Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi có dịp về Đông Giang công tác. Xong việc, chúng tôi ghé nhà chị Bling Thị Treng khi chị đang ngồi bên khung dệt. Được tận mắt chứng kiến từng khâu tạo hoa văn cườm trên nền dệt thổ cẩm mới biết, để làm ra những tấm thổ cẩm đẹp, những người phụ nữ Cơ Tu như chị Treng đã phải kỳ công đến mức nào. Chị Treng cho biết: Tuy không được sinh ra từ đây, nhưng Đhờ Rồng đã là mảnh đất gắn bó với cuộc sống của chị từ khi dân làng dời từ làng cũ A Ró (xã Lăng, huyện Tây Giang hiện nay) đến đây định cư vào những năm 1978. Làm quen với khung dệt từ lúc 14 - 15 tuổi, nay trải qua nhiều thăng trầm với khung dệt, sợi chỉ. Tuy không vất vả, nặng nhọc như các công việc khác, song dệt thổ cẩm cần nhiều thời gian và sự kiên trì, tỉ mỉ, đặc biệt là sự khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ Cơ Tu.
Chị Bling Thị Treng bên khung dệt góc nhà, tại thôn Đhờ Rồng, xã Tà Lu |
Được biết, từ xa xưa, những người con gái Cơ Tu khi còn ở với cha mẹ đã được hướng dẫn cách dệt thổ cẩm. Khi đến tuổi trưởng thành, mọi cô gái đều phải biết dệt những hoa văn cườm như: Khố, váy, áo adoót, tấm choàng, tấm điệu trẻ, xà lùng... để tự phục vụ cho bản thân và gia đình. Hoa văn cườm trên thổ cẩm càng đẹp, càng tỉ mỉ, sắc sảo càng chứng tỏ được giá trị của người con gái Cơ Tu. Chị Treng tâm sự: Dệt thổ cẩm là giữ lại cái nghề, là lưu giữ bản sắc dân tộc. Nếu dệt thổ cẩm vì mục đích kiếm tiền, vì mục đích lợi nhuận chắc không ai dệt. Bởi hiện dệt một tấm khố cườm rộng 30, dài 4m, mất 10 ngày, một tấm choàng đôi dài 3,5 mét, rộng 1 mét mất hơn 20 ngày, áo adoót mất 5 ngày, váy ngắn mất 4 ngày, váy dài mất 10 ngày... Trong khi đó, bán trên thị trường 1 tấm khố giá từ 800.000 – 1.000.000 đồng. Tấm choàng đôi giá bán chỉ 1.200.000 đồng, tấm đắp đơn giá 700.000 đồng, váy dài giá 1.000.000 đồng và tấm váy ngắn giá chỉ 500.000 đồng,...
Tình trạng chung hiện nay là hầu hết thiếu nữ Cơ Tu trong làng không còn hứng thú ngồi bên khung dệt, tự tay dệt trang phục thổ cẩm truyền thống. Những lúc bắt buộc phải mặc như: Dịp lễ, tết, cưới hỏi... thì lại đi mua hoặc có của các chị để lại. Miệt mài ngày đêm để dệt nên những tấm thổ cẩm với đường nét sinh động và hoa văn đầy bắt mắt, chị Treng luôn mong muốn thế hệ trẻ nữ sẽ tiếp nối và phát huy nghề truyền thống của tổ tiêng, ông bà Cơ Tu để lại.
Chị Bling Thị Treng tâm sự về những khó khăn của việc giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu |
Trước khi chia tay chị Treng, trao đổi với chúng tôi, anh Bling Trao - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho biết: Tà Lu là một trong những xã còn bảo tồn được các làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm. Chị Bling Thị Treng với quyết tâm giữ gìn và phát huy nghề dệt Cơ Tu đã góp phần thay đổi diện mạo ở buôn làng, vừa giúp giữ gìn sắc phục dân tộc, vừa có công ăn việc làm, có thêm nguồn thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho gia đình. Chị đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam công nhận nghệ nhân dệt thổ cẩm vào năm 2015, ghi nhận công lao, tâm huyết của chị Treng trong việc giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu.