“Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19”
Theo đó, trong Tháng hành động, thay vì tổ chức các sự kiện trực tiếp và đông người, để đảm bảo phòng, chống COVID-19, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đề nghị các địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng và trên nền tảng mạng xã hội; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên môn và khoa học về HIV/AIDS theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp.
Tư vấn, hướng dẫn để bảo đảm người nhiễm HIV được điều trị liên tục trong thời điểm COVID-19 diễn biến phức tạp |
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí, cộng tác viên về phòng, chống HIV/AIDS về tình hình dịch của địa phương, các mô hình, sáng kiến và các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - nhất là các sáng kiến để vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19.
Căn cứ vào tình hình thực tế và chức năng nhiệm vụ, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như: Xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo của diễn biến dịch COVID-19 để bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS - nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc phong tỏa do dịch COVID-19.
Đồng thời, mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; cấp phát Methadone nhiều ngày; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các chuyến giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS… phù hợp với hoàn cảnh thực tế của cơ quan, địa phương trong tình hình bối cảnh dịch COVID-19.