn 33 năm giữ rừng tại các hòn của quần đảo Côn Đảo. Anh cho hay, trong số 16 hòn thì duy nhất chỉ Hòn Tài là anh chưa ở, còn lại các hòn đều in dấu chân đi thăm, trông rừng của anh.

Nhớ lại những năm tháng vất vả của hàng chục năm về trước, anh kể: Hồi đó khó khăn nhất vẫn là nước ngọt, phải vác từng can lên hòn, mùa biển động, 2 anh em trên đảo chỉ có 40 lít nước để dùng trong nửa tháng. Sau này có thùng phi loại 200 lít, 2 anh em dùng tiết kiệm trong 1 tuần. Những năm đầu ra trông hòn, nhà thì không có, phải chặt từng cây tre dựng lều, xếp lá rừng trú mưa. Phương tiện thì ít, cả Vườn quốc gia Côn Đảo chỉ có 1-2 cái, có đợt thấy anh em khổ quá, lãnh đạo vườn chở nước ngọt ra vác lên chòi cho nhân viên. Rồi có những năm biển động, không vào được đảo lớn, phải ăn tết trên hòn, đồ ăn thì hết, cá tươi không câu được đành phải ăn cá khô.

“Giờ điện nước, sóng điện thoại đầy đủ, đồ ăn cũng nhiều hơn nhưng do ở hòn mãi thành quen, vào trong đất liền thấy khó chịu nên cả tháng mới vào 1, 2 ngày rồi lại khăn gói ra canh hòn”, anh Hùng tâm sự.

Làm “bà đỡ” cho rùa biển

Ngoài việc bảo vệ tài nguyên rừng, chủ quyền biển đảo, các thành viên trong Trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, các hòn lân cận còn có một nhiệm quan trọng không kém, đó là “đỡ đẻ” cho rùa biển.

Chuyện những người giữ đảo ở Côn Đảo
Mỗi năm có hàng trăm cá thể rùa mẹ lên đẻ trứng trên Hòn Bảy Cạnh. Ảnh: VQG Côn Đảo

Anh Trần Đình Đồng (quê tỉnh Quảng Bình), nhân viên Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh cho biết, ở Côn Đảo có tất thảy 18 bãi rùa đẻ trứng thì Hòn Bảy Cạnh là nơi tập trung 80% cá thể rùa về đẻ mỗi năm và Bãi Cát Lớn trên đảo là nơi ưa thích của chúng mỗi khi đến mùa sinh sản. Từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm là mùa rùa về đẻ và đẻ nhiều từ khoảng tháng 5 đến tháng 8.

“Thời điểm này, có những đêm chỉ ngủ được khoảng 2, 3 tiếng đồng hồ vì phải canh rùa đẻ. Thậm chí có những đêm phải thức trắng vì có những rùa mẹ khó đẻ, cần phải trông chừng. Đến tháng 6, 7 các bạn tình nguyện viên sẽ đến để hỗ trợ chúng tôi làm công việc này”, anh Đồng nói.

Cũng vì thế mà trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 10 hàng năm, các hoạt động đi lại trên bãi và vùng nước biển phía trước các bãi đẻ của rùa biển sẽ tạm ngừng kể từ 15h đến 8h sáng hôm sau. Riêng vùng nước bãi Cát Lớn - Hòn Bảy Cạnh sẽ không cho phép các phương tiện đường thủy neo đậu, để lên Bảy Cạnh, người ta sẽ đi cano hướng tới bãi Bờ Đập.

Chuyện những người giữ đảo ở Côn Đảo
Anh Đồng kiểm tra khu vực ấp trứng rùa. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Anh Đồng cho hay, nếu để rùa đẻ và ấp nở tự nhiên dưới bãi sẽ gặp những nguy cơ như thủy triều tác động làm trứng bị ngập dẫn đến hỏng; rùa khác bới tìm chỗ đẻ trúng vào ổ của rùa đẻ trước đó sẽ ra làm hỏng ổ trứng và kỳ đà ăn trứng rùa. Ngoài ra, nếu lơi lỏng cảnh giác, sẽ xảy ra trộm cắp trứng rùa từ con người. Do đó, để bảo đảm tỷ lệ trứng, tỷ lệ nở cao và an toàn, việc “đỡ đẻ” cho rùa là công tác luôn được chú trọng.

“Mỗi năm, trạm sẽ đỡ đẻ cho khoảng 300 - 400 cá thể rùa mẹ, các cá thể này sẽ được bấm thẻ để tiện cho việc theo dõi. Trong mùa sinh sản, mỗi cá thể rùa mẹ sẽ lên bờ đẻ từ 3 - 9 lần, mỗi lần dao động khoảng gần 100 trứng. Tổ có số lượng trứng lớn nhất từ trước đến nay là 192 quả/1 lần đẻ. Tỷ lệ ấp nở ở trạm đạt khoảng 80 trở lên”, anh Đồng nói.

Chuyện những người giữ đảo ở Côn Đảo
Khách du lịch trải nghiệm hoạt động thả rùa con về biển. Ảnh: VQG Côn Đảo

Tuy số lượng trứng và rùa mẹ sinh sản lớn là vậy nhưng theo anh Đồng, sau khoảng từ 20-30 năm, tỷ lệ sống sót chỉ đạt khoảng 1/1.000. Tức cứ 1.000 cá thể rùa sau khi ấp nở thành công, thả về môi trường tự nhiên thì chỉ có 1 cá thể còn sống sót đến lúc trưởng thành.

“Công việc vất vả, cho nên những anh em trên hòn đều là những người có tâm huyết, để trông, canh rùa đẻ rồi di dời những ổ trứng lên điểm ấp nở. Càng ngày càng thấy đam mê trong việc bảo tồn rùa biển với mong muốn để thế hệ mai sau có thể được chiêm ngưỡng những cá thể rùa trong đại dương, chứ không chỉ trong sách vở”, anh Đồng tâm tư.

Chuyện những người giữ đảo ở Côn Đảo
Hàng chục nghìn rùa con được thả về biển mỗi năm. Ảnh: VQG Côn Đảo

Côn Đảo là thiên đường cho rùa biển. Trước kia, vùng biển này ngoài rùa xanh (vích) còn có đồi mồi, quản đồng. Bây giờ thì chỉ còn chủ yếu là vích. Nhiều năm trước, người Côn Đảo coi rùa như một nguồn cung cấp thức ăn. Trứng rùa, thịt rùa bị khai thác vô tội vạ. Năm 1991, Khu rừng cấm Côn Đảo đã hỗ trợ thả những con rùa đầu tiên. Năm 1993, Vườn quốc gia Côn Đảo chính thức được thành lập. Thế nhưng, để thay đổi quan điểm về việc săn bắt rùa, phải tới năm 2014 khi tội săn bắt rùa bị đưa vào tội hình sự.

Để thấy, Côn Đảo có được như ngày hôm nay, một phần cũng là sự đóng góp bằng những ngày đêm tuần tra, canh gác của những người lính biên phòng như anh Năng và tâm huyết như anh Hùng, anh Đồng trong bảo tồn đang dạng hệ sinh thái rừng, biển.

Sau hơn 5 năm công tác tại Côn Đảo, anh Đồng tâm sự, giờ phương tiện đi lại, thông tin liên lạc đã thuận tiện hơn trước rất nhiều, không còn thiếu thốn như trước. Ngoài ra, ở Côn Đảo, anh đã quen với môi trường sống, con người nơi đây và cũng còn nhiều điều để anh gắn bó. “Chỉ mong vợ, con ở nhà hiểu và thông cảm cho công việc của mình để mình yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, anh Đồng nói.

Còn với anh Hùng (Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh), đã hơn 33 năm công tác trên đảo, có lẽ anh là một trong những người chứng kiến sự đổi thay của Côn Đảo một cách rõ nét nhất. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng với anh Hùng, “ở lâu thành quen, về đến nhà lại nhớ và khăn gói ra đảo”.

Côn Đảo là một quần đảo nằm ở phía Đông - Nam của Việt Nam, cách TP. Vũng Tàu 97 hải lý và cách TP. Hồ Chí Minh 120 hải lý. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích 76 km2. Trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 51 km2.

Côn Đảo từng được biết đến là nơi nuôi dưỡng tinh thần cách mạng kiên cường của những nhà cách mạng, những người yêu nước Việt Nam. Ngày nay, Côn Đảo thật sự là một thiên đường để khám phá.

Nguyễn Ngọc
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Côn Đảo

Tin cùng chuyên mục

Đại học Văn Lang bị ‘tấn công’: Không thể bao biện là “bảo vệ lẽ phải”

Đại học Văn Lang bị ‘tấn công’: Không thể bao biện là “bảo vệ lẽ phải”

Học 2 buổi, ăn miễn phí: Chủ trương chạm đến triệu trái tim

Học 2 buổi, ăn miễn phí: Chủ trương chạm đến triệu trái tim

Hệ thống bán lẻ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới

Hệ thống bán lẻ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới

Bước khởi đầu hồi sinh dòng sông Tô Lịch giữa Thủ đô

Bước khởi đầu hồi sinh dòng sông Tô Lịch giữa Thủ đô

Gửi yêu thương từ đất liền đến Trường Sa, nhà giàn DK-1

Gửi yêu thương từ đất liền đến Trường Sa, nhà giàn DK-1

Diễn đàn liên kết 5 nhà: Hướng đến nền nông nghiệp xanh và hiện đại

Diễn đàn liên kết 5 nhà: Hướng đến nền nông nghiệp xanh và hiện đại

Cục trưởng An toàn thực phẩm nói gì về nguyên nhân lộn xộn thực phẩm giả?

Cục trưởng An toàn thực phẩm nói gì về nguyên nhân lộn xộn thực phẩm giả?

Điểm mới trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi

Điểm mới trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi

Rà soát số lượng cán bộ dự kiến tinh giản trước 30/6

Rà soát số lượng cán bộ dự kiến tinh giản trước 30/6

Mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng như thế nào?

Mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng như thế nào?

Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ HVAC

Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhận tài trợ HVAC

Cảnh báo tai nạn nghiêm trọng từ việc trèo lên cột điện cao thế bắt tổ chim

Cảnh báo tai nạn nghiêm trọng từ việc trèo lên cột điện cao thế bắt tổ chim

Danh sách thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025

Danh sách thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025

Thời tiết hôm nay 8/5: Tây Bắc Bộ nắng nóng gay gắt

Thời tiết hôm nay 8/5: Tây Bắc Bộ nắng nóng gay gắt

Thời tiết biển hôm nay 8/5/2025: Vịnh Bắc Bộ chuyển gió

Thời tiết biển hôm nay 8/5/2025: Vịnh Bắc Bộ chuyển gió

TP. Hồ Chí Minh ngập sắc cờ hoa trong Đại lễ Vesak

TP. Hồ Chí Minh ngập sắc cờ hoa trong Đại lễ Vesak

Bộ Y tế nói về lỗ hổng chế tài khiến thuốc giả

Bộ Y tế nói về lỗ hổng chế tài khiến thuốc giả 'nhởn nhơ'

Hạ tầng điện đồng bộ, nông thôn mới đổi thay từng ngày

Hạ tầng điện đồng bộ, nông thôn mới đổi thay từng ngày

Hành hung nhân viên y tế là không thể chấp nhận

Hành hung nhân viên y tế là không thể chấp nhận

Một biệt thự cũ đổi màu, một trung tâm báo chí bật sáng giữa Thủ đô

Một biệt thự cũ đổi màu, một trung tâm báo chí bật sáng giữa Thủ đô