“Sổ tay” 10 cảnh báo với sinh viên để tránh bẫy đa cấp bất chính tại Việt Nam
Dấu hiệu “cảnh báo” đa cấp bất chính
Nhiều kiến thức bổ ích và bài học cảnh giác được đưa ra nhằm tránh bẫy đa cấp bất chính tại hội thảo tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các trường đại học diễn ra tối 15/12 tại ký túc xã Mễ Trì - Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam - Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng - Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sinh viên - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Các đại biểu thảo luận và cung cấp kiến thức về kinh doanh đa cấp và dấu hiệu nhận biết kinh doanh đa cấp bất chính cho sinh viên |
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam cho biết: Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi sự kiện nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các trường đại học cho sinh viên. Chuỗi sự kiện sẽ được tổ chức tại các trường đại học trên cả nước trong giai đoạn 2022-2024. Ông Nguyễn Phan Huy Khôi cũng nhận định, sinh viên là những lớp người trẻ, chưa có nhiều kiến thức và định hướng, lại dễ bị lôi kéo, dụ dỗ bởi những hoạt động biến tướng, trái pháp luật, nhất là hoạt động đa cấp bất chính.
Chính vì vậy, thông qua chuỗi các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp mong sinh viên được tiếp cận thông tin pháp lý về bán hàng đa cấp và bảo vệ người tiêu dùng, từ đó giúp các em biết tự bảo vệ bản thân và góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong toàn xã hội.
Tại hội thảo, ông Phạm Văn Cao - Phó Trưởng phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng - Bộ Công Thương đã đưa ra một số dấu hiệu “cảnh báo” đa cấp bất chính như đối với sinh viên như: Phải đặt cọc tiền; phải nộp tiền tham gia; bắt buộc mua hàng; chỉ tuyển dụng, không bán hàng hoặc bán hàng không có giá trị thực; trả tiền tuyển dụng; nói quá về sản phẩm; nói quá về cơ hội làm giàu; không được trả lại hàng…
Một số đa cấp bất chính thường hoạt động theo hình thức cho đăng ký nhiều mã số, ký nhiều hợp đồng, cho mượn căn cước công dân để ký hợp đồng; hướng dẫn cách vay mượn, cầm cố tài sản…
Bên cạnh đó, ông Cao cũng cảnh báo thêm: Hầu hết các hoạt động đa cấp bất chính thường không hoạt động minh bạch, biểu hiện cụ thể như không có giấy tờ rõ ràng như hợp đồng, hóa đơn, biên lai; không có website chính thức; không có hệ thống quản lý bằng tài khoản đăng nhập; các giao dịch thường được nộp tiền qua tài khoản cá nhân và không trả tiền qua tài khoản…
Chuỗi sự kiện nhằm nâng cao kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các trường đại học cho sinh viên sẽ được tổ chức tại các trường đại học trên cả nước trong giai đoạn 2022-2024 |
Ông Phạm Văn Cao đưa ra một ví dụ cảnh báo về “bẫy” đa cấp như ứng dụng MyAladdinz trên nền tảng điện thoại thông minh. Ứng dụng được giới thiệu là có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… và có thể hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn.
Người tham gia phải nạp tiền vào tài khoản của mình ít nhất 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng. Số tiền sau khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng với 1 USD.
Người dùng khi thanh toán hóa đơn bằng "gem" sẽ được ứng dụng Myaladdinz này hoàn trả 80% "gem" khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền.
Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp.
Ông Cao cho biết, bản chất ứng dụng Myaladdinz không có bất cứ hoạt động sản xuất kinh doanh nào để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng. Thực chất là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước. Khi không có người tham gia nữa thì hệ thống sẽ sụp.
Từ thực tế này, ông Phạm Văn Cao cũng đưa ra một số cảnh báo với các bạn sinh viên một số dấu hiệu để nhận biết đa cấp có minh bạch hay không như: Có website chính thức không? Thông tin trên website có giống thông tin giới thiệu? Có hóa đơn chứng từ không? Chi trả qua tài khoản ngân hàng không? Có thu tiền qua tài khoản cá nhân không? Nếu công ty đa cấp đó bán sản phẩm, thì cần phải tìm hiểu xem đó là sản phẩm gì, có giấy tờ lưu hành sản phẩm hay không?...
“Sổ tay” 10 cảnh báo với sinh viên để tránh bẫy đa cấp bất chính
Ông Nguyễn Phương Sơn - Trưởng ban Truyền thông và Đối ngoại - Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đưa ra cảnh báo: Sinh viên cần hết sức cẩn trọng với các hoạt động đầu tư tiền, kinh doanh tiền ảo, dịch vụ, bất động sản, dịch vụ giáo dục, thương mại điện tử lợi dụng mô hình đa cấp... vì nguy cơ vướng vào đa cấp bất chính của những mô hình này rất cao |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Sơn - Trưởng ban Truyền thông và Đối ngoại - Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam đã chia sẻ “sổ tay” 10 điều cần biết với sinh viên về kinh doanh đa cấp và để tránh đa cấp bất chính tại Việt Nam.
Thứ nhất, ông Sơn đưa ra lời khuyên, với sinh viên, ưu tiên số một vẫn là việc học. Việc tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp chỉ là cơ hội kiếm thêm thu nhập chứ không được đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, các bạn sinh viên chỉ nên tham gia vào các công ty đa cấp đã được Bộ Công Thương cấp phép và sau khi đã tìm hiểu những thông tin chính thống và được kiểm chứng về tính hợp pháp, chương trình trả thưởng và đọc kỹ các điều khoản hợp đồng. Các điều khoản này được công khai trên trang web của Cục Cạnh tranh và bảo vệ Người tiêu dùng cũng như trang web của chính công ty đó.
Thứ ba là đối với kinh doanh đa cấp chân chính, việc ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp và tham gia là hoàn toàn tự nguyện và không phải trả bất cứ một chi phí nào. Khi tham gia rồi, nhà phân phối hoàn toàn có thể có quyền chọn lựa có hoặc không thực hiện kinh doanh và mua bán hàng hóa.
Thứ tư, ông Nguyễn Phương Sơn cũng lưu ý: nếu đã mua hàng hóa thì có thể hoàn trả trong thời gian công ty đa cấp đã đăng ký với Bộ Công Thương kể từ ngày xuất hóa đơn VAT để lấy lại tiền (có trừ thuế hoặc khuyến mại nếu có) hoặc đổi các hàng hóa tương đương.
Thứ năm là tất cả hàng hóa kinh doanh phải là sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được các cơ quan Nhà nước cấp phép lưu hành và cấp giấy phép quảng cáo như là “thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…”
Thứ sáu là đối với tất cả các công ty kinh doanh đa cấp chân chính và được cấp phép hiện nay, nếu muốn có thu nhập và thu nhập tốt, nhà phân phối phải làm việc chăm chỉ trong việc bán hàng, không có chuyện không làm gì mà có thu nhập.
Thứ bảy là nhà phân phối chỉ có thu nhập (hoa hồng) phụ thuộc trực tiếp vào việc bán được sản phẩm thực tế đến tay người tiêu dùng
Thứ tám, ông Sơn cũng đưa ra lời khuyên thiết thực đối với các bạn sinh viên: hãy tham gia các công ty có chương trình đào tạo nhà phân phối tốt. Muốn thực hiện chức năng bán hàng một cách tốt nhất, doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần phải đào tạo kỹ càng cho nhà phân phối của mình để họ hiểu về sản phẩm và có kỹ năng bán hàng tốt.
Thứ chín, ông Sơn cũng đưa ra dấu hiệu nhận biết: Chương trình trả thưởng là tài liệu quan trọng nhất để phân biệt đa cấp bất chính. Nếu công ty nào không có chương trình trả thưởng rõ ràng hoặc không trả thưởng như cam kết là có dấu hiệu bất chính.
Ông Sơn đưa ra ví dụ, đơn cử như Amway Việt Nam, công ty đã đầu tư rất lớn cho trang thông tin điện tử của mình. Trên hệ thống này, mỗi nhà phân phối sẽ có mã số để vào trang thông tin, để có thể tự tra được hoa hồng của mình hàng tháng, xem công ty trả có đúng theo quy định ko, nếu ko đúng có thể khiếu nại. Bên cạnh đó, máy chủ của Amway Việt Nam được đặt tại Việt Nam, do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng kiểm tra hoạt động của công ty. Khi vào máy chủ, sẽ thấy được tất cả các thông tin của người tham gia rất minh bạch như thông tin về nhà phân phối, hoa hồng, danh hiệu, lịch sử mua hàng; mã số thành viên, ngày gia nhập, trạng thái, chứng minh thư, căn cước công dân, số điện thoại, nhà phân phối; hệ thống tuyến bảo trợ, trường thông tin về mã số thành viên…
Thứ mười, ông Sơn cũng đưa ra cảnh báo, sinh viên cần hết sức cẩn trọng với các hoạt động đầu tư tiền, kinh doanh tiền ảo, dịch vụ, bất động sản, dịch vụ giáo dục, thương mại điện tử lợi dụng mô hình đa cấp… rầm rộ trên các mạng xã hội hiện nay, vì nguy cơ vướng vào đa cấp bất chính đối với các mô hình này rất cao.
Nếu phát hiện ra bất kỳ một hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép nào, người dân cần thu thập chứng cứ, lên hệ cơ quan có thẩm quyền như lực lượng công an, quản lý thị trường, Sở Công Thương, Bộ Công Thương và đặc biệt là số hotline của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng 1800-6838. |