Tinh hoa ẩm thực Quảng Nam 'vươn xa' trên nền tảng số Nước mắm Ngọc Lan: Thương hiệu vươn xa nhờ thương mại điện tử Nấm Mối Đen Uyên Khang: Khẳng định thương hiệu nhờ sàn thương mại điện tử |
Món quà tinh hoa từ biển đảo
Cù Lao Chàm, hòn đảo được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009 không chỉ nổi tiếng bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn hấp dẫn du khách gần xa nhờ nền ẩm thực đa dạng và độc đáo. Trong đó, mực một nắng là đặc sản gây thương nhớ nhiều nhất bởi hương vị hấp dẫn, giá trị dinh dưỡng cao và sự tiện lợi khi sử dụng hay làm quà biếu...
Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, Hội An (Quảng Nam) cho biết: Hiện xã đảo có 5-6 hộ sản xuất mực 1 nắng, nhưng quy mô và có tiếng nhất là cơ sở của vợ chồng anh Huỳnh Thành (53 tuổi) và vợ là Cao Thị Phương (45 tuổi), trú tại thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp với thương hiệu “Mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương”. Nhiều năm qua, sản phẩm của cơ sở nhà chị Phương đã tham gia nhiều hội chợ, phiên chợ trong và ngoài tỉnh, góp phần cho du khách khắp nơi biết đến một sản phẩm hải sản đặc trưng của tỉnh nhà.
Được biết, điểm nổi bật của mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương nằm ở nguyên liệu, quy trình chế biến và hương vị.
Về nguyên liệu, khác với hải sản được đánh bắt trong những chuyến đi biển dài ngày, nguyên liệu chế biến mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương là 100% mực ống tươi nguyên con đánh bắt ở vùng biển cạn có độ mặn vừa phải, được ngư dân mang về trong ngày nên chúng vẫn còn tươi rói, thậm chí trên thân của chúng vẫn còn phát ra ánh điện.
Nguyên liệu sản xuất mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương là mực ống tươi được đánh bắt tự nhiên 100%. (Ảnh: Cao Phương) |
Chị Phương chia sẻ, để mua được nguyên liệu đạt chuẩn, chị phải có mặt ở chợ cá địa phương từ sáng sớm tinh mơ và đón những chuyến tàu chở mực về. Không những vậy, chị còn ký hợp đồng mua mực với hơn 20 chủ tàu ở Cù Lào Chàm. Theo đó, thời gian tập trung thu mua, chế biến vào giấc cao điểm là từ tháng 2-8 hàng năm.
Đối với quy trình sản xuất, sau khi thu mua nguyên liệu, mực ống được sơ chế và phơi trên các mành lưới. Dưới ánh nắng to nơi đây, khoảng 5 giờ sau phơi là mực đã đạt chất lượng 1 nắng (70-80%). Sau đó, mực được cho vào túi, hút chân không rồi bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 15 độ C (trung bình 1kg mực tươi sau phơi sẽ còn khoảng 250g). Theo chị Phương, nếu điều kiện thời tiết ánh sáng không bảo đảm (dưới 37 độ C) thì mực sẽ bị giảm độ ngon. Chính vì vậy, chị luôn cẩn thận quan sát thời tiết để từng mẻ mực phơi đều đạt chất lượng.
Về hương vị, mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương có độ ngọt tự nhiên, mặn mặn, có độ ẩm vừa phải. Thịt mực dai giòn, sần sật, không quá dai như mực khô. Người tiêu dùng có thể chế biến sản phẩm thành nhiều món ngon hấp dẫn như: nướng than hoa, chiên xù, xào sa tế, hấp gừng và lẩu mực…
Mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương không chỉ là một món ăn ngon mà còn là món quà sức khỏe tuyệt vời. Sản phẩm giàu protein giúp xây dựng và phát triển cơ bắp, vitamin B12 tốt cho hệ thần kinh và tim mạch, omega-3 giúp giảm cholesterol, tốt cho tim mạch và não bộ, cùng các khoáng chất như canxi, sắt, kẽm cần thiết cho cơ thể. Sản phẩm được đóng gói đẹp mắt, sang trọng, thích hợp làm quà biếu tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.
“Ra khơi” nhờ “lên sàn”
Với chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu, mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương đã vinh dự nhận được chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam năm 2021. Đây được đánh giá là bước tiến quan trọng giúp nâng tầm giá trị của mực một nắng Cù Lao Chàm. Nhất là trong bối cảnh bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử, việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao và 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt, bao gồm mực một nắng Cù Lao Chàm có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử lẫn thị trường quốc tế.
Mặt khác, theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy hàng Việt phát triển mạnh mẽ theo đúng xu thế trên thế giới. Bằng chứng đó là tính riêng tỉnh Quảng Nam, trong thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, doanh số các sản phẩm ngành hàng thực phẩm và đồ uống có nguồn gốc từ nông - lâm - ngư nghiệp của Quảng Nam trên sàn thương mại điện tử đạt 12,21 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 234% và sản lượng đạt 33 nghìn sản phẩm, tăng 35% so với cùng kỳ.
Trước xu thế này, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp, tham gia các hoạt động hội chợ, hội thảo, các sự kiện thương mại,... gia đình chị Cao Phương còn phát triển thêm kênh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, trong đó có Sàn Việt (sanviet.vn).
Sàn Việt là một kênh phân phối, quảng bá hữu hiệu cho sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam, trong đó có mực một nắng Cù Lao Chàm. (Ảnh chụp màn hình) |
Được biết, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng Sàn thương mại điện tử Quảng Nam (www.quangnam.sanviet.vn) với hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng trăm sản phẩm đã được lựa chọn và đưa lên sàn. Sàn thương mại điện tử Quảng Nam được tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành.
Sàn thương mại điện tử Quảng Nam được xây dựng nhằm mục đích kết nối người mua và người bán trong tỉnh, tạo dựng môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, tiện lợi và hiệu quả. Đây là một trong những kênh bán hàng quan trọng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Sàn thương mại điện tử Quảng Nam tập trung vào việc giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm nổi tiếng và chất lượng của địa phương.
Giá cả cạnh tranh là một lợi thế khác của sàn, khi người mua có thể so sánh giá của cùng một sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, từ đó lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính. Không chỉ thế, đây còn là kênh mua sắm trực tuyến uy tín và chất lượng, mang đến cho người tiêu dùng Quảng Nam nhiều lợi ích thiết thực.
Theo ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Hiện có khoảng 70% sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Các chính sách này bao gồm hỗ trợ đào tạo và tập huấn về thương mại điện tử, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và vận chuyển, cũng như hỗ trợ tham gia các hội chợ và triển lãm thương mại điện tử.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, sàn hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam, tạo ra một nền tảng thương mại điện tử vững mạnh và bền vững.