Nỗ lực duy trì cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo các chuyên gia, trong môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng có vai trò quan trọng, lựa chọn của họ quyết định đến thị phần cũng như vị trí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại là bên yếu thế trong mối quan hệ với chủ thể kinh doanh. Do đó, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng bằng Luật Cạnh tranh, mang tính kỹ thuật và bổ trợ cho việc bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc xác định các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhằm lượng hóa các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm có tương xứng.
Hiện nay, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang được thực hiện dưới 2 góc độ: Bảo vệ trực tiếp bằng các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ gián tiếp thông qua các quy định của Luật Cạnh tranh.
Những năm qua, thực hiện công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bô các giải pháp nhằm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, với lĩnh vực cạnh tranh, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn; nghiên cứu, rà soát trên 60 giao dịch mua bán, sáp nhập trên thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật; xem xét, điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh để có biện pháp can thiệp phù hợp; chủ động thu thập, xác minh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh ở một số thị trường, ngành, lĩnh vực...
Quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng được bảo vệ. Ảnh: Kim Nga |
Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023; Trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quyết định 07/202/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giao dịch, thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác quản lý nhà nước về kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện nghiêm túc.
Đối với, lĩnh vực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, đặc biệt là ở các địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng phương thức bán hàng đa cấp để trục lợi trái phép; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nỗ lực duy trì cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, năm 2025, Bộ Công Thương đã định hướng các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện: Tiếp tục hoàn thiện bộ máy, tổ chức trong tổ chức Đảng, chính quyền là cơ sở để tổ chức, triển khai chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, tập trung công tác xây dựng, thực thi pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng các hướng dẫn nội bộ, rà soát lại hệ thống cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh triển khai thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Hoạt động thanh tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Hạ An |
Bộ Công Thương nỗ lực tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác tố tụng cạnh tranh, quản lý nhà nước về cạnh tranh và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của xã hội đối với các quy định pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Cụ thể với từng lĩnh vực: Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật đối với các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa phương để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc; đồng thời chấn chỉnh, giải đáp cho các địa phương trong việc thực thi quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Song song đó, tiếp tục duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất (nếu có) đối với hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo quy định. Đồng thời, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, thu thập thông tin, theo dõi các biểu hiện của hoạt động bán hàng đa cấp bất chính để chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định pháp luật;
Về thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động truyền thông liên quan đến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại qua Tổng đài điện thoại 1800 6838, qua website, email và đường bưu điện; triển khai hoạt động liên quan thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024.
Với công tác quản lý hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo quy định pháp luật, cụ thể: Nghị định hướng dẫn, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Tiếp tục giải quyết đơn yêu cầu, khiếu nại liên quan đến lĩnh vực hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung; tiếp tục thực hiện thủ tục hành chính đối với hồ sơ đăng ký hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung…