Thứ hai 18/11/2024 05:20

Tinh xảo kỹ thuật thêu ghép vải trổ thủng của đồng bào dân tộc Hmong trắng

Kỹ thuật thêu ghép vải trổ thủng là nét đặc trưng của các nhóm dân tộc Hmong trắng ở xã Y Tý, được sử dụng để tạo các mảng hoa văn trên trang phục truyền thống.

Xã Y Tý nằm chênh vênh trên cực Bắc huyện Bát Xát, là vùng đất xa xôi và khó khăn nhất của huyện, nơi đây quanh năm thời tiết giá rét và mây mù nhiều hơn nắng. Trong cuộc sống hàng ngày, người dân tộc thiểu sốHmong trắng ở Y Tý tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi.

Trình diễn "Kỹ năng thêu truyền thống” của người Hmong trắng ở xã Y Tý

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hmong trắng ở Y Tý gồm có áo với phần cổ hình chữ nhật được trang trí tinh xảo, quần ngắn đến bắp chân, xà cạp trơn màu đen, khăn quấn nhiều lớp trên đầu và một chiếc tạp dề. Tạp dề được trang trí rất công phu, phần chính giữa được thêu ghép vải với một tấm hoa văn to hình chữ nhật ngang và hai miếng chữ nhật nhỏ nằm dọc hai bên. Phần thắt lưng nối với tấm tạp dề có ghép mỗi bên ba ô hình vuông được thêu rất cầu kỳ bằng kỹ thuật ghép vải trổ thủng với các hoa văn đa dạng hình xoắn ốc. Xen kẽ giữa các ô vuông này là các đoạn vải trơn màu đỏ, có thêm vài đường chỉ trắng thêu theo chiều dọc.

Hoa văn truyền thống trên trang phục của người Hmong trắng ở Y Tý được sáng tạo và lấy cảm hứng từ những vật dụng quen thuộc hàng ngày như chiếc lược chải tóc, lỗ của chiếc kim khâu, con ốc sên, bông hoa hay hạt dưa… Tuy các mẫu hoa văn truyền thống này luôn có tông màu trầm, không quá sặc sỡ với những mảng màu lớn, nhưng lại có sức lôi cuốn người nhìn đặc biệt bởi các đường nét thêu vô cùng tinh xảo, cầu kỳ…

Nghệ nhân Sùng Thị Sé- Tổ trưởng Nhóm may thêu thổ cẩm của xã Y Tý trình diễn kỹ thuật thêu đắp vải trổ thủng

Tại buổi trình diễn "Kỹ năng thêu truyền thống” của người Hmong trắng ở xã Y Tý do Công ty CP doanh nghiệp xã hội Craft Link tổ chức gần đây, nghệ nhân Sùng Thị Sé- Tổ trưởng Nhóm may thêu thổ cẩm của xã Y Tý chia sẻ: Để tạo ra một sản phẩm cần 5 công đoạn: Trên nền vải sẫm màu đặt một miếng vải trắng gập cạnh và khâu cố định; lớp vải trắng được khâu cố định các đường hoa văn bằng chỉ thưa; cắt thủng các đường nét hoa văn; vén cạnh vải rồi khâu bằng các mũi chỉ ngắn, giấu thật kín; sau khi viền xong các đường hoa văn trổ thủng, dùng chỉ màu thêu các đường mắt xích đè trên nền hoa văn trắng.

Để hoàn thiện mảnh thêu, người Hmong trắng dùng chỉ trắng khâu các mũi đột nhỏ li ti ở chính giữa các nét của phần nền sẫm còn lộ ra. Màu sắc được ưa chuộng nhất ở đây là đỏ, hồng sẫm, xanh lá cây.

Thành viên mới của Nhóm may thêu thổ cẩm của xã Y Tý Hầu Thị Dài

Thời gian làm ra được một mảnh thêu rất lâu, nếu làm thường xuyên liên tục thì mất 4-5 ngày, làm tranh thủ mất cả 2 tuần mới xong”, chị Sùng Thị Sé nói.

Được biết, với sự tài trợ của Craft Link, sự hỗ trợ của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai, huyện Bát Xát và xã Y Tý, nhóm Hmong trắng ở Y Tý đã được tham gia vào một dự án phát triển hàng thủ công từ năm 2014 – 2016 nhằm cải thiện đời sống kinh tế, giữ gìn nền văn hóa truyền thống và nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Craft Link đã thực hiện các khóa tập huấn cho nhóm Hmong trắng trong các lĩnh vực: Khôi phục lại kỹ năng thêu, dạy may, dạy kỹ năng hoàn thiện sản phẩm khâu tay cho nhóm và dạy kỹ năng quản lý nhóm, quản lý sổ sách, kỹ năng tiếp thị cho Ban quản lý… Bộ sản phẩm mới được phát triển hoàn toàn dựa trên các hoa văn truyền thống trên trang phục của người Hmong tại đây và có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày…

Với sự hỗ trợ trong thiết kế của Craft Link sản phẩm của Nhóm may thêu thổ cẩm của Y Tý không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU.

Du khách thích thú với kỹ thuật thêu "khó"

Tuy vậy, theo chia sẻ của chị Sùng Thị Sé, từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát tiêu thụ sản phẩm của nhóm suy giảm rõ rệt. Nguyên do, du khách quốc tế đến với Y Tý ít hơn, tiêu thụ trong nước cũng khó khăn hơn, khiến thu nhập của thành viên trong nhóm sản xuất giảm đáng kể.

Chị cũng mong muốn, Craft Link tiếp tục hỗ trợ nhóm sản xuất quảng bá sản phẩm nhiều hơn tới người tiêu dùng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm của nhóm sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương hỗ trợ cho nhóm địa điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Y Tý.

Hải Linh
Bài viết cùng chủ đề: Dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao

Về Gia Lai xem đồng bào Bahnar thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống

Bắc Kạn: Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV - năm 2024

Huyện Quỳnh Nhai – Sơn La nỗ lực xây dựng hệ thống chợ để cải thiện đời sống người dân

Câu chuyện về nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Lai Châu: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Huyện Mai Sơn - Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cà phê bền vững

Huyện Phù Yên - Sơn La: Hiệu quả cao từ nguồn vốn giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào dân tộc

Sơn La nâng cao đời sống của người dân nhờ nguồn vốn Chương trình 1719

Sơn La phát triển mạnh du lịch, cải thiện đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số

Kon Tum: Người Xơ Đăng bảo tồn nghề đan lát truyền thống