Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị như vậy tại Đại hội Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, nhiệm kỳ III (2019 - 2024), diễn ra chiều ngày 27/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam |
Bán hàng đa cấp là một trong những hình thức bán hàng tiên tiến của các nước trên thế giới hiện nay, song tại Việt Nam BHĐC vẫn là hình thức kinh doanh mới và nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước. Cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động BHĐC nhằm tạo điều kiện cho ngành này phát triển.
Bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch MLMA, nhiệm kỳ II (2014-2019) – cho biết, MLMA đã có nhiều nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến giá trị của ngành BHĐC.
Song song đó, MLMA cũng tích cực phối hợp với cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời tiếp nhận những phản ánh tiêu cực, cũng như có biện pháp xử lý hiệu quả, nâng cao hiểu biết về ngành BHĐC.
Theo bà Trương Thị Nhi, MLMA hoạt động với phương châm là cầu nối và góp tiếng nói của Hội viên MLMA đến cơ quan quản lý nhà nước. Trong nhiệm kỳ qua, hiệp hội đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên, tuy nhiên vận còn nhiều rào cản khách quan. Do đó mục tiêu của nhiệm kỳ III (2019 - 2024) là tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và phát triển chuyên nghiệp ngành BHĐC Việt Nam trong giai đoạn mới.
Để đạt được những mục tiêu này, MLMA chủ động nắm bắt và đóng góp ý kiến về cơ chế chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội và thiện nguyện trong việc chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phát biểu tại Đại hội MLMA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, nhiệm kỳ vừa qua của MLMA là nhiệm kỳ đầy khó khăn và thách thức. Chỉ sau 2 năm ra mắt, vào cuối năm 2016, ban chấp hành nhiệm kỳ 2 của Hiệp hội đã phải chứng kiến một số vụ việc BHĐC bất chính xảy ra khiến lòng tin của xã hội và người tiêu dùng đối với hoạt động BHĐC nói chung và người tham gia BHĐC nói riêng. Các cơ quan nhà nước, bao gồm cả Quốc hội, đã phải vào cuộc để lặp lại trật tự trên thị trường đặc thù này.
Bà Trương Thị Nhi (đứng giữa) tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, nhiệm kỳ III (2019-2024) |
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, đến nay, nhờ những nỗ lực to lớn của Quốc hội, những động thái quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự hợp tác của MLMA, tình hình đã có sự cải thiện đáng kể. Theo đó, số lượng các DN BHĐC, qua thanh lọc, chỉ còn lại khoảng 1/3. Hoạt động BHĐC trở nên quy củ và tuân thủ pháp luật hơn. Dù số lượng DN tham gia BHĐC giảm rất mạnh nhưng doanh số và thu nhập của người tham gia BHĐC không giảm, thậm chí tăng, cho thấy hoạt động BHĐC chính thống, đúng nghĩa, đã vượt qua được giai đoạn khó khăn và đang dần lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, thách thức vẫn còn và rất lớn. Các hoạt động BHĐC bất chính đây đó vẫn rải rác xuất hiện, gây ảnh hưởng khống chỉ tới xã hội, người dân mà còn cả các DN BHĐC và người tham gia BHĐC chân chính.
Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ BHĐC chính thống bằng việc liên tục hoàn thiện môi trường pháp lý và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thậm chí là khởi tố, truy tố những người làm ăn bất chính nhưng bên cạnh Nhà nước, Hiệp hội cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, MLMA với tư cách là một tổ chức chung của các DN BHĐC, là nơi tập trung tiêng nói của các DN BHĐC, cần tích cực chung tay với Nhà nước trong công cuộc đấu tranh chống lại các hành vi đa cấp bất chính.
Thứ trưởng Bộ Công Thương kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, MLMA sẽ đưa ra những định hướng và giải pháp phát triển hoạt động kinh doanh ngành bán hàng đa cấp.
Để làm được điều đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị, MLMA, DN tuyệt đối tuân thủ pháp luật về BHĐC, từ việc thành lập hệ thống, bao gồm cả hệ thống công nghệ thông tin, cho tới việc ký hợp đồng với người tham gia BHĐC và nghiêm túc thông báo hoạt động BHĐC tới chính quyền địa phương.
Đặc biệt, DN BHĐC phải quảng cáo trung thực về sản phẩm, đừng cố gán cho sản phẩm những tác dụng mà chúng không hề có và cũng đừng "chơi chữ" trong quảng cáo để làm người tiêu dùng hiểu nhầm. Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mại và chi trả hoa hồng cũng cần được thực hiện theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, DN cần xem công tác đào tạo về pháp luật, sản phẩm, đạo đức nghề nghiệp... là chìa khóa giúp xã hội nhận diện những DN kinh doanh chân chính. Song song đó, DN cần chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm như đã đăng ký và sự hợp lý giá bán tương đồng với giá trị sản phẩm. DN không vì chạy đua doanh số, trả hoa hồng cao để nâng giá sản phẩm vượt quá giá trị thật, điều này sơm hay muộn cũng làm hại uy tín của DN...
“MLMA cần là cầu nối giữa các DN BHĐC chính thống với Nhà nước, từ thực tiễn kinh doanh góp ý với Nhà nước để liên tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Đồng thời tham gia tuyên truyền, phổ biến thông tin để giúp người dân hiểu rõ sự khác biệt giữa BHĐC chính thống với các mô hình ponzi bất chính” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh mong muốn.
Tại Đại hội MLMA, nhiệm kỳ III (2019 - 2024) đã bầu ra Ban chấp hành gồm 7 thành viên. Đồng thời, Ban chấp hành đã tiến hành họp Hội nghị lần thứ nhất bầu ra Ban thường vụ gồm 3 người, trong đó bà Trương Thị Nhi tái đắc cử Chủ tịch MLMA.