Thứ hai 28/04/2025 14:34

Tinh hoa trà Việt hoà vào dòng chảy thương mại điện tử

Việc đưa các sản phẩm trà lên sàn thương mại điện tử đã trở thành một bước đi chiến lược của các doanh nghiệp trong ngành trà Việt Nam.

Khởi nghiệp từ trà

Thưởng thức trà từ lâu đã là một nét văn hóa của người Việt. "Chén trà là đầu câu chuyện", bên tách trà thơm ngon, người ta sống chậm lại, cùng tâm sự với nhau những suy ngẫm về cuộc sống.

Ngày nay, bên cạnh trà Việt truyền thống, người tiêu dùng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn về các loại trà trên thị trường như trà thảo mộc, trà matcha, trà sencha... Trong đó, phải kể đến trà Ô long được mệnh danh là "vua của các loại trà" trên thế giới, điểm đặc biệt của trà không chỉ ở hương vị quyến rũ mà còn bởi những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.

Sản phẩm trà ô long Thu Đan

Nhận thấy tiềm năng từ loại trà này mang lại cùng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp của vùng Thuận Châu (Sơn La), Công ty TNHH Trà Thu Đan đã đầu tư sản xuất sản phẩm trà Ô long Thu Đan với mong muốn đem đến cho khách hàng một sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, mang hương vị đặc trưng riêng.

Nhớ lại duyên nghiệp với cây chè ở Thuận Châu, anh Phạm Văn Doanh - Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan kể, năm 1999, anh rời quê nhà Hưng Yên lên xã Phổng Lái (Thuận Châu) lập nghiệp. Ngày mới lên, gia đình anh trồng 6 ha cà phê, nhưng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cây cà phê không phát triển được nên chuyển sang trồng chè.

Anh mạnh dạn chuyển đổi giống chè cũ, sang trồng chè Kim Tuyên. Bằng việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, như: Tưới ẩm, cắt tỉa, thu hái đúng thời điểm, thời gian cách ly đảm bảo... diện tích chè của gia đình anh ngày càng phát triển xanh tốt, năng suất, chất lượng đều cao hơn so với giống chè cũ, vừa làm vừa mở rộng quy mô sản xuất và hướng dẫn bà con nông dân làm theo.

Xuất phát từ yêu cầu đảm bảo đầu ra sản phẩm của gia đình và bà con trong xã, anh Doanh mạnh dạn đầu tư nhà máy chế biến, thành lập Công ty TNHH Trà Thu Đan chuyên sản xuất, chế biến, nâng tầm thương hiệu chè Phổng Lái.

Anh Doanh chia sẻ: Nhà máy chế biến chè của công ty được đầu tư xây dựng từ năm 2013 với quy mô 2 ha, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 300 tấn chè khô với giá bán bình quân 80.000 đồng/kg.

Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, toàn bộ diện tích chè của công ty được chăm sóc, thu hái thực hiện theo quy trình kỹ thuật bên đối tác yêu cầu, những búp chè xanh - sạch được vận chuyển ngay về nhà máy sau khi thu hái và trải qua nhiều công đoạn với hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại để ra được sản phẩm chè khô chất lượng.

Xác định việc phát triển vùng nguyên liệu là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của Công ty, ngay trước khi xây dụng nhà máy chế biến, Công ty TNHH Trà Thu Đan đã xây dựng vùng nguyên liệu với 300 ha trà Kim Tuyên. Để đảm bảo chất lượng đồng đều, công ty đầu tư toàn bộ cây giống cho các hộ nông dân trồng, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi để hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, thu hái, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, vùng chè nguyên liệu của công ty luôn duy trì ổn định, đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

Vươn tầm nhờ thương mại điện tử

Nhờ vào việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất cao và cải tiến công nghệ không ngừng, trà ô long Thu Đan đã nhận được các giải thưởng như sản phẩm OCOP 4 sao, huy chương Vàng tại Hội chợ Trà Việt Nam năm 2023, giải thưởng "Sản phẩm chất lượng cao ASEAN" năm 2022 và nằm trong top 10 thương hiệu trà uy tín nhất Việt Nam năm 2021.

Luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH Trà Thu Đan cũng đầu tư mạnh mẽ cho phát triển thương mại điện tử trong việc quảng bá thương hiệu, xây dựng thị trường.

Công ty TNHH Trà Thu Đan đưa sản phẩm trà lên sàn thương mại điện tử

Mới đây, với sự kết nối của Sở Công Thương tỉnh Sơn La, sản phẩm trà ô long Thu Đan đã được đưa lên Sàn Việt (sanviet.vn) - sàn thương mại điện tử hợp nhất của cả nước do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành, cũng như sàn thương mại điện tử Sơn La (www.sonla.sanviet.vn) do Sở Công Thương tỉnh phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa sản phẩm trà ô long Thu Đan lên các sàn thương mại điện tử như sàn thương mại điện tử Sơn La và Sàn Việt đã mở ra nhiều cơ hội mới cho đặc sản địa phương.

"Không chỉ đơn giản là một kênh bán hàng, sàn thương mại điện tử còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian trong việc quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, với các chương trình hỗ trợ đào tạo và quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của Sở Công Thương tỉnh Sơn La, các đơn vị sản xuất nắm bắt được xu hướng tiêu dùng và tận dụng tối đa lợi ích của việc giao dịch trực tuyến", anh Doanh chia sẻ.

Thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương tỉnh Sơn La cũng tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khi tham gia thị trường thương mại điện tử, tận dụng tốt nhất các công cụ số để chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Nguyễn Văn Bắc - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, năm 2024, đơn vị cũng phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử địa phương như: Giao thương liên kết vùng và ứng dụng giải pháp số; livestream để quảng bá và bán sản phẩm đặc trưng; tổ chức Diễn đàn giao thương liên kết vùng và ứng dụng giải pháp thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại sản phẩm Sơn La; tìm kiếm các đối tác trong nước và các nước lân cận, tổ chức phiên chợ thanh toán không tiền mặt…

Sàn thương mại điện tử Sơn La được tích hợp vào hệ thống sàn thương mại điện tử hợp nhất Sàn Việt (sanviet.vn), trở thành một không gian kết nối các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương với người tiêu dùng. Với sàn thương mại điện tử này, các sản vật đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương dễ dàng vượt qua ranh giới địa lý, gia tăng cơ hội giao thương, đồng thời quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa địa phương.

Là sản phẩm của Đề án xây dựng sàn thương mại hợp nhất 63 tỉnh, thành do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương triển khai, thời gian qua, Sàn Việt (sanviet.vn) đang dần khẳng định được vị thế trong thị trường thương mại điện tử, trở thành sự lựa chọn tin cậy của hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên cả nước.

An An
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

AI giúp doanh nghiệp thương mại điện tử bứt phá

Quản chặt chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Vì sao AI là trợ thủ đắc lực của doanh nghiệp thương mại điện tử?

Quảng bá sản phẩm 'made in Vietnam' trên thương mại điện tử

Định hình luật chơi mới cho thương mại điện tử Việt Nam

Trách nhiệm đơn vị dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử

Quản lý chặt các chủ thể tham gia thương mại điện tử

Tận dụng ưu đãi thuế De minimis từ Mỹ tăng xuất khẩu

Cơ bản nhất trí với đề xuất xây dựng, ban hành Luật Thương mại điện tử

Shopee - người bán: Cuộc đối thoại chính thức quanh phí PiShip

Cách thế giới thay đổi logistics trong thương mại điện tử

Không có nhân sự giỏi, thương mại điện tử khó vươn xa

Lan tỏa giá trị di sản Việt Nam qua không gian số

Lùi thời hạn nộp thuế: Người bán hàng trên sàn thương mại điện tử 'thở phào'

Học Kinh tế số: Cơ hội nào cho sinh viên thời 4.0?

Khi hàng kém chất lượng được ‘tô vẽ’ trên sàn

Hàng nghìn sản phẩm bày bán trên 'chợ điện tử' Bình Dương

Longform: Bộ Công Thương lên tiếng về việc Shopee, Tiktok Shop tăng phí

‘Đế chế’ Forever 21 sụp đổ và câu chuyện bay trên 'đôi cánh’ thương mại điện tử

Shopee tôn vinh sản phẩm địa phương và xuất khẩu trực tuyến "giá trị Việt"