Tết Té nước của dân tộc Lào là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên |
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện cùng đông đảo nhân dân đã tham dự.
Tết Té nước là lễ tết truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn bản Na Sang 1. Từ năm 2015, Tết Té nước đã được cộng đồng bản Na Sang 1 tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào (từ ngày 14/4 đến ngày 16/4 dương lịch).
Ngày 11/9/2017, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL công nhận Tết Té nước (Bun Huột Nặm) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia loại hình lễ hội truyền thống.
Ông Hà Văn Phiêng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên cho biết Tết Té nước của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn, cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần.
Đây là lễ hội và cũng là tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh.
Bà con không chỉ làm lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn trong năm qua mà còn cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an năm mới. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc.
Việc công nhận Tết Té nước là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tiền đề để xã Núa Ngam nói chung, bản Na Sang 1 nói riêng phát huy tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
Tết Té nước diễn ra với các hoạt động chính như cúng bản, cúng tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu và có ý nghĩa là để tẩy rửa những điều không may trong năm cũ.
Đây còn là dịp để dân bản thể hiện những trò chơi dân gian, những điệu dân vũ truyền thống và đặc biệt là tục té nước của dân tộc Lào.
Hòa chung vào Tết Té nước, người dân và du khách được hòa mình trong những nghi thức truyền thống của người Lào tại bản Na Sang 1.
Từ nghi thức trong lễ cắm bản với những vật hiến sinh như gà, lợn… đến chuẩn bị mâm lễ đặt trong miếu thờ để cúng tế thần linh. Sau lễ cúng, mọi người quây quần, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp.
Trong những ngày diễn ra Tết Té nước, du khách cùng với dân bản còn tham gia các trò chơi dân gian bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất...