Báo cáo kết quả giám sát chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2012 - 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế các khu vực này đạt khá cao. Bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, các tỉnh Tây Nguyên tăng 8,1%, các tỉnh vùng Tây Nam bộ tăng 7,3%. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện: 98,4% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, trên 98% đồng bào được sử dụng điện lưới quốc gia, 100 xã có trường mầm non, cùng với đó là hơn 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư xây dựng trên các địa bàn khó khăn. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi đã giảm rõ rệt, nhất là hộ đồng bào DTTS - giảm 3,5%/năm.
Giảm nghèo bền vững tiếp tục là mục tiêu cần giải quyết ở vùng DTTS và miền núi |
Kết quả đã thấy rõ, tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Tỷ lệ nghèo giữa người Kinh và người DTTS đang có sự chênh lệch lớn. Đặc biệt, tỷ lệ tái nghèo trong đồng bào DTTS tại nhiều địa phương ở Tây Bắc khá cao, có nơi lên tới 26,8%.
Giám sát của Hội đồng dân tộc và các cơ quan của Quốc hội cho thấy, hiện có 118 chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi đang có hiệu lực. Trong đó có 16 chính sách quy định cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; 18 chính sách quy định cho người DTTS, người công tác tại vùng DTTS và miền núi, đặc biệt khó khăn; 9 chính sách quy định trực tiếp cho người DTTS, còn 11 chính sách chung cho mọi đối tượng trong cả nước và 64 chính sách áp dụng cho toàn quốc hoặc phạm vi vùng.
Chính sách có bao trùm lên nhiều lĩnh vực như vậy, tại sao phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đến nay lại đạt kết quả không như kỳ vọng? Trả lời cho câu hỏi này, nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính là do các chính sách được ban hành đang chồng chéo, phân tán và thiếu tính hệ thống.
“Không chỉ có việc lồng ghép chính sách chưa hiệu quả, việc phối hợp liên ngành chưa đảm bảo; mà chất lượng chính sách cũng đang có nhiều bất cập. Có nhiều chính sách manh mún, nhỏ lẻ, dàn trải, trùng lặp nên hiệu quả không cao. Đáng lưu ý là, có những chính sách chỉ phù hợp với địa phương này, dân tộc này nhưng lại dùng chung cho tất cả các dân tộc, ở các địa phương” – bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi “thường xuyên thiếu và chậm so với nhu cầu” đã và đang là một thực tế nhức nhối kéo dài từ năm này sang năm khác. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều dự án, công trình đầu tư ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn rơi vào cảnh dở dang, đầu voi đuôi chuột… Căn nguyên dẫn đến tình trạng này là do “ngân sách không đi kèm chính sách”. Chính sách được xây dựng quy mô nhưng lại không có đủ ngân sách để thực hiện. Chính vì vậy, đa số các đại biểu đều thống nhất, tới đây, phải tích hợp chính sách theo hướng thu gọn đầu mối quản lý để tập trung nguồn lực.
Tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho vùng DTTS và miền núi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tới đây Quốc hội sẽ phê duyệt Đề án tổng thể về chính sách đối với đồng bào DTTS trên cơ sở tích hợp lại hệ thống chính sách hiện có. “118 chính sách đang có rải rác ở nhiều chương trình khác nhau, việc tích hợp để nâng cao hiệu quả là hết sức cần thiết. Quốc hội được Hiến pháp quy định quyết định chính sách dân tộc, nhưng chúng ta chưa có Luật Dân tộc nên Quốc hội sẽ phải có Nghị quyết phê chuẩn, ban hành chính sách. Trong đó, Quốc hội sẽ tập trung bố trí nguồn lực thực hiện, thống nhất một đầu mối quản lý và giám sát việc tổ chức thực hiện” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.