Thương nhớ Nậm Kéng
Chúng tôi tìm về Nậm Kéng từ câu chuyện về nghề thủ công, về văn hoá độc đáo của chị Lý Thị Ngay- Tổ Trưởng tổ thêu thôn Nậm Kéng, xã Liên Minh, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai tại buổi trình diễn nghề thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Xa Phó do Công ty Cổ phần doanh nghiệp xã hội Craft Link tổ chức.
Cách thị trấn Sapa 30km về phía Nam, Nậm Kéng quanh năm khô cằn vì thiếu nước. Mỗi năm các hộ dân người dân tộc Xa Phó nơi đây chỉ trồng được duy nhất 1 vụ lúa, sau khi gặt lúa xong vào tháng 10 đàn ông trong thôn tỏa đi khắp nơi tìm việc làm, phụ nữ ở nhà. Cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn.
Đời sống của chị em phụ nữ nói riêng, đồng bào dân tộc thiểu số Xa Phó ở Nậm Kéng nói chung bắt đầu thay đổi từ năm 2013. Công ty CP doanh nghiệp xã hội Craft Link, khi đó là Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link đã phối hợp với Hội phụ nữ tỉnh Lào Cai thực hiện Dự án phát triển nghề thêu truyền thống của đồng bào Xa Phó ở thôn Nậm Kéng. Dự án nhằm hỗ trợ chị em dân tộc bản địa khôi phục lại truyền thống văn hóa, phát triển sản xuất hàng thủ công và tăng thu nhập.
Chị Lý Thị Ngay- Tổ Trưởng tổ thêu thôn Nậm Kéng hướng dẫn cho khách du lịch cách thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Xa Phó |
Chị Ngay từng chia sẻ với chúng tôi về sự đổi thay của Nậm Kéng và của chính bản thân chị từ ngày tham gia dự án. Chị nói, năm 2013 Craft Link tới với bà con đề nghị hỗ trợ khôi phục và phát triển nghề thêu truyền thống. Bản thân chị rất băn khoăn, bao đời nay chị em phụ nữ Xa Phó may áo, thêu hoa hầu hết phục vụ bản thân chưa nghĩ tới chuyện bán. Nhưng ước mong lưu truyền nghề truyền thống, hơn hết là tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho chị em trong thôn bản chị đã “liều” đồng ý và vận động bà con trong thôn tham gia.
Vượt qua thời gian bỡ ngỡ ban đầu, tay nghề của chị trong thôn dần tốt lên cùng sự hỗ trợ giới thiệu quảng bá và tiêu thụ sản phẩm từ Craft Link thu nhập từ nghề dần được cải thiện với 2-3 triệu đồng/người/tháng. “Có thêm thu nhập, cuộc sống của bà con đã đỡ vất vả hơn nhiều”, chị Ngay vui vẻ nói.
Trong hành trình từ miền xuôi lên miền ngược, chúng tôi được chị Trần Tuyết Lan- Giám đốc Craft Link chia sẻ về câu chuyện triển khai dự án tại Nậm Kéng. Theo đó, trong 2 năm đầu, Craft Link đã tiến hành thành lập nhóm sản xuất thêu truyền thống với 40 thành viên, tiến hành rất nhiều đợt tập huấn chuyên sâu, hỗ trợ cho nhóm tập trung vào phần quản lý nhóm, phát triển, hoàn thiện và giới thiệu sản phẩm để nâng cao thu nhập. Craft Link cũng đồng hành, hỗ trợ nhóm tham gia các hoạt động triển lãm hàng thủ công, nâng cao nhận thức của công chúng về nhóm dân tộc thiểu số này thông qua hoạt động tuyên truyền về những nét văn hóa đặc sắc, cũng như sản phẩm của nhóm tới đông đảo công chúng.
Sau khi kết thúc dự án, hoạt động hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số Xa Phó vẫn tiếp tục được Craft Link triển khai. Ngoài việc hỗ trợ tham gia hội chợ hàng thủ công hàng năm, Craft Link còn hỗ trợ nhóm sản xuất thông qua phần phát triển và giới thiệu sản phẩm từ xa.
Đặc biệt, sản phẩm làm ra của bà con ngoài được tiêu thụ tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở địa phương, Craft Link còn hỗ trợ tiêu thụ tại hệ thống đại lý ở các sân bay quốc tế, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các điểm du lịch. Đồng thời, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Nói về kết quả sau thời gian dài đồng hành cùng bà con dân tộc Xa Phó khôi phục nghề truyền thống, chị Lan cho rằng, cùng với cải thiện về điều kiện kinh tế, nhận thức của chị em phụ nữ dân tộc Xa Phó đã thay đổi tích cực. Đầu tiên, họ hiểu, tôn trọng, yêu hơn và mong muốn gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống người Xa Phó cho thế hệ mai sau.
Buổi trình diễn nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Xa Phó do Craft Link tổ chức |
Nhưng đáng kể nhất là thay đổi về vị trí của phụ nữ trong cộng đồng dân cư thôn, xã vai trò và tiếng nói của chị em trong xã hội có trọng lượng hơn. Chị em nhanh nhẹn hơn, có thể tự lập, tự tin điều hành các hoạt động sản xuất, giao lưu, giới thiệu sản phẩm và có quan hệ xã hội sâu rộng.
“Sau hơn 10 năm triển khai, vượt qua những khó khăn thách thức ban đầu, Dự án phát triển nghề thêu truyền thống của đồng bào Xa Phó đã đạt được những kết quả đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Xa Phó ở Nậm Kéng đã thay đổi, ngày một tốt hơn. Niềm vui đó không gì sánh được”, chị Lan bày tỏ.
Sự thành công của dự án, những thay đổi tích cực của đồng bào dân tộc Xa Phó ở Nậm Kéng có sự góp sức lớn của chính quyền địa phương. Mỗi khi các tư vấn viên của Craft Link không thể xuống tận thôn hướng dẫn bà con, chính quyền xã, thành viên Hội phụ nữ xã làm thay vai trò hướng dẫn cho bà con cách ghi sổ sách, quản lý nhóm và giới thiệu sản phẩm.
Trong thời gian ngắn ngủi, chúng tôi không thể nán lại lâu để nghe để thấm hết câu chuyện vượt lên định kiến xã hội, vượt lên chính bản thân mình của chị em đồng bào dân tộc Xa Phó. Chúng tôi cũng chưa kịp “mắt thấy tai nghe” hết cách marketing sản phẩm của các chị với du khách bằng chính câu chuyện về văn hoá về tình yêu với đất và người Nậm Kéng. Đó là niềm tiếc nuối cũng là lý do để chúng tôi trở lại Nậm Kéng một ngày không xa.