Ninh Thuận: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm
Trong khuôn khổ các hoạt động Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023, chiều 16/6, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh gốm Chăm và các nghệ nhân làm gốm Chăm.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết: Làng gốm Chăm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) và làng gốm Chăm Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) là những làng nghề sản xuất Gốm có truyền thống lâu đời và tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á và thế giới. Gốm Chăm tiêu biểu bởi sản phẩm được chế tác hoàn toàn thủ công. Sản phẩm sau khi chế tác được nung lộ thiên, cho ra những sản phẩm Gốm độc đáo, mang tính độc bản cao với những nét đặc trưng văn hoá Chăm không lẫn với sản phẩm Gốm ở nơi khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên |
Nghề làm gốm của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế và văn hóa, xã hội của người Chăm. Sản phẩm gốm Chăm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình và trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Toàn bộ quy trình làm gồm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng mà chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm, gốm Chăm vẫn tồn tại với thời gian.
Sự độc đáo về giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
“Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp không chỉ là tôn vinh giá trị một nghề truyền thống mà còn khẳng định giá trị văn hóa của cộng đồng, của nỗ lực chung tay góp sức để bảo tồn, lưu giữ một Nghệ thuật độc đáo riêng có trước những thách thức trong xu thế hội nhập và kinh tế thị trường. Sự ghi danh này mở ra cơ hội để Nghệ thuật làm gốm của người Chăm tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhưng niềm tự hào đó cũng gắn liền với trách nhiệm lớn lao trước rất nhiều khó khăn phải giải quyết thỏa đáng để vượt qua các mối đe dọa đối với di sản”, ông Nguyễn Long Biên nhấn mạnh.
Nhân dịp chuyến công tác tại tỉnh Ninh Thuận, chiều 15/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương |
Thông qua Hội thảo này, tỉnh Ninh Thuận mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh gốm Chăm và đặc biệt là của các nghệ nhân, chủ thể của di sản nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ cùng trao đổi, thảo luận toàn diện những vấn đề liên quan đến giá trị nghệ thuật làm gốm của người Chăm để từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp và khả thi nhất nhằm Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm theo tiêu chí đã cam kết khi Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; giải pháp nâng cao hoạt động sản xuất gốm Chăm tại làng gốm Bàu Trúc; giải pháp khai thác hiệu quả Nghệ thuật làm gốm của người Chăm cho phát triển du lịch, tạo thu nhập bền vững; nâng cao đời sống cho người dân...