Nông sản miền núi: Bắt nhịp tiêu dùng xanh, tăng sức mua
"Chinh phục" thị trường bằng chất lượng, giá trị
Với điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho canh tác hữu cơ và sản xuất quy mô nhỏ gắn với sinh thái, nông sản miền núi đang dần trở thành điểm sáng trong xu hướng tiêu dùng xanh, sạch và bền vững. Trong đó, nhiều sản phẩm đã dần khẳng định được thương hiệu, chinh phục người tiêu dùng cả nước như: Chè shan tuyết (Hà Giang), hồng không hạt Bắc Kạn, cam Cao Phong (Hoà Bình), na Chi Lăng (Lạng Sơn), gạo Séng Cù (Lào Cai), tinh dầu quế Văn Yên (Yên Bái)…
Người dân thu hái chè shan tuyết cổ thụ. Ảnh: TTXVN |
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng phát triển bền vững, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước và chính quyền địa phương, nhiều vùng dân tộc miền núi đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển các giống cây bản địa, dược liệu quý, nông sản sạch, mở ra hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường hiện đại và định hướng phát triển xanh.
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, với quá trình phát triển mạnh mẽ nông sản đang là nguồn sinh kế chủ lực, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân miền núi. Nhiều sản phẩm nông nghiệp vùng cao hiện đã khẳng định được chất lượng, giá trị cao, có tiềm năng phát triển bền vững gắn với xu hướng tiêu dùng xanh và sạch.
Không dừng lại ở đó, nông sản miền núi còn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn quốc, là nguồn nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến và có vai trò "kết nối kinh tế" giữa miền núi với đồng bằng. Nhờ đó, không chỉ góp phần phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, mà còn tăng tính gắn kết liên vùng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho đô thị và các khu vực kinh tế trọng điểm.
Nhiều điểm nghẽn tiêu thụ
Tiềm năng lớn và không ngừng khẳng định vai trò đối với kinh tế, xã hội của các địa phương, nhưng hiện sức tiêu thụ nông sản miền núi hiện nay vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Trong đó, phần lớn sản phẩm được tiêu thụ qua chợ truyền thống, thương lái thu gom hoặc hội chợ ngắn ngày, chưa có kênh phân phối ổn định và dài hạn. Tỷ lệ nông sản miền núi được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn rất khiêm tốn.
Ngoài ra, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, nên khó đảm bảo số lượng lớn, ổn định và đồng đều về chất lượng để cung ứng cho thị trường hiện đại. Nhiều hợp tác xã gặp khó khăn khi tiếp cận doanh nghiệp tiêu thụ hoặc hệ thống phân phối do chưa đủ điều kiện về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, hồ sơ an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển từ vùng cao xuống đồng bằng còn lớn, trong khi hạ tầng thương mại như kho bảo quản lạnh, trung tâm logistics tại các tỉnh miền núi chưa phát triển tương xứng. Đây là một trong các “điểm nghẽn” khiến nhiều loại nông sản vùng cao có giá trị nhưng bị tồn đọng theo mùa, bán rẻ cho thương lái hoặc phải chế biến thô với giá trị gia tăng thấp.
Một bất cập khác là thiếu thông tin thị trường và nhu cầu tiêu dùng. Nhiều người dân chưa biết cách xây dựng sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng đô thị như về đóng gói, mẫu mã, kênh tiếp cận. Một số tỉnh tổ chức được các phiên chợ vùng cao, tuần hàng nông sản tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nhưng chưa duy trì thường xuyên hoặc chưa tạo được kênh bán lẻ hậu sự kiện.
Chia sẻ về thực trạng này với Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Tiêu dùng Việt Nam (VCCU) cho biết, tiêu thụ nông sản miền núi hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Sau các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều địa phương chưa có chiến lược dài hạn để duy trì thị trường, xây dựng thương hiệu bài bản cho sản phẩm. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra còn quá ít, khiến hàng hóa vùng cao khó tạo dựng vị thế trên thị trường.
Về hệ thống tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Lan Hương thông tin, hiện nay kênh siêu thị, chợ truyền thống và các điểm bán tự chọn vẫn chưa thực sự tạo ra bước đột phá. Các nhà sản xuất nhỏ rất khó tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại do thiếu năng lực chứng nhận, truy xuất nguồn gốc; còn tại chợ dân sinh, người tiêu dùng thường lo ngại độ an toàn của sản phẩm.
"Đáng chú ý, thị phần của chợ truyền thống tại các đô thị lớn đang ngày càng thu hẹp, khiến nông sản miền núi càng khó "chen" chân vào kênh phân phối chủ lực"- bà Hương nói.
Na Chi Lăng (Lạng Sơn) tham gia phiên chợ tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Hướng tới tiêu dùng xanh
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, nguồn gốc và tác động môi trường của sản phẩm, xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bền vững là cơ hội vàng để nông sản miền núi, vốn sản xuất theo phương thức truyền thống, ít hóa chất, gần với tự nhiên trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra với nông sản miền núi là làm sao để chuyển từ sản xuất tự nhiên sang sản xuất chuyên nghiệp, có tiêu chuẩn, có thương hiệu và có chuỗi liên kết ổn định. Nếu không kịp thích ứng với yêu cầu thị trường, sản phẩm vùng cao dù “sạch tự nhiên” cũng có thể bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua chiếm được lòng tin người tiêu dùng.
Theo đó, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản miền núi, cần một chiến lược tổng thể từ sản xuất đến thị trường, gắn sản phẩm với nhu cầu tiêu dùng hiện đại và bối cảnh chuyển đổi xanh. Trong đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu nông sản bản địa, hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, chứng nhận OCOP, VietGAP… để tăng độ tin cậy và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Nêu một số giải pháp, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, để phát triển hiệu quả nông sản miền núi, trước hết các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương cần chủ động quy hoạch vùng sản xuất một cách bài bản, đưa ra khuyến cáo cụ thể cho người dân về loại cây trồng phù hợp, quy mô diện tích tối ưu, đảm bảo cân đối cung cầu.
“Việc sản xuất cần xuất phát từ tín hiệu thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá, sản phẩm dư thừa nhưng không tiêu thụ được. Đặc biệt, ngay từ giai đoạn quy hoạch và lựa chọn giống, cần xem xét yếu tố làm sao nông sản đó trở thành hàng hóa có giá trị, có thị trường đầu ra ổn định hay không” - ông Thuỷ cho hay.
Với đặc điểm địa hình miền núi rộng, chia cắt, manh mún, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh thêm, cần đẩy mạnh mô hình sản xuất trang trại, gia trại, tạo nền tảng liên kết với doanh nghiệp. Đồng thời, trao quyền chủ động sản xuất cho những người có năng lực quản lý, tổ chức sản xuất tốt, từ đó hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp vệ tinh tại địa phương đóng vai trò như “chân rết” đưa sản phẩm ra thị trường một cách bài bản.
Quảng bá nông sản, hàng hoá miền núi đang được đẩy mạnh. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Bên cạnh đó, để giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh, phải thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Muốn làm được điều này, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân vùng cao đủ điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, bảo quản và chế biến. Và, việc xây dựng một hệ thống lưu thông hàng hóa thông suốt, thuận lợi sẽ là điều kiện then chốt để đưa nông sản miền núi đến tay người tiêu dùng.
Song song đó, vấn đề xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi được nhấn mạnh là yêu cầu cấp thiết nhằm tăng độ nhận diện, khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Về yếu tố này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có một lợi thế đặc biệt mà không phải sản phẩm nào cũng có được đó là bề dày truyền thống, lịch sử và bản sắc văn hóa độc đáo, giàu chiều sâu và cảm xúc.
Do đó, theo ông Võ Trí Thành, việc xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm này sẽ không quá khó nếu biết khai thác và kể được những câu chuyện mang “hồn cốt” của vùng đất, của cộng đồng đã gắn bó với sản phẩm ấy qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, nếu biết kết hợp với các giá trị hiện đại như sống xanh, an toàn, tử tế và bền vững, sản phẩm vùng cao hoàn toàn có thể bắt nhịp với xu thế tiêu dùng mới và tạo dựng được chỗ đứng riêng trên thị trường.
Nông sản miền núi là kết tinh của thiên nhiên, văn hóa và lao động bền bỉ của đồng bào vùng cao. Khi điểm nghẽn về tiêu thụ được khơi thông, "trái ngọt" vùng cao sẽ đến được với người tiêu dùng, tạo nguồn sinh kế bền vững. |