Hộp thư 21/3: Nghi vấn sản phẩm Bitney Multi Juice không rõ nguồn gốc; phản hồi về sự việc Công ty Milan
Mục Hộp thư bạn đọc Báo Công Thương vừa qua nhận được một số thông tin phản ánh, cụ thể như sau:
Báo Công Thương nhận được đơn đề nghị phản hồi báo chí của bà Trần Thị Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Milan.
Trước đó, ngày 18/2/2023, Báo Công Thương có bài viết với tiêu đề: Hộp thư bạn đọc ngày 17/2: Sơn Minano có dấu hiệu bị xâm phạm, sữa Ovisure Gold mập mờ nguồn gốc”.
Ngày 3/3/2023, sau khi đăng tải, Báo Công Thương nhận được đơn phản ánh đề nghị đăng phản hồi báo chí của Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Milan (gọi tắt là Công ty Milan – PV) địa chỉ thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội.
Đơn đề nghị đăng phản hồi báo chí do bà Trần Thị Trang ký cho rằng: Công ty Milan khẳng định nội dung phản ánh của Báo Công Thương là một chiều, có những thông tin không đúng sự thật và chưa được kiểm chứng về các nội dung gồm: Phía Công ty Minano hoàn toàn không liên quan đến quá trình hợp tác sản xuất, kinh doanh với Công ty Milan; Công ty Milan tự ý sản xuất sơn kém chất lượng bán ra thị trường; Công ty Milan tự ý in tem hàng hóa mang nhãn hiệu Minano; Công ty Milan tự ý đổ sơn (giá trị thấp) vào thùng sơn Minano (có giá trị cao) rồi đem bán cho khách hàng.Việc phản ánh của Báo Công Thương gây hậu quả nghiêm trọng đến kinh doanh sản xuất của công ty.
Về những nội dung phản ánh của Công ty Milan, Báo Công Thương khẳng định việc đăng tải thông tin trong mục Hộp thư bạn đọc là có cơ sở, có kiểm chứng và thông tin khách quan, đa chiều, liên hệ trao đổi trước với bà Trần Thị Trang, Giám đốc Công ty Milan. Ý kiến của bà Trang đã được trích dẫn vào bài viết với nội dung: “Liên quan vấn đề này, trao đổi với Báo Công Thương, bà Trần Thị Trang, Giám đốc Công ty Milan thừa nhận có nhận gia công sản xuất sơn cho Minano nhưng phía Minano không lấy hàng nên đã sang chiết sơn sang thùng khác để trả vỏ cho Minano?”.
Trong đơn, Công ty Milan cho rằng: Công ty Milan là đơn vị sản xuất sơn thực tế cho Công ty Minano có hợp đồng và đối chiếu công nợ của hai bên xác nhận. Báo đăng tải “Phía Công ty Minano hoàn toàn không liên quan đến quá trình hợp tác sản xuất, kinh doanh với Công ty Milan” một chiều, không đúng sự thật.
Tuy nhiên, trong nội dung bài báo, Báo Công Thương đã không phủ nhận việc Công ty Milan và Minano có hợp tác sản xuất sơn. Trong bài báo đã trích dẫn rõ “ông Hoàng Đức Chung (hiện là Giám đốc Công ty Minano) và bà Trần Thị Trang (Giám đốc Công ty Milan) cùng các cổ đông khác có hợp tác sản xuất, kinh doanh nhãn hiệu sơn Minano tại Công ty Cổ phần Minano Group. Sau đó, Minano Group và các cổ đông góp cổ phần mở thêm Công ty Milan cũng chuyên về sản xuất sơn. Trong quá trình hoạt động nhận thấy có nhiều bất cập về hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Chung đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của các cổ đông để sở hữu 100% cổ phần tại Công ty Minano. Từ ngày 15/10/2022, phía Công ty Minano hoàn toàn không liên quan đến quá trình hợp tác sản xuất, kinh doanh với Công ty Milan”.
Đồng thời, ngày 15/10/2022, ông Hoàng Đức Chung đã ký các hợp đồng mua cổ phần Số 01/2022/HĐCN-HN, Số 02/2022/HĐCN-HN, Số 03/2022/HĐCN-HN, Số 04/2022/HĐCN-HN, Số 05/2022/HĐCN-HN, Số 06/2022/HĐCN-HN của bà Trang và các tổ chức, cá nhân liên quan. Cũng trong ngày 15/10/2022, Công ty Minano đã có Văn bản số 11/2022/TB gửi Phòng Đăng ký kinh doanh TP Hà Nội về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Trần Thị Trang sang ông Hoàng Đức Chung.
Các hợp đồng nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty Minano ngày 15/10/2022 |
Vì vậy, Báo Công Thương nêu trước đó Công ty Minano có hợp tác sản xuất sơn mang nhãn hiệu Minano với Công ty Milan. Từ ngày 15/10/2022 đến nay, phía Công ty Minano hoàn toàn không liên quan đến quá trình hợp tác sản xuất, kinh doanh với Công ty Milan là đúng.
Công ty Milan cho rằng Báo Công Thương đăng tải nội dung: Công ty Milan tự ý sản xuất sơn kém chất lượng bán ra thị trường là sai sự thật. Công ty Milan cam kết sản xuất đúng với chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố và chưa bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sản xuất sơn kém chất lượng.
Về vấn đề này, căn cứ vào các tài liệu, thông tin thu thập được, Báo Công Thương nêu là có cơ sở. Báo đã tìm hiểu thực tế và thu thập phản hồi thông tin tại nhiều đại lý nhập những lô hàng mang nhãn hiệu của Minano được chuyển từ Công ty Milan có dấu hiệu kém chất lượng nên có cửa hàng đã trả lại số lượng lớn.
Cụ thể, Công ty TNHH Quang Thanh Bình (đại lý sơn của Công ty Minano), địa chỉ tại số 11 Núi Đầu, Ngô Quyền, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn đã cung cấp tài liệu và thừa nhận ký vào bảng kiểm kê chi tiết hàng đổi trả. Theo đó, ông Phạm Minh Cường (Giám đốc Công ty Quang Thanh Bình) đã ký vào bảng chi tiết hàng trả lại cho Công ty Minano với số lượng 131 thùng và vỏ lon sơn. Ông Cường khẳng định đây là sản phẩm mang nhãn hiệu Minano nhập từ Công ty Milan vào hồi tháng 11/2022 sau thời điểm ngày 15/10/2022, ông Chung đã sở hữu toàn bộ cổ phần Công ty Minano.
Ngoài ra, tài liệu phóng viên thu thập được thể hiện, đại lý Thắng Thùy Bắc Giang (tại xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang) có sản phẩm ghi chữ M22 (nhãn mác ghi ngày sản xuất 30/11/2022). Trong một clip ghi vào ngày 1/12/2022, chủ cơ sở cho biết đã lấy lô hàng của bà Trần Thị Trang (Công ty Milan) và nói: “Đây là sơn kinh tế, bản chất là ruột của sơn M100 nhưng đóng vào vỏ M200, M500”.
Vì vậy, nội dung Báo Công Thương đăng tải là có cơ sở.
Đối với nội dung Báo Công Thương đăng tải Công ty Milan đã tự ý in tem hàng hóa mang nhãn hiệu Minano, phía Công ty Milan cho rằng, doanh nghiệp không tự ý in tem hàng hóa mà đây là do Công ty Minano cung cấp để sản xuất sơn. Báo Công Thương cho rằng, thông tin báo nêu chỉ ghi nhận phản ánh nghi vấn với nội dung: « Thậm chí, theo phản ánh, phía Milan tiếp tục cho in tem hàng hóa theo nội dung tem cũ mang nhãn hiệu Minano để dán trên các thùng sơn? »
Những nghi vấn này là có cơ sở bởi, hồ sơ thể hiện sau ngày 15/10/2022, Công ty Minano và Công ty Milan không ký bất kỳ hợp đồng nào về sản xuất, kinh doanh sơn mang nhãn hiệu Minano.
Đồng thời, ngày 4/11/2022, Công ty Minano đã có Văn bản số 0411 yêu cầu Công ty Milan tạm dừng sản xuất toàn bộ các mặt hàng và không được phép đưa các sản phẩm của Minano ra thị trường khi chưa có sự đồng ý của Minano.
Tuy nhiên, tài liệu thu thập được từ đại lý Công ty Minano tại số 251 đường Chính Hữu, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh thể hiện có những vỏ thùng sơn ký hiệu M800 mang nhãn hiệu Minano ghi ngày sản xuất là 7/11/2022. Trong phiếu vận chuyển, có ghi rõ số lượng vận chuyển là 10 thùng sơn Minano được xác nhận bằng tin nhắn của bà Trần Thị Trang. Trong tin nhắn với zalo do bạn đọc cung cấp (có hình ảnh của bà Trần Thị Trang) thể hiện nội dung: “Anh ơi, bên MNN đặt hàng sản xuất nhưng không lấy, giờ đi gia công ở các xưởng khác. Em còn nhiều hàng MNN, em để giá sản xuất. Anh lấy giúp em 1 đơn nhé”. Nội dung tin nhắn này có kèm bảng giá sơn Minano.
Bên cạnh đó, chủ cửa hàng sơn tại xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang có xác nhận trong một clip đã nhập từ bà Trần Thị Trang (Công ty Milan) lô hàng là sơn kinh tế, bản chất là ruột của sơn M100 nhưng đóng vào vỏ M200, M500.
Cùng với đó, ngày 6/1/2023, Cục Bản quyền tác giả đã xác nhận cấp Giấy chứng quyền tác giả đối với logo Minano. Tuy nhiên, theo hình ảnh thu thập được, trong ngày 07/01/2023, rất nhiều vỏ thùng sơn mang thương hiệu Minano vẫn tồn tại trong xưởng sản xuất của Công ty Milan.
Trong đơn phản ánh, Công ty Milan còn cho rằng, doanh nghiệp hoàn toàn không tự ý đổ sơn Milan (giá trị thấp) vào thùng sơn Minano (giá trị cao) rồi đem bán cho khách hàng. Tuy nhiên, ngay chính trong đơn phản ánh, Công ty Milan đã thừa nhận rằng doanh nghiệp tự sang chiết hàng tồn của Minano đặt nhưng không nhận, không thanh toán mặc dù Công ty Milan có văn bản thông báo sản phẩm đó nếu không thanh toán theo thời hạn thỏa thuận thì sẽ thuộc tài sản của Công ty Milan và Công ty Milan có quyền bán thanh lý và định đoạt tài sản đó.
Đồng thời, ghi nhận thực tế tại clip phóng viên thu thập được cho thấy: Ngày 01/12/2022, ông Thắng chủ đại lý Thắng Thùy thừa nhận trong clip đã nhập từ bà Trần Thị Trang (Công ty Milan) lô hàng là sơn kinh tế, bản chất là ruột của sơn với mã ký hiệu M100 nhưng đóng vào vỏ sơn ký hiệu M200 và loại M500.
Sau khi nhận được đơn phản ánh, toà soạn đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại người gửi đơn và mời bà Trang đến tòa soạn để làm rõ các vấn đề vào ngày 6/3. Phía bà Trang cho rằng phải gửi giấy mời bằng văn bản. Đến ngày 8/3/2023, Báo Công Thương đã gửi Giấy mời số 118/BCT-ĐT ghi rõ: “Căn cứ quy định của pháp luật về giải quyết đơn, để làm rõ một số nội dung nêu trong đơn và cung cấp thêm tài liệu, bằng chứng chứng minh, Báo Công Thương đề nghị Công ty Milan sắp xếp buổi làm việc vào lúc 14h ngày 10/3/2023 tại tầng 10 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội”.
Tuy nhiên, đến ngày 10/3, bà Trang và đại diện Công ty Milan tiếp tục từ chối buổi làm việc. Song trên cơ sở thông tin được xác minh, Báo Công Thương có công văn phản hồi về sự việc và sẽ tiếp tục làm rõ theo quy định của pháp luật.
Phản ánh tới Báo Công Thương, ông V.V.H (thôn Lai Hòa, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngan, Bắc Giang) phản ánh về việc một số đối tượng ở thị trấn Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đang có dấu hiệu bán sản phẩm theo hình thức đa cấp lừa dối người tiêu dùng. Cụ thể, ngày 16/3/2023, người chú của anh H. có mua gói sản phẩm Bitney Multi Juice với số tiền là 47 triệu đồng (đã thanh toán 30 triệu đồng) để được tặng 2% để được hưởng hoa hồng sau này. Theo ông H. sản phẩm này không có mã vạch và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tòa soạn sẽ xác minh làm rõ.
Gói sản phẩm Bitney Multi Juice được bản đọc phản ánh tới Báo Công Thương - Ảnh người dân cung cấp |
Thông tin đến Báo Công Thương, bạn đọc Bùi Thị T. (số điện thoại 0937777xxx, đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường 9, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết bị bệnh trĩ rất nặng, khi biết Lương y Hoàng Xuân Quý (ở Yên Bái) quảng cáo trên truyền hình với danh xưng bác sĩ quân đội cấp cao về hưu bào chế thuốc gia truyền có thể chữa được bệnh này. Tin vào lời quảng cáo, chị T. đã bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng để mua nhiều lần thuốc về chữa bệnh. Tuy nhiên, bệnh tình của chị lúc đỡ lúc không. Trong khi đó, chưa hết tháng, thầy thuốc liên tục giục mua mấy lô thuốc khiến chị rất lo lắng vì không biết tác dụng và liệu trình phải uống đến bao giờ mới khỏi. Nghi vấn sản phẩm của thầy Quý có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng, quảng cáo không đúng công dụng chị đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Theo thông tin phản ánh của nhiều phụ huynh đang theo học tại Trường Tiểu học Tân Dân, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đang có nhiều khoản thu từ đầu năm học 2022-2023 đến nay chưa hợp lý và có dấu hiệu lạm thu.
Theo đó, theo thông tin phụ huynh (xin được giấu tên) cung cấp, các khoản thu bao gồm 15 đầu mục được liệt kê từ đầu nằm học và trong mỗi đợt thu tiền lại phát sinh thêm khoản mục khác ngoài những mục ban đầu, với tổng số tiền đã thu và dự kiến thu đợt 4 (thời điểm hiện tại) là từ hơn 6.000.000 đồng/học sinh đến gần 8.000.000 đồng/ học sinh tùy từng khối lớp.
Cụ thể, ngoài các khoản theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế, học phí, nước uống, xuất hiện rất nhiều các khoản thu khác như: Quỹ ban đại diện: 100.000 đồng/học sinh (đang thông báo thu thêm 50.000 đồng/học sinh); tiền ủng hộ phát triển nhà trường: 200.000 đồng/học sinh; tiền điện điều hòa: 100.000 đồng/học sinh; quỹ đội, hoạt động ngoại khóa…
Tuy nhiên theo bà Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường thì khẳng định nhà trường đã và đang thực hiện đúng với các quy định của các cấp chính quyền cũng như ngành giáo dục. Và có một số nhầm lẫn như: Khoản đóng góp 90.000 đồng/học sinh cho phí thông tin liên lạc điện tử là do giáo viên chủ nhiệm tự ý thông báo, còn nhà trường không có yêu cầu thu khoản này vì trường không dùng phần mềm này. Sự nhầm lẫn này cũng do các giáo viên chủ nhiệm các lớp khi không nắm bắt, giải thích, truyền đạt tốt ý của nhà trường gây ra những luồng thông tin thiếu khách quan, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, của cả hệ thống giáo dục địa phương.