Hương vị miền Tây lan toả trên sàn thương mại điện tử
Từ lâu, người dân Nam Bộ đã biết tận dụng nguồn cá tự nhiên làm mắm - món ăn đặc trưng vùng miền Tây sông nước. Tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An có một món mắm dần trở nên nổi tiếng tại xứ này và được bà con lựa chọn như một món đặc sản đó là "Mắm cá đồng Cô Thưa". Đây cũng là một trong những sản phẩm lên sàn OCOP đầu tiên của huyện Tân Hưng.
"Mắm cá đồng Cô Thưa" là tâm huyết của bà Nguyễn Thị Thưa, người đã gắn bó với nghề làm mắm hơn 20 năm. Với tình yêu và đam mê với ẩm thực quê hương, bà Thưa luôn tỉ mỉ, kỳ công trong từng khâu sản xuất, từ chọn nguyên liệu, sơ chế, ủ mắm đến đóng gói, đảm bảo mang đến cho khách hàng sản phẩm chất lượng nhất.
Bà Nguyễn Thị Thưa trình bày, thuyết minh về sản phẩm “Mắm cá kho” tại buổi thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP |
Theo bà Thưa, muốn cho ra một mẻ mắm thơm ngon đòi hỏi người làm phải kỹ càng trong từng khâu chế biến như: chọn cá, ướp muối, thính và ủ mắm. Mắm được ủ trong chum, lu lớn theo phương pháp truyền thống, trải qua thời gian lên men tự nhiên, mang đến hương vị đậm đà, thơm ngon, chan hòa hương vị đồng quê.
Mắm cá đồng có thể dùng để chế biến từ những món ăn dân dã như: lẩu mắm, cá kho tộ, bún mắm,... đến những món ăn cầu kỳ như: lòng heo xào mắm, bánh xèo mắm ruốc,... Đây đều là những món ăn quen thuộc xuất hiện khá nhiều trong các bữa cơm gia đình của người dân miền Tây Nam Bộ.
Thực hiện tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, địa phương đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho sơ sở làm mắm bà Thưa thực hiện quy trình OCOP, đến tháng 1/2024 thì sản phẩm được công nhận đạt chuẩn. Nhờ đó, cơ sở có thể mở rộng sản xuất. Ước tính hiện nay mỗi tháng cơ sở của bà Thưa cung cấp ra thị trường hàng nghìn hũ mắm.
Đồng thời, việc phát triển sản phẩm mắm cá cũng góp phần tiêu thụ nguồn lợi thủy sản tự nhiên của dịa phương.
Sản phẩm "Mắm cá đồng Cô Thưa" đã được bán trên sàn thương mại điện tử |
Không dừng lại ở đây, trong bối cảnh mua sắm trực tuyến cũng như thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp, tham gia các hoạt động hội chợ, hội thảo, sự kiện thương mại... sản phẩm "mắm cá đồng cô Thưa" còn phát triển thêm kênh bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường, mang lại sự tiện lợi và tiếp cận dễ dàng hơn cho người tiêu dùng. Một trong những kênh bán hàng online được bà Thưa lựa chọn là Sàn Việt (sanviet.vn).
Trước đó, để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Long An đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng Sàn thương mại điện tử Long An (www.longan.sanviet.vn) với hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng trăm sản phẩm đã được lựa chọn và đưa lên sàn.
Sàn thương mại điện tử Long An được tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành.
Theo bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, sàn thương mại điện tử Long An được xây dựng nhằm mục đích kết nối người mua và người bán trong tỉnh, tạo dựng môi trường mua sắm trực tuyến an toàn, tiện lợi và hiệu quả. Đây là một trong những kênh bán hàng quan trọng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Sàn thương mại điện tử Long An tập trung vào việc giới thiệu và quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm nổi tiếng và chất lượng của địa phương. Giá cả cạnh tranh là một lợi thế khác của sàn, khi người mua có thể so sánh giá của cùng một sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, từ đó lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Long An đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Các chính sách này bao gồm hỗ trợ đào tạo và tập huấn về thương mại điện tử, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và vận chuyển, cũng như hỗ trợ tham gia các hội chợ và triển lãm thương mại điện tử.