Thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng
Sáng thứ 7 ngày 15/12 tại chợ tạm trên địa bàn phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, chị Lê Thị Hà vừa nhìn vào màn hình điện thoại vừa nói, “không biết ai vừa chuyển vào tài khoản 7 ngàn đồng”. Tiếp lời chị Lê Thị Hà, một người khách đang mua rau của chị giải thích, vừa có người mua mớ rau 7 ngàn đồng, không có tiền mặt chắc họ quẹt mã chuyển khoản.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại đã trở nên phổ biến. Ảnh: ST |
Chuyện chuyển khoản thanh toán 5 ngàn, 7 ngàn tiền mua mớ rau, vài củ hành lá tại các chợ dân sinh trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là chuyện không còn hiếm với nhiều người tiêu dùng. Đó là lý do, những người bán rau trước đây hầu như không dùng tài khoản ngân hàng, không quan tâm đến vấn đề giao dịch không dùng tiền mặt thì nay họ lại là những người sử dụng thành thạo nhất dịch vụ này, bởi khách hàng, mà đa số là những người trẻ hiện nay họ không sử dụng tiền mặt, nên nếu “không có tài khoản ngân hàng thì rất khó bán được hàng” – chị Lê Thị Hà – một người phụ nữ bán rau tại chợ tạm trên địa bàn phường Phú Diễn cho biết thêm.
Tại cửa hàng phở bò của chị Đinh Thị Mai Phương trên phố Sơn Tây –Ba Đình - Hà Nội cũng dán các mã QR tài khoản ngân hàng đầy trên tường để khách có thể chuyển khoản cho tiện. Theo chia sẻ của chị Đinh Thị Mai Phương, hiện có tới trên 80% khách hàng đến ăn phở tại cửa hàng sử dụng thanh toán bằng hình thức chuyển khoản thay vì sử dụng tiền mặt như trước đây.
Không chỉ tại các chợ dân sinh hay các cửa hàng nhỏ lẻ trên phố, tại các trung tâm thương mại lớn, thanh toán mua hàng bằng hình thức chuyển khoản hay quẹt thẻ cũng trở nên thịnh hành. Chị Nguyễn Hà Trang – nhân viên bán hàng quần áo thời trang tại Trung tâm Thương mại Tasco (Long Biên – Hà Nội) cho biết, 90% khách hàng đến mua sắm tại cửa hàng đều sử dụng hình thức thanh toán bằng chuyển khoản thay vì tiền mặt.
Theo nhận định của chị Nguyễn Hà Trang, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản vừa đơn giản, tiện lợi lại ít nhầm lẫn. Đặc biệt, vì có nhiều người nhiều khi chỉ xác định đi chơi, không có nhu cầu mua hàng nên không mang theo tiền. Nhưng đến nơi thấy bộ đồ ưng ý, muốn mua sắm nếu chỉ thanh toán tiền mặt họ sẽ ngại mua sắm, nhưng vì thanh toán bằng thẻ ngân hàng nên lại dễ dàng hơn rất nhiều.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ nâng cao hiệu quả thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy an toàn; lưu thông hàng hóa không tiền mặt, nâng cao quản lý nhà nước trong hoạt động thuế…
Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ kích thích được tiêu dùng. Ảnh: Minh Tuệ |
Tích cực ứng dụng công nghệ vào hoạt động thương mại
Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thương mại, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân…
Hưởng ứng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến; ban hành khung pháp lý, tuyên truyền người dân khuyến khích không tiền mặt qua sự kiện Tuần lễ không tiền mặt, Ngày mua sắm quốc gia; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hạ tầng trong thanh toán không tiền mặt…
Trong đó, tại Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam năm 2024 diễn ra từ ngày 25/11-1/12/2024 vừa qua, bên cạnh chú trọng ứng dụng công nghệ số, Bộ Công Thương đã tổ chức không gian trải nghiệm tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành nhằm giới thiệu sản phẩm công nghệ và giải pháp thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt. Cùng với đó, mở rộng các giải pháp hỗ trợ thanh toán điện tử an toàn và tiện ích mua sắm thông minh, giúp người tiêu dùng tự tin hơn khi tham gia mua sắm trực tuyến. Đây là một phần trong chiến lược của Bộ Công Thương nhằm không ngừng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc nâng cao kỹ năng và năng lực ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động thương mại nói riêng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại không dùng tiền mặt, để người dân tin tưởng mua sắm không tiền mặt, bảo vệ tuyệt đối người tiêu dùng. Bởi thanh toán không tiền mặt vừa là xu thế tất yếu, vừa là động lực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời kích tích tiêu dùng trong nước.