“Thắp sáng” từ nắng gió
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G, trao đổi tại phiên thảo luận cấp Bộ trưởng về chủ đề các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững diễn ra ngày 17/4, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết: “Ninh Thuận đã và đang biến những thách thức, khó khăn thành lợi thế để hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, đồng bằng ven biển chỉ chiếm 22,4% diện tích tự nhiên, khí hậu lại khô hạn, khắc nghiệt và ít mưa - Ninh Thuận được đánh giá là địa phương có điều kiện tự nhiên “khó” nhất cả nước.
Thế nhưng, chính điều đó lại mở ra một lối đi riêng biệt cho Ninh Thuận trong lĩnh vực năng lượng - nơi nắng và gió không còn là thách thức mà trở thành nguồn tài nguyên vô giá.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng khẳng định, năng lượng tái tạo là lĩnh vực đột phá trong chuyển đổi năng lượng bền vững của Ninh Thuận. Ảnh: Bích Quyên |
Biến thách thức thành cơ hội, Ninh Thuận đã chủ động đề xuất với Bộ Công Thương đưa loạt dự án tiềm năng vào Quy hoạch điện lực Quốc gia, với tổng công suất quy hoạch lên tới gần 49.000 MW - một con số ấn tượng, trải rộng trên nhiều loại hình năng lượng tái tạo.
“Đề án Quy hoạch phát triển điện gió đất liền phát triển khoảng 2.000 MW; điện gió ven biển khoảng 4.380 MW; điện gió ngoài khơi khoảng 21.000 MW; điện mặt trời khoảng 8.448MW; điện khí LNG 6.000 MW; thủy điện tích năng 7.000 MW; điện mặt trời mái nhà hơn 149 MW...” - ông Trịnh Minh Hoàng thông tin.
Không chỉ dừng lại ở năng lượng tái tạo, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 30/11/2024, Nghị quyết số 174/2024/QH15 đã chính thức cho phép tiếp tục thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - một dự án mang tính chiến lược, được xác định là “trọng điểm quốc gia”, với thời hạn hoàn thành trong vòng 5 năm.
Từ năm 2018, Nghị quyết số 115/NQ-CP đã trao cho Ninh Thuận những cơ chế chính sách đặc thù, tạo bước ngoặt mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Theo đó, Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
![]() |
Năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu tổng công suất tích lũy đạt 6.500 MW, hình thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo. Ảnh: Quỳnh Minh |
Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TU (25/01/2022) và Kế hoạch số 239/KH-TU (26/5/2020) để cụ thể hóa định hướng trên. Tầm nhìn xuyên suốt là phát triển đồng bộ sản xuất điện - hạ tầng truyền tải - phụ tải điện - các ngành phụ trợ, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành năng lượng, chú trọng chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.
Đến nay, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành thương mại 57 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất gần 3.750 MW, sản lượng phát điện hàng năm ước đạt 8,7 tỷ kWh, chiếm 6,69% tổng sản lượng điện tái tạo cả nước.
Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tổng công suất tích lũy đạt 6.500 MW, hình thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo và thu hút ít nhất 1 dự án chế tạo thiết bị chính ngành năng lượng. Đến năm 2030, tổng công suất kỳ vọng đạt 11.800 MW, đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng bền vững của cả nước.
Kiến nghị chính sách, tạo hành lang cho phát triển
Để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ hoàn thiện công cụ tài chính như phí môi trường đối với phát thải trong sản xuất điện, nhằm tăng sức cạnh tranh cho điện sạch (LNG, khí thiên nhiên, hydrogen…) so với nhiệt điện than.
Kiến nghị tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước theo Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020, từ đó góp phần tạo dòng vốn xanh phát triển năng lượng tái tạo.
Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ công nghiệp chế tạo - dịch vụ năng lượng, ưu tiên phát triển ngành chế tạo máy, thiết bị điện, nâng tỷ lệ nội địa hóa và hướng đến xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND Ninh Thuận khẳng định, tỉnh xác định và định hướng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là tiềm năng thế mạnh, là lĩnh vực trụ cột, đột phá, ưu tiên theo Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV và Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xem xét phê duyệt bố sung nguồn điện vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tương xứng với tiềm năng của địa phương, tạo điều kiện động lực phát triển kinh tế - xã hội.
"Ninh Thuận kêu gọi và đón chào các tập đoàn, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Ninh Thuận, đầu tư vào phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo theo hướng xanh, bền vững" - ông Trịnh Minh Hoàng thông tin.
Có thể nói, với khát vọng, sự chỉ đạo quyết liệt và chiến lược phát triển bài bản, Ninh Thuận đang dần khẳng định vai trò là một mắt xích quan trọng trong hành lang năng lượng của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra điện, Ninh Thuận còn đang tiến tới xây dựng nền tảng cho một ngành công nghiệp năng lượng hiện đại, đồng bộ - từ sản xuất, truyền tải đến nghiên cứu, chế tạo và xuất khẩu.
Biến “gió Lào, cát trắng, nắng cháy” thành động lực tăng trưởng, Ninh Thuận đang chứng minh rằng: Không có vùng đất nào là nghèo tiềm năng, nếu được đánh thức bằng chiến lược đúng đắn và tầm nhìn dài hạn.
Đến nay, Ninh Thuận đã đưa vào vận hành thương mại 57 dự án năng lượng tái tạo, với tổng công suất gần 3.750 MW, sản lượng phát điện hàng năm ước đạt 8,7 tỷ kWh, chiếm 6,69% tổng sản lượng điện tái tạo cả nước. |