Trao tặng 13.000 bản đồ Việt Nam cho các trường học trên cả nước Chiêm ngưỡng Mũi Điện có hình dáng giống bản đồ Việt Nam thu nhỏ Xôn xao ''Anh trai say hi'' sử dụng bản đồ thiếu Hoàng Sa - Trường Sa |
Biểu tượng thiêng liêng không thể để sai sót
Vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương lập biên bản xử lý một tiểu thương tại chợ Thanh Bình (phường Thanh Bình, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) vì bán áo phông in hình bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể: Ngày 1/5, người dân địa phương đã phản ánh trường hợp áo phông in bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bày bán ở chợ Thanh Bình.
![]() |
Một tiểu thương tại chợ Thanh Bình ở TP. Hải Dương bán áo phông in bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gây bức xúc dư luận (Ảnh: Báo Hải Dương). |
Sau đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với công an, Ban quản lý chợ Thanh Bình xác minh, lập biên bản và thiết lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời truy nguồn gốc số áo mà tiểu thương Mạc Văn H bán tại chợ Thanh Bình in bản đồ Việt Nam thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được nhập áo từ đâu.
Vụ việc gây bức xúc dư luận không chỉ vì hành vi sai phạm cụ thể mà còn bởi đây không phải là lần đầu tiên những lỗi nghiêm trọng như vậy xảy ra. Sai sót trong thể hiện bản đồ Việt Nam dù vô tình hay hữu ý đều là sự xâm phạm đến biểu tượng thiêng liêng của đất nước và tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về toàn vẹn chủ quyền của lãnh thổ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc, bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ có in bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hành vi vi phạm. Theo quy định tại điều 11, Nghị định số 18/2020/NĐ-CP, ngày 11/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đo đạc và bản đồ, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu đồng.
Việc đưa bản đồ Việt Nam lên tranh ảnh, sản phẩm hàng hóa, đồ lưu niệm hay vật phẩm trang trí không đơn thuần là yếu tố thẩm mỹ hay thiết kế mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa và lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.
Đó là cách thể hiện niềm tự hào về đất nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Mỗi hình ảnh bản đồ Việt Nam xuất hiện trên sản phẩm đều là một thông điệp về chủ quyền thiêng liêng của đất nước, thể hiện sự tự tôn và trách nhiệm của mỗi người dân trước sự thiêng liêng của dân tộc.
Tuy nhiên, nếu bản đồ Việt Nam được thể hiện sai khi thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì điều đó không chỉ là một sai sót kỹ thuật đơn thuần. Nguy hiểm hơn, việc nhiều lần xảy ra sai sót này có thể làm xói mòn nhận thức xã hội, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ, dẫn tới hiểu sai về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Không phải lần đầu xảy ra
Trước vụ việc tại chợ Thanh Bình, một số sự việc tương tự đã bị phát hiện cho thấy phải nêu cao trách nhiệm của tiểu thương, doanh nghiệp, người bán hàng, cơ quan quản lý chợ, quản lý thị trường…
![]() |
Đồ lưu niệm hình bản đồ thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bày bán tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh từng gây phẫn nộ dư luận sau đó đã được thu hồi (Ảnh: Báo Tuổi trẻ). |
Trước đó, tháng 4/2023, thương hiệu thời trang Yody khiến cộng đồng mạng dậy sóng khi bài viết trên website và fanpage của công ty có sử dụng bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó, thương hiệu thời trang này nhận không ít những bình luận chỉ trích, thậm chí cộng đồng mạng đòi tẩy chay Yody vì sử dụng bản đồ sai lệch chủ quyền Việt Nam. Dù hãng thời trang này đã lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn không thể kìm nén được cơn giận dữ của cộng đồng mạng.
Tiếp đó, tháng 7/2023, mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin phản ánh Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh bày bán hàng loạt đồ lưu niệm in hình bản đồ không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những thiếu sót này tưởng nhỏ nhưng gây nhiều tác hại với việc nhận thức, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không có hai quần đảo trên các sản phẩm, thậm chí chỉ là bao bì sẽ khiến nhiều du khách lầm tưởng về lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều vụ việc tương tự xảy ra trong những năm gần đây đã cho thấy một khoảng trống lớn trong khâu kiểm duyệt, giám sát và xử lý khi các đơn vị thiết kế, in ấn, sản xuất… vẫn dễ dàng lọt vấn đề này, không chỉ cứ sai là xin lỗi và chịu phạt là xong...
Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng hiện nay vẫn chưa hình thành thói quen kiểm tra kỹ nội dung in ấn trên sản phẩm. Điều tưởng như nhỏ ấy lại không hề nhỏ, bởi liên quan đến vấn đề chủ quyền thiêng liêng của đất nước, điều không thể xem nhẹ hay ứng xử một cách hời hợt, kể cả trong những lựa chọn mua sắm thường ngày.
Hoàng Sa và Trường Sa là phần máu thịt của đất nước Việt Nam. Dù là một cuốn sách, tấm bản đồ treo tường, tấm biển quảng cáo hay chiếc áo phông bình thường chỉ cần sai sót nhỏ về chủ quyền đều là điều không thể chấp nhận được… |