Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch Thành Nhà Hồ

Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ không chỉ là niềm tự hào của xứ Thanh mà còn là điểm đến hấp dẫn, gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch.
Nhiều phát hiện mới về kỹ thuật ghép đá khi khai quật Di sản Thành Nhà Hồ Đưa du lịch Thanh Hóa trở thành du lịch bốn mùa Thành Nhà Hồ – di sản trường tồn cùng thời gian

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2011 đã khẳng định tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản độc đáo này. Đây không chỉ là niềm tự hào của Thanh Hoá mà còn của cả nước trong dòng chảy lịch sử, văn hoá của dân tộc.

Ngay sau khi di sản được UNESCO vinh danh, tỉnh Thanh Hoá đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng và thực hiện những nhiệm vụ mang tính chiến lược trong công tác quản lý và bảo tồn khu di sản này. Trong đó nhiệm vụ xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

di sản thế giới thành nhà hồ
Thành Nhà Hồ, Di sản Văn hóa thế giới. Ảnh: Đình Minh

Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương: Phạm vi và quy mô lập quy hoạch di sản được xác định trên diện tích 5.078,5 ha, gồm vùng lõi và vùng đệm. Trong đó, vùng lõi rộng 155,5 ha gồm 03 hợp phần của khu di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là: Thành Nội, La Thành và đàn tế Nam Giao.

Vùng đệm rộng 4.923 ha bao gồm: Di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các công trình tôn giáo tín ngưỡng (gồm khu vực bảo vệ I và II) rộng 54,87 ha (trong đó Lý Cung chiếm diện tích 4,03 ha); khu vực cảnh quan đồi, núi, sông hồ có mối quan hệ với di sản thế giới Thành Nhà Hồ; khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch; thị trấn Vĩnh Lộc; làng xã và đồng ruộng, tổng diện tích 4.868,13 ha.

di sản thế giới thành nhà hồ
Hoạt động khảo cổ học tại Thành Nhà Hồ trong thời gian vừa qua đã thu được những thành tựu vô cùng rực rỡ, minh chứng mạnh mẽ tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

Đến nay, quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch hiện đang được gấp rút triển khai thực hiện theo đúng tinh thần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 11/10/2021 Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá cũng đã ban hành nghị quyết số 158/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi, một số hạng mục công trình thuộc khu vực thành nội di sản thế giới Thành Nhà Hồ (nhóm dự án số 3, giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư trên 745 tỷ, giai đoạn 2022 - 2025.

“Điều này thể hiện sự quan tâm đầu tư về nguồn lực và cơ chế chính sách của tỉnh Thanh Hoá trong triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể, cũng đồng thời góp phần thực hiện các cam kết với UNESCO trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ mà UBND tỉnh Thanh Hoá đang nỗ lực thực hiện”, ông Trịnh Hữu Anh chia sẻ.

Hiệu quả từ đổi mới trải nghiệm tham quan Thành Nhà Hồ

Thời gian qua, song song với công tác quản lý, nghiên cứu, khai quật và bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, công tác phát huy giá trị khu di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế đã được tỉnh Thanh Hóa, các ngành chức năng chú trọng, thực hiện hiệu quả.

di sản thế giới thành nhà hồ
Du khách tham quan Thành Nhà Hồ trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

Mỗi năm, di sản đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến thăm, đối tượng du khách cũng đa dạng, phong phú hơn, không chỉ có đối tượng khách nội tỉnh, ngoại tỉnh mà khách quốc tế ngày càng tăng.

Xuất phát từ nhu cầu thiết thực cần được đổi mới các sản phẩm du lịch để hài lòng khách tham quan, du lịch Thành Nhà Hồ đã có rất nhiều những đổi mới, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan khi đến với di sản. Nhiều sản phẩm du lịch mới được triển khai và nhận được phản hồi tích cực từ du khách.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã đưa vào khai thác trưng bày “không gian văn hoá nông nghiệp vùng Tây Đô”, với mục đích trưng bày và giới thiệu đến công chúng, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về nông cụ canh tác truyền thống, về đời sống mộc mạc chân chất, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người nông dân, chứa đựng những nét sinh hoạt văn hoá dung dị, thuần phát của con người, của làng quê Việt Nam. Qua đó, góp phần chung tay gìn giữ những giá trị di sản văn hoá vật chất, tinh thần và những tinh hoa của tiền nhân.

di sản thế giới thành nhà hồ
Thế hệ trẻ có thêm cơ hội được tìm hiểu các nông cụ truyền thống của cha ông. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

Ngoài phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến vương triều Hồ, cuộc khai quật, khảo cổ học trong khu vực nội thành Thành Nhà Hồ đã có được nhiều kết quả quan trọng, góp phần minh chứng giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Những hiện vật thu được từ cuộc khai quật, khảo cổ học đã tự mình nói lên câu chuyện văn hoá của nhiều triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử tồn tại và phát triển của kinh thành Tây Đô.

Để tiếp nối và phát huy những giá trị bất biến từ những hiện vật khai quật được, đồng thời đem những giá trị đó đến gần hơn với cộng đồng và công chúng, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã đưa vào khai thác “không gian trưng bày hiện vật ngoài trời”, trưng bày “mô hình súng thần công và những cải cách của triều Hồ”, khai thác “không gian trưng bày đá xây thành” làm điểm check in mới tại Cổng Nam.

Đặc biệt, khi đến thăm di sản Thành Nhà Hồ du khách được lựa chọn các tuyến điểm tham quan mới bằng dịch vụ xe điện.

di sản thế giới thành nhà hồ
Du khách được các hướng dẫn viên thuyết trình về các hiện vật quý tại Thành Nhà Hồ. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

Hiện nay, Trung tâm đã và đang đưa các di tích phụ cận trong vùng đệm vào chương trình tham quan tại Di sản với việc xây dựng 4 tuyến tham quan như: Tuyến 1: Thành Nhà Hồ - Về miền Di sản; Tuyến 2: Thành Nhà Hồ - Và các làng truyền thống; Tuyến 3: Thành Nhà Hồ - Tâm linh vùng đệm; Tuyến 4: Thành Nhà Hồ - Di tích và thắng cảnh vùng đệm.

“Đây là khu vực chứa đựng tất cả các yếu tố văn hóa, góp phần tạo nên tính hoàn chỉnh cho một kinh thành, với các công trình tín ngưỡng, đình miếu, các ngôi làng truyền thống, những con đường cổ, khu chợ, bến sông, các thắng tích gắn liền với những câu chuyện lịch sử, dã sử, các thắng cảnh thiên nhiên nước lạc non bồng... từ đó giúp du khách có cái nhìn trực quan nhất về đất và con người Tây Đô”, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ Trịnh Hữu Anh chia sẻ.

di sản thế giới thành nhà hồ
Nhiều đổi mới trong hoạt động du lịch tại Thành Nhà Hồ đã mang lại những kết quả tích cực, được du khách đánh giá cao. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

Thực tế cho thấy, việc đổi mới đa dạng hoá các tuyến tham quan gắn với đặc trưng của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ thời gian qua đã thu được nhiều thành công bước đầu, góp phần làm thay đổi về cơ bản nhận thức của du khách và cộng đồng địa phương khi đến tham quan.

Tại đây, du khách được trải nghiệm nhiều không gian văn hóa đa dạng qua các sản phẩm trưng bày hiện vật, mô hình trưng bày khảo cổ học gắn với đặc trưng văn hóa của khu di sản. Các tuyến tham quan không ngừng được mở rộng và tăng cường đến các điểm di tích, danh thắng, các làng truyền thống trong khu vực di sản.

Bên cạnh đó tư duy, nhận thức và trình độ chuyên môn của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của Di sản được nâng cao đã đem lại sự hài lòng cho công chúng khi được đón tiếp, phục vụ chu đáo khi đến tham quan và trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại di sản.

Những nỗ lực và đổi mới sáng tạo của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản thời gian qua đã đem lại những hiệu quả vô cùng thiết thực. UNESCO đánh giá cao công tác bảo tồn di sản tại các kỳ họp thường niên; cộng đồng dân cư địa phương và du khách có đánh giá và phản hồi tích cực về những hoạt động du lịch đổi mới tại di sản.
Quốc Huy
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Thanh Hóa