Khởi nghiệp với loại nấm “khó tính”
Hiện nay, nấm mối đen được nuôi trồng tại không ít cơ sở trên cả nước vì giá trị dinh dưỡng cao đồng thời mang lại nguồn thu nhập lớn cho người sản xuất. Theo đó, loại nấm này có thịt bên trong màu trắng, vị ngọt, giàu chất xơ hơn nhiều loại rau và hạt cùng nhiều công dụng cho sức khỏe nên có giá thành khá cao. Được biết, nấm mối đen hiện tại có giá trị khoảng hơn 300.000 đồng/kg, gấp 3-5 lần so với các loại nấm khác.
Trong đó, Nấm Mối Đen Uyên Khang được sản xuất bởi cơ sở nuôi trồng và sản xuất nấm mối Uyên Khang tại Hội An, Quảng Nam đã khẳng định được chất lượng và uy tín trên thị trường trong nhiều năm qua.
“Đây là loại nấm “khó tính” nên các quy trình chăm sóc, vào phôi hay khai thác phải đảm bảo tiêu chuẩn. Chúng tôi hướng đến sản phẩm an toàn cho khách hàng, tiêu thụ tại các siêu thị nông sản sạch nên các quy trình phải đảm bảo, nấm được sản xuất hoàn toàn hữu cơ”, chị Phạm Minh Thủy (chủ cơ sở nuôi trồng và sản xuất nấm mối Uyên Khang) khẳng định.
Nấm linh chi vừa nhú lên. Ảnh: Chiêu Ngô |
Theo đó, quy trình sản xuất Nấm Mối Đen Uyên Khang được áp dụng một cách khoa học và hoàn toàn khép kín - Bao gồm công đoạn chọn giống đến thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất. Chính vì thế, với việc sử dụng giống nấm mối đen quý hiếm, được tuyển chọn kỹ lưỡng, Nấm Mối Đen Uyên Khang đã mang lại năng suất cao và hàm lượng dinh dưỡng dồi dào.
Cụ thể, mỗi đợt vợ chồng chị Thuỷ nuôi trồng khoảng 5.000 phôi giống trên 100m2 nhà xưởng. Phôi giống sau khi nhập về trại xếp lên kệ trồng, cài đặt nhiệt độ trong nhà khoảng 24-28 độ C, độ ẩm khoảng 86-92%. Sau 7-10 ngày, chị mở nắp và phủ cát dày từ 3-5cm lên mặt bịch nấm, kích ẩm khoảng 20 ngày sau sẽ cho nấm. Tất nhiên, cát dùng phủ lên phôi cũng phải tuyển chọn kỹ lưỡng. Đây phải là cát đảm bảo tiêu chuẩn, cát sau khi nhập về sẽ được rây (lọc) qua màng làm sạch, sau đó phơi nắng, rồi khử trùng, khử khuẩn và cuối cùng rửa qua nước sạch nhiều lần cho đến khi nước trong.
Theo chị Thủy, chu kỳ trồng nấm mối đen theo phương pháp hữu cơ, một vụ thu hoạch trong thời gian 3-4 tháng, nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe từ khâu xử lý phôi nấm đến khâu nuôi trồng, phải đảm bảo sạch hoàn toàn.
Cây nấm dài khoảng 2-12 cm là thu hoạch được. Trong điều kiện phôi giống tốt và quá trình nuôi trồng chăm sóc không bị nhiễm bệnh thì trung bình gia đình chị Thuỷ có thể thu hoạch trên 10kg nấm thô/ngày và kéo dài cho đến khi hết nấm.
Trước đó, vào cuối năm 2019, sau khi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nấm mối đen ngày càng cao, chị Minh Thủy đã quyết tăm khăn gói vào TP.HCM để học nghề trồng nấm mối đen.
Năm đầu tiên trồng thử nghiệm, với tổng chi phí khoảng 250 triệu đồng, vợ chồng chị Thủy xây dựng khoảng 100m2 nhà xưởng trồng nấm mối đen hữu cơ theo quy trình khép kín. Tiếp đấy, chị Thủy tiếp tục mua thêm 8.000 phôi nấm. Tuy nhiên, sự bùng nổ của dịch Covid-19 đã khiến những mẻ nấm đầu tiên của cơ sở rơi vào tình trạng ế ẩm.
Đến cuối năm 2020, vợ chồng chị Thủy vẫn quyết định tiếp tục sản xuất và tìm kiếm nguồn phôi đảm bảo chất lượng từ TP.HCM về nuôi trồng cho đến hiện tại.
Lên “sàn” để vươn xa hơn
Để tìm đầu ra ổn định cho nấm mối đen, thời gian đầu chị Thủy chào bán sản phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hội An, bán hàng qua các trang mạng xã hội… Sau đó, thị trường tiêu thụ Nấm Mối Đen Uyên Khang ngày càng được mở rộng ra Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng, TP.HCM…
Vào cuối năm 2021, Nấm Mối Đen Uyên Khang được đón nhận chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao do UBND tỉnh Quảng Nam cấp. Đến năm 2024, cùng với một số thương hiệu khác, Nấm Mối Đen Uyên Khang tiếp tục được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Theo đánh giá, sản phẩm có thể chế biến được nhiều món khác nhau cho bữa cơm gia đình nhờ thành phần dinh dưỡng cao như nấm xào, lẩu nấm, nấm nướng, canh nấm hầm xương..
Với mục tiêu đưa Nấm Mối Đen Uyên Khang vươn xa hơn nữa, song song với việc đầu tư vào mở rộng nhà xưởng, đầu tư kỹ thuật trồng nấm mối đen theo công nghệ 4.0 và tự chủ sản xuất phôi nấm tại chỗ, gia đình chị Thuỷ quyết định đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Đây được đánh giá là quyết định chính xác khi ở thời điểm hiện tại, thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ. Và một trong những kênh bán hàng online được cơ sở nuôi trồng và sản xuất nấm mối Uyên Khang lựa chọn là Sàn Việt (sanviet.vn).
Trước đó, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng sàn Thương mại điện tử Quảng Nam (www.quangnam.sanviet.vn) với hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng trăm sản phẩm đã được lựa chọn và đưa lên sàn. Sàn thương mại điện tử Quảng Nam được tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành.
Đại diện Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho biết: “Sàn thương mại điện tử hợp nhất là mô hình chuỗi cung ứng hàng hóa tập trung từ trung ương đến địa phương và cũng là địa điểm để chia sẻ, giao lưu hàng hóa giữa các địa phương trên toàn quốc, ngoài ra sàn thương mại điện tử hợp nhất còn cung cấp các công cụ tiếp thị, xúc tiến bán hàng trực tuyến giúp doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào một địa chỉ tên miền là có thể thực hiện hầu hết mọi thao tác trên cùng 01 nền tảng.
Qua đó giúp doanh nghiệp, cá nhân phát triển thương mại điện tử, đồng thời tạo ra sự tập trung, thu hút được lượng lớn nhà cung cấp sản phẩm và khách hàng”.
Theo đó, sàn thương mại điện tử Quảng Nam được xây dựng nhằm mục đích kết nối người mua và người bán trong tỉnh, tạo dựng môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, tiện lợi và hiệu quả. Đây là một trong những kênh bán hàng quan trọng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Về mục tiêu, sàn thương mại điện tử Quảng Nam tập trung vào việc giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm nổi tiếng và chất lượng của địa phương. Giá cả cạnh tranh là một lợi thế khác của sàn, khi người mua có thể so sánh giá của cùng một sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, từ đó lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
Sàn thương mại điện tử Quảng Nam là kênh mua sắm trực tuyến uy tín và chất lượng, mang đến cho người tiêu dùng Quảng Nam nhiều lợi ích thiết thực. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, sàn hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam, tạo ra một nền tảng thương mại điện tử vững mạnh và bền vững.
Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Các chính sách này bao gồm hỗ trợ đào tạo và tập huấn về thương mại điện tử, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và vận chuyển, cũng như hỗ trợ tham gia các hội chợ và triển lãm thương mại điện tử.
Cụ thể tháng 4/2024, UBND TP. Hội An phối hợp Ban điều hành khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam tổ chức tập huấn về phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo và nghệ thuật truyền thông, thương mại. “Tham gia lớp tập huấn này mình thấy rất bổ ích vì giúp nhận diện được những hạn chế cũng như có thêm nhiều kiến thức và giải pháp hay để đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng tốt hơn” - chị Thủy chia sẻ.
Cũng trong năm nay, TP. Hội An tiếp tục hỗ trợ tích cực cho các chủ thể trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Tháng 6/2024, TP. Hội An tổ chức “Phiên chợ khởi nghiệp - tiêu dùng xanh lần 2” tại Trung tâm làng nghề Kim Bồng (xã Cẩm Kim) với nhiều sản phẩm OCOP được bày bán, giới thiệu.