Người lưu giữ văn hoá Thái qua cổ vật
Ông là Vi Văn Phúc (77 tuổi) – Người có uy tín ở khối 2, thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông, Nghệ An), hơn 30 năm miệt mài với văn hoá Thái, trong căn nhà sàn bằng gỗ hiện đã có bộ sưu tập rất đáng nể với gần 10.000 vật dụng đủ loại của người Thái từ những dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay… Và ngôi nhà sàn ông đã trở thành “bảo tàng” cho ông trưng bày, lưu giữ.
‘Bảo tàng’ vô giá
Đến thăm "bảo tàng" thu nhỏ ở huyện Con Cuông, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự đồ sộ của những hiện vật là dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, đồ sinh hoạt hàng ngày cho đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay… Tất cả được trưng bày thành nhiều nhóm khác nhau, giống như một ‘bảo tàng’ thu nhỏ. Có góc dành cho nhóm văn hoá tâm linh; nơi lại là nhóm dệt vải thêu thùa; nhóm công cụ sản xuất; nhóm săn bắt đánh bắt; nhóm đan lưới, đan lát; nhóm trò chơi dân gian; nhóm chăn nuôi; nhóm trang sức, trang phục... Gần như không có một vật dụng nào của người Tháicòn thiếu trong bộ sưu tập này.
Tất cả những hiện vật này đều được một tay Nhà sưu tập Vi Văn Phúc tâm huyết sưu tầm từ khắp nơi để trưng bày trong ngôi nhà sàn 2 tầng rộng gần 300m2 của ông.
Ngôi nhà sàn của ông Phúc được ví như một “bảo tàng” thu nhỏ của người Thái. |
Nhận thấy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái rất phong phú, đa dạng song lại có xu hướng mai một theo thời gian, ông Phúc đã tích cực sưu tầm các loại nhạc cụ, vật dụng của đồng bào mình để góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.
Ông Phúc là cán bộ về hưu, hiện là người có uy tín của khối. Ông sinh ra ở Mường Quạ (xã Môn Sơn) – vùng đất nổi danh có bề dày văn hóa Thái. Ông Phúc sinh ra, lớn lên trong ngôi nhà có đến 4 thế hệ với gần 30 người cùng sinh sống. Ngày đó, đàn ông thì cày bừa, đánh cá, phụ nữ thì quay tơ, dệt vải… Chính vì thế, từ nhỏ những tập tục, lối sống của đồng bào Thái đã ăn sâu vào tâm trí ông.
Gặp chúng tôi, ông say sưa kể về những năm tháng tuổi trẻ, thời đó người dân vùng cao như ông hiếm lắm mới được ra Hà Nội học, rồi sau này khi ra trường làm việc ở thành phố Vinh. Dù sống ở thành phố nhưng ông vẫn không thể quên được nếp sống của đồng bào mình. Kèm theo đó là những nỗi lo về nét văn hóa của đồng bào mình đang dần bị mai một. Mỗi lần về thăm quê, ông rất buồn khi nhận thấy nhiều phong tục tập quán tốt đẹp đã không còn. Nhiều người thậm chí còn không biết nói tiếng Thái. Những vật dụng từng gắn liền với đời sống dần bị vứt bỏ. Kể từ đó, ông quyết định bắt đầu hành trình đi sưu tầm để lưu giữ hiện vật, cổ vật của người Thái.
Ông Vi Văn Phúc bên một góc của trưng bày các hiện vật |
Nhiều người đã đem bán những bộ chiêng, các loại đàn vốn là linh hồn của người Thái. Ngoài ra, hầu hết giới trẻ thích những nhạc hiện đại như nhạc Pop, Rap… ít quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Trong khi đó, cồng chiêng được xem là tài sản quý của đồng bào dân tộc Thái. Trong những lễ hội truyền thống của người Thái như ở lễ đặt tên, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cưới, lễ mừng nhà mới... đều không thể thiếu tiếng chiêng.
Theo ông Phúc, nếu tình trạng này kéo dài, không lâu nữa thế hệ trẻ đồng bào Thái không còn nghe tiếng chiêng, tiếng đàn, không còn thấy nhiều vật dụng của đồng bào mình. Từ đó, ông Phúc bắt đầu nghĩ cách sưu tầm để lưu giữ lại những vật dụng gắn liền với đời sống của đồng bào mình.
Từ hơn 30 năm nay, ông cất công sưu tầm ở các xứ Mường Choọng, Mường Ham (huyện Quỳ Hợp), Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), vùng Mường Quạ (huyện Con Cuông), Mường Chiêng Ngam (huyện Quỳ Châu)… Mỗi lần đến vùng quê nào đó, thấy vật dụng nào ưng ý, ông đều hỏi mua. Biết được ý định này, thay vì bán một số già làng đã tặng nhiều đồ vật cho ông với mong muốn ông giữ lại cho thế hệ trẻ, ông Phúc chia sẻ.
Cứ thế, đến nay ông Phúc đã có một “bảo tàng” thu nhỏ với nhiều loại nhạc cụ, vật dụng truyền thống của đồng bào Thái.
Bộ sưu tầm hơn 10.000 cổ vật của người Thái trong “bảo tàng” |
Chúng tôi để ý và nhận thấy, các đồ vật trong “bảo tàng” được ông sắp xếp, chia thành các nhóm khác nhau như: Nhóm văn hoátâm linh (các cuốn sách cổ); nhóm liên quan đến ẩm thực; nhóm công cụ sản xuất; nhóm âm thanh nhạc cụ; nhóm dệt vải thêu thùa; nhóm hoạt động sản xuất thủ công; nhóm trò chơi dân gian; nhóm chăn nuôi; nhóm trang sức, trang phục...
Ông Phúc tâm sự: Với tôi, vật thiêng liêng nhất, nhiều kỷ niệm nhất là chiếc khung cửi, chiếc quay sợi mà ngày xưa mẹ tôi vẫn dùng kéo sợi. Cứ nhìn thấy những món đồ ấy là tôi lại nhớ đến mẹ mình; như bộ trang phục người Thái cổ cũng vậy. Tôi đã trang trọng đặt riêng trong tủ kính để bảo quản.
Theo ông Phúc: “Tôi muốn con cháu sau này biết được phần nào cuộc sống của cha ông ngày trước. Vì thế, tôi bắt đầu sưu tầm từ những năm đầu thập niên 90. Những vật dụng này vừa dùng để trang trí, lưu giữ lại cho thế hệ trẻ, đồng thời phục vụ khách du lịch…”.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Những hiện vật được ông Phúc sưu tầm, gìn giữ còn được ví như những “sứ giả” đã, đang và sẽ mang những thông điệp lịch sử, văn hoá giáo dục cho thế hệ con cháu mai sau. Đây là kho tài sản tinh thần đã lưu giữ được một nét văn hoá rất đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ. Đó chính là điều mà cộng đồng người Thái nơi đây tôn trọng, cảm phục, mến yêu dành cho ông.
Qua trò chuyện cùng ông, chúng tôi hiểu rằng mục đích chính của ông không nằm ngoài nguyện vọng, mong muốn giáo dục truyền thống cho con cháu, trước hết là giáo dục trong gia đình, anh em, dòng họ nhằm hướng cho con cháu về cội nguồn, về với lịch sử của dân tộc mình. Sau nữa là xây dựng nền nếp, gia phong, hạnh phúc gia đình, hướng tới tuyên truyền trong cộng đồng dân tộc Thái để góp phần đưa những giá trị văn hoá vào xây dựng đời sống cộng đồng.
Luống giã gạo của người Thái |
Bao năm qua, căn nhà sàn của ông luôn là điểm đến ý nghĩa mà cháu con trong dòng họ, cũng như cộng đồng người Thái nơi đây tìm về sinh hoạt, học chữ Thái, giúp nhau cách thức làm ăn. Không như nhiều gia đình người Thái khác, dù sống xen kẽ cùng các dân tộc khác tại thị trấn nhưng gia đình ông Phúc vẫn luôn chú trọng bảo tồn ngôn ngữ Thái, bảo tồn những tập tục trong cưới hỏi, lễ làm vía, lễ tết, lễ buộc chỉ cổ tay...
Ông Phúc hào hứng chia sẻ: Cộng đồng dân tộc Thái có truyền thống văn hoá rất đặc trưng nhưng qua thời gian, những giá trị văn hóa ấy đã và đang ngày càng bị mai một. Tôi là người con của dân tộc Thái, không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh những giá trị cổ xưa của dân tộc ngày càng bị mai một, những hiện vật bị thất truyền. Mình có thể làm được thì tại sao không làm, như thế sẽ có lỗi với tổ tiên, với cội nguồn dân tộc.
“Cuộc sống đổi thay, những vật dụng hiện đại đã thay thế những đồ vật xưa cũ. Và những cái mất đi sẽ chẳng bao giờ lấy lại được. Tôi mong rằng từ việc làm của mình, con cháu đời sau nhìn vào bộ sưu tập có thể biết được thế nào là đời sống, văn hóa của cha ông, của cộng đồng người Thái…”, ông Phúc nói.
Ông Phan Anh Tài - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Con Cuông cho biết “Ông Phúc nay đã 77 tuổi, là Người có uy tín ở khối 2 thị trấn Con Cuông. Ông là tấm gương sáng nói lời hay, làm việc tốt, rất được bà con trong cộng đồng tôn trọng. Trong gia đình, dòng họ, ông ấy là đầu tàu gương mẫu trong gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc”.
Bộ sưu tập của ông Phúc chính là “bảo tàng vô giá” đối với đồng bào người Thái. “Hành trình hơn 30 năm đi sưu tầm của ông Phúc thật đáng trân quý. Ông Phúc chính là người lưu giữ bản sắc văn hóa cho người Thái. Do đó, việc sưu tầm các loại nhạc cụ, vật dụng của đồng bào Thái của ông Phúc là rất đáng trân quý...”, ông Tài nói.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Thái ở Việt Nam có dân số hơn 1,8 triệu người, là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam. Tại Nghệ An, hiện có gần 340.000 người Thái sinh sống, chiếm 10,1% dân số toàn tỉnh và 19,0% tổng số người Thái tại Việt Nam. Đây là dân tộc thiểu số chiếm đa số ở Nghệ An. |