Trong thời đại công nghệ số, thương mại điện tử đã trở thành cánh cửa mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Và câu chuyện về Gạo lứt tím hữu cơ Nông Phát Đạt là một minh chứng rõ nét cho sự thành công khi ứng dụng công nghệ vào bán hàng.
Từ cánh đồng An Giang đến bữa cơm gia đình Việt
Hạt gạo lứt tím hữu cơ Nông Phát Đạt ra đời từ những cánh đồng lúa xanh mướt của vùng đất An Giang trù phú. Nông Phát Đạt, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất gạo lứt hữu cơ tại Việt Nam, đã dành trọn tâm huyết để mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm "gạo sạch" - an toàn, bổ dưỡng và đậm đà hương vị thiên nhiên.
Gạo lứt tím hữu cơ Nông Phát Đạt được làm từ 100% lúa tím hữu cơ, trồng trên những cánh đồng được chăm sóc kỹ lưỡng, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất độc hại nào. Hạt gạo giữ trọn vẹn những dưỡng chất quý giá từ đất mẹ, mang đến nguồn năng lượng dồi dào cho sức khỏe.
Sàn thương mại điện tử - Sàn Việt giúp thu ngắn khoảng cách giữa người bán và người mua hàng. Ảnh: Ngọc Dương |
Đặc biệt, gạo lứt tím giàu chất xơ gấp 3 lần gạo trắng, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, kiểm soát cân nặng hiệu quả. Bên cạnh đó, sản phẩm còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin B1, B6, E, Magie, Sắt... giúp tăng cường sức đề kháng, bảo vệ tim mạch và tốt cho hệ thần kinh. Hàm lượng anthocyanin cao trong gạo lứt tím còn là "thần dược" chống lão hóa, giúp bạn duy trì sức khỏe và vẻ đẹp thanh xuân.
Đến nay, sản phẩm của Nông Phát đạt không ngừng phát triển mà còn đạt nhiều thành công khi đẩy mạnh bán hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn về sức khỏe, về thực phẩm, về dinh dưỡng, ý thức hơn về việc nâng cao chất lượng bữa ăn, tìm hiểu về thực phẩm sạch và ưu tiên lựa chọn những mặt hàng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng. Đây chính là một cơ hội lớn để những thương hiệu về nông sản sạch mở rộng thị phần.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Nông Phát Đạt, thông tin: “Gạo lứt tím hữu cơ Nông Phát Đạt đã chính thức có mặt trên sàn thương mại điện tử Sàn Việt, được đơn vị này dành sự hỗ trợ đặc biệt về kỹ thuật, ngân sách truyền thông, nhân lực.
Đặc biệt, Sàn Việt đã dành vị trí "đắc địa" bậc nhất trên sàn thương mại để tập trung nguồn lực, giúp gạo lứt tím hữu cơ Nông Phát Đạt tiếp cận đến hàng triệu khách hàng trong các dịp khuyến mại lớn trong năm. Đây chính là những hoạt động giúp sản phẩm tự tin hơn khi xây dựng các chiến lược về thương hiệu, tự tin nâng cao vị thế cho gạo chất lượng cao Việt Nam - mặt hàng vẫn đang bị đánh giá thấp so với giá trị vốn có".
“Bệ phóng” cho đặc sản Việt bay xa
Trong thời đại số, việc nâng cao năng lực sản xuất thôi chưa đủ, doanh nghiệp cần những "bệ phóng" vững chắc để vươn xa hơn trên thị trường. Và thương mại điện tử chính là giải pháp tối ưu, mở ra cánh cửa mới cho hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng.
Trước đây, hành trình từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều tầng nấc trung gian. Nhưng giờ đây, nhờ có sàn thương mại điện tử, khoảng cách ấy được rút ngắn đáng kể. Chỉ với một cú click chuột, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sở hữu những sản phẩm chất lượng.
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước đang có hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp với 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, trong đó nhiều sản phẩm đã khẳng định chất lượng và được cấp nhãn hiệu tập thể. Đặc biệt, hơn 13.000 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng. Các sản phẩm này đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và mẫu mã, tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay: “Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử đang là xu thế giúp sản phẩm có cơ hội đến gần hơn với người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP cũng cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo dựng niềm tin, từng bước khẳng định uy tín với người tiêu dùng”.
Thấu hiểu điều đó, tỉnh An Giang đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tham gia vào "sân chơi" thương mại điện tử. Hàng loạt các hoạt động thiết thực đã được triển khai, từ việc hỗ trợ mở gian hàng trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (AR), đến việc xây dựng kênh TikTok và livestream bán hàng đa nền tảng...
Đặc biệt, Sở Công Thương An Giang đã đồng hành cùng hơn 60 doanh nghiệp, giúp đưa trên 1.700 sản phẩm đặc sản địa phương lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận với thị trường rộng lớn trong và ngoài nước.
Không chỉ dừng lại ở đó, tỉnh An Giang còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, từng bước tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới. Những nỗ lực này đã góp phần kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân với người tiêu dùng, mở rộng kênh phân phối, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, đồng thời quảng bá hình ảnh và thương hiệu Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đáng chú ý, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công thương tỉnh An Giang đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng Sàn Thương mại điện tử An Giang (www.angiang.sanviet.vn) được tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành.
Thông qua Sàn thương mại điện tử An Giang, thời gian qua, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của địa phương dần dần khẳng định được thương hiệu và tìm kiếm được thị trường phù hợp, nhiều sản phẩm đã kết nối và xuất khẩu ra quốc tế.
Sàn thương mại điện tử An Giang với các gian hàng và kênh thông tin giới thiệu chuyên nghiệp, nhanh chóng dành cho cơ sở, doanh nghiệp và các tính năng ưu việt, cho phép tối ưu và tùy chỉnh cao, mang lại nhiều giá trị cho cả người bán và người mua. Với chỉ vài thao tác đơn giản, việc mua bán trên sàn thương mại điện tử này cũng dễ dàng, nhanh chóng và hết sự thuận tiện.
Bà Trần Ngọc Diệu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh An Giang cho hay, thương mại điện tử đang trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy hàng hoá nông sản, đặc sản của An Giang. Thông qua các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội, sản phẩm đặc sản của An Giang như gạo, trái cây, thủy sản... được quảng bá rộng rãi, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trên cả nước.