Bán hàng đa cấp - mô hình dễ bị lợi dụng, biến tướng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Đa cấp trái phép thường đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân |
Sáng ngày 25/9/2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và UBND huyện Quảng Xương tổ chức Hội nghị tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn huyện Quảng Xương.
Toàn cảnh Hội nghị tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại huyện Quảng Xương. Ảnh: Quốc Huy |
Tham dự hội nghị có Báo cáo viên của các đơn vị: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Sở Công Thương; lãnh đạo UBND huyện Quảng Xương, Công an huyện, Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục thuế huyện Quảng Xương; đại diện lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; đại diện Ban Quản lý, tiểu thương tại các chợ và đông đảo các tầng lớp Nhân dân tại địa phương.
Theo tài liệu của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, các hình thức dễ bị nhầm lẫn với hình thức kinh doanh đa cấp theo quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP như: Kinh doanh bảo hiểm; tiếp thị liên kết - Affiliate marketing; bán hàng theo hình thức hội chợ, hội thảo tại các vùng nông thôn; hoạt động “thổi giá”, “làm giá ảo” với các sản phẩm.
Ông Lê Trọng Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy |
Xu hướng của các hoạt động biến tướng này cũng đã vạch trần, cụ thể: Về sản phẩm đầu tư, trước đây chỉ là hàng hóa hay các sản phẩm hữu hình khác thì nay sản phẩm đầu tư đó là đầu tư: Sản phẩm công nghệ; giao dịch ngoại hối; phát triển ứng dụng điện tử; phát triển tiền ảo, tài sản ảo…
Về phương thức kêu gọi, ngoài phương thức tụ tập đông người qua các chương trình hội nghị hội thảo hay sự kiện lớn, thì hiện nay các đối tượng này còn được hỗ trợ bởi các công cụ Internet như: Kênh, mạng xã hội; ứng dụng di động… Về kênh thanh toán, ngoài việc giao dịch tiền mặt, giấy viết tay hiện nay các đối tượng này còn có nhiều kênh thanh toán khác như: Chuyển khoản qua ngân hàng, chuyển tiền qua các phương tiện được gọi là “ví tiền ảo” hay “ví tiền điện tử”…
Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy |
Các đối tượng sẽ “dụ dỗ con mồi” thông qua những lời quảng cáo có cánh, thông qua những người dẫn dắt, “chim mồi” hay những người tham gia; để rồi hậu quả nhận lại là gia đình tan nát, tiền mất tật mang.
Ông Đỗ Gia Vinh, Phó trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể để phối hợp xử lý các hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Cũng như đưa ra những khuyến cáo đối với người dân cần phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “xuống tiền” đầu tư vào bất kỳ một hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp nào.
Ông Đỗ Gia Vinh, Phó trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đưa ra các dấu hiệu, giải pháp để giải quyết tình trạng đa cấp trái phép. Ảnh: Quốc Huy |
Trong phần trình bày của mình tại hội nghị, báo cáo viên Đỗ Thị Huyền, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số biểu hiện của bán hàng đa cấp bất chính như lừa đảo chiếm dụng vốn, bán hàng đa cấp biến tướng, biến tướng từ các nhà phân phối.
Theo báo cáo viên Đỗ Thị Huyền, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thực hiện những hành vi như: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.
Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp…
Báo cáo viên Đỗ Thị Huyền - Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy |
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp, chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tiếp tay cho hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính. Các cơ quan quản lý ở địa phương phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trên từng địa bàn, hạn chế tối đa môi trường hoạt động của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính, trái phép.
Đồng thời, cần đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân. Khi hiểu biết của người dân được nâng cao thì các hoạt động lừa đảo sẽ không còn có cơ hội tồn tại, phát triển.
Đặc biệt tại Hội nghị, Thiếu tá Lê Ngọc Thạch, cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số ví dụ về kinh doanh đa cấp, các hình thức đa cấp, lừa đảo thông qua sàn giao dịch tiền ảo, các trang web, ứng dụng công nghệ và cả buôn bán thực phẩm chức năng.
Thiếu tá Lê Ngọc Thạch, cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra một số ví dụ về kinh doanh đa cấp trái phép. Ảnh: Quốc Huy |
Theo Thiếu tá Phạm Ngọc Thạch, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện đang nổi lên mô hình của Công ty Heygen, người dân cần lưu ý và hết sức tỉnh táo khi tham gia hoạt động của đơn vị này.
Để tham gia vào hệ thống của Heygen, người tiêu dùng phải đóng trước bước đầu là 3 triệu đồng với trả thưởng như sau: Ngày thứ nhất đến ngày thứ 3 được trả 0,5%, ngày thứ 4 đến ngày thứ 9 được trả 1%, ngày thứ 10 đến ngày thứ 22 được trả 2%, ngày thứ 23 đến ngày 46 được trả 4% và từ ngày thứ 47 trở đi được trả 1%.
Khi tham gia vào hệ thống thì người đầu tư sẽ được cấp 1 mã mời riêng của mình, nếu kêu gọi được người khác tham gia trực tiếp vào hệ thống của mình thì sẽ trở thành F0, người được mời sẽ trở thành F1.
Mô hình trên được thành thành 10 cấp trả thưởng “khủng”, cụ thể: F0 được hưởng 100% lợi nhuận từ F1, F0 được hưởng 50% lợi nhuận từ cấp F2, F0 được hưởng 30% lợi nhuận từ cấp F3, F0 được hưởng 10% lợi nhuận từ cấp F4 đến cấp F6 và được hưởng 3% lợi nhuận từ cấp F7 đến cấp F10.
Ngoài ra, lợi nhuận từ quản lý đội nhóm được hệ thống giới thiệu và được tính như sau: Cấp 1 – V1 khi có 10 người giới thiệu tham gia thì được hưởng 3% lợi nhuận; Cấp 2 – V2 khi có 3 người tham gia thì V1 được hưởng 5% lợi nhuận; Cấp 3 – V3 khi có 4 người thì V2 được hưởng 7% lợi nhuận; Cấp 4 – V4 khi có 5 người tham gia thì V3 được hưởng 10% lợi nhuận.
Bên cạnh đó, hệ thống còn trích ra 3% tổng doanh thu lợi nhuận dành cho V3; 3% chia đều cho các V3 và 5% tổng doanh thu lợi nhuận thành cho V4, 5% chia đều cho V4...